Giải pháp căn cơ

Kết quả một số nghiên cứu tại Đức vừa được công bố đã gây thêm lo ngại về tác động nghiêm trọng của khủng hoảng năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHAPPATE
Biếm họa: CHAPPATE
  • Nguồn cung hạn chế và giá khí đốt tăng cao đang làm giảm sản lượng trong ngành công nghiệp và đe dọa phá hỏng mục tiêu khí hậu của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) hôm 25/7 thông báo kết quả khảo sát cho thấy, có tới một phần tư trong số 3.500 công ty tại Đức được khảo sát đã phải giảm quy mô sản xuất hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài; một phần tư số khác cũng lên các kế hoạch tương tự. Trong đó, chịu tác động mạnh nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, trong các ngành như thép, thủy tinh và giấy. Ngay từ tháng 7 này, nhiều doanh nghiệp đã phải dành khoản chi lớn để mua khí đốt trên thị trường nhằm phục vụ nhu cầu những tháng cuối năm. Theo khảo sát, chỉ khoảng một nửa số công ty sản xuất công nghiệp đáp ứng được nhu cầu về khí đốt cho cả năm 2022 thông qua các hợp đồng.

Trong khi đó, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cảnh báo rằng, kế hoạch của Chính phủ Đức xây dựng thêm các trạm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể gây hại cho mục tiêu khí hậu của Berlin. Nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu và phòng trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt đột ngột, Chính phủ Đức đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm các tuyến đường ống và hơn chục trạm LNG nổi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu do Công ty EnergyComment của Đức thực hiện theo yêu cầu của Greenpeace, việc xây dựng quá nhiều trạm LNG cùng với hàng loạt thỏa thuận mua khí đốt ký đến tận năm 2024 sẽ khiến năng lực nhập khẩu vượt xa nhu cầu về nguồn cung, thậm chí có thể dẫn đến sự phụ thuộc khí đốt lâu dài, đi ngược các mục tiêu bảo vệ khí hậu mà Berlin đã đưa ra.

Chủ tịch DIHK Peter Adrian dự báo, tình hình khó khăn trên thị trường năng lượng sẽ còn gây thêm rủi ro về chi phí và nguồn cung trong những tháng tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là các công ty công nghiệp Đức nên coi đây như “cơ hội” cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng, nhất là khí đốt.

Người phát ngôn của Greenpeace, Manfred Santen cũng khuyến nghị rằng, so nỗ lực có thêm các công trình hạ tầng, mà có thể “góp phần” gây hại cho khí hậu, thì việc sử dụng khí đốt hiệu quả và tiết kiệm là giải pháp căn cơ, cần được ưu tiên hơn.