Giá hàng hóa, dịch vụ giảm không đáng kể

Dù giá xăng dầu đã giảm sâu, nhưng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tại thị trường Hà Nội vẫn giữ mức giá cao như thời điểm giá xăng dầu hơn 32 nghìn đồng/lít, chỉ có một số mặt hàng giảm giá, nhưng mức giảm không đáng kể. Điều này đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm của người bán hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tại Siêu thị Big C Thăng Long.
Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tại Siêu thị Big C Thăng Long.

Tính từ cuối tháng 6 đến ngày 11/8, xăng, dầu đã có năm lần giảm giá, tổng mức giảm gần 30% so cuối tháng 6. Hiện giá xăng RON95-III về mức giá 24.669 đồng/lít; xăng E5 RON92 giảm về mức 23.725 đồng/lít; dầu diesel 0,05S giảm về 22.908 đồng/lít... Thế nhưng, nhiều mặt hàng, dịch vụ trước đây tăng giá do giá xăng dầu tăng, thì nay lại vẫn giữ nguyên mặt bằng giá đó, không hề giảm theo đà giảm của giá xăng, nhất là giá các dịch vụ ăn uống.

Đơn cử, quán phở gà ở ngõ 144 đường Cổ Linh (quận Long Biên) từ giữa tháng 6/2022 đã tăng 5 nghìn đồng/bát. Quán bún ngan ở phố Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm) cũng tăng giá từ 5 đến 10 nghìn đồng tùy mặt hàng, giá một bát bún trước là 35 nghìn đồng/bát, nay lên 40 nghìn đồng/bát và mức giá tăng này vẫn giữ nguyên tới tận thời điểm hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) bức xúc: “Khi giá xăng dầu tăng thì chủ hàng quán lấy lý do đó để tăng giá bán. Nhưng xăng dầu đã giảm giá hơn một tháng nay thì họ lại làm ngơ, vẫn giữ nguyên giá”.

Khảo sát giá hàng hóa tại một số chợ như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Đông Tác, chợ Kim Liên (quận Đống Đa)..., giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức khá cao. Như hoa cúc đợt tháng 6 chỉ ở mức 60.000/chục thì nay đã tăng lên 90.000 đồng/chục; thịt lợn cũng đã tăng từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg tùy loại, hiện các loại thịt ba chỉ, sườn, nạc vai… vẫn đang giữ giá khoảng 150 nghìn đồng/kg… Các loại trứng gia cầm giá từ 35 đến 45 nghìn đồng/chục quả, tăng 5 nghìn đồng/chục so với trước. Một số loại rau gia vị vẫn duy trì mức giá cao, dao động từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng/kg như hành lá, mùi ta, thì là...

Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng 0,61% so tháng trước, tăng 4,19% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, so tháng 6/2022, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,14%, chủ yếu do chỉ số giá ăn uống ngoài gia đình tăng 3,48% và giá thực phẩm tăng 1,9%. Trong đó, giá thịt lợn tăng 5,89%, thịt gia cầm tăng 1,92%; trứng các loại tăng 2,26%; thịt bò tăng 0,6%; thủy sản tăng 1,03%... Bình quân 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,38% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Giá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm thiết yếu “neo” ở mức cao khiến nhiều gia đình thu nhập thấp phải cân đo đong đếm nhiều hơn. Bác Trần Minh Châu (ở phố Lò Đúc, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi thấy chỉ có một số loại rau xanh giảm giá, nhưng mức giảm không đáng kể, còn lại giá thịt, cá vẫn giữ mức cao. Tôi hy vọng thời gian tới các loại thực phẩm, hàng hóa giảm mạnh theo giá xăng dầu để người dân đỡ chật vật trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày”.

Để kích cầu tiêu dùng và bình ổn giá hàng hóa, nhiều hệ thống siêu thị triển khai các chương trình giảm giá, khuyến mại một số mặt hàng. Siêu thị Big C Thăng Long triển khai chương trình Năng lượng đến trường (áp dụng từ ngày 11 đến 24/8/2022), giảm đến 50% nhiều mặt hàng thực phẩm. Tại hệ thống siêu thị WinMart, một số sản phẩm sữa và bánh giảm từ 10% đến 16%. Hệ thống siêu thị Co.op Mart áp dụng chương trình “Túi hàng to - Giá tiền nhỏ” với nhiều mặt hàng có giá ưu đãi. Siêu thị Co.op Mart làm việc với các nhà cung cấp để có thể nhập hàng mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời, tiết giảm các chi phí vận hành.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm 2022, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân sẽ tăng cao. Do đó, rất cần các giải pháp kịp thời để giảm giá hàng hóa, dịch vụ nhằm kiểm soát lạm phát. Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai chương trình Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, chương trình Khuyến mại tập trung, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời, sẽ tăng cường công tác liên kết giao thương, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics, giảm các khâu trung gian phân phối và các chi phí khác để có thể giảm giá thành sản phẩm.