Gây dựng "sếu đầu đàn" cho nền kinh tế

(Tiếp theo kỳ trước) (*)

 

Dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô-tô tại nhà máy của VinFast (Hải Phòng). Ảnh: TRẦN ANH
Dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô-tô tại nhà máy của VinFast (Hải Phòng). Ảnh: TRẦN ANH

Bài 2 Câu chuyện "con đẻ", "con nuôi"

Trong quá trình thực thi chính sách phát triển nền kinh tế cơ cấu nhiều thành phần ở Việt Nam, khu vực kinh tế nhà nước, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được ví như "con đẻ" với hàm ý được ưu ái, nuông chiều; còn DN tư nhân là "con nuôi", phải tự bươn chải để tồn tại. Và theo lẽ tự nhiên, những đứa con được nuông chiều dễ sinh hư, còn đứa con ít được chăm sóc thường bị còi cọc, không đủ điều kiện để phát triển thể chất tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cả "con đẻ" lẫn "con nuôi" của nền kinh tế đều đang có những tâm tư riêng, thậm chí còn mong được "hoán thân đổi phận".

Ai cũng đòi bình đẳng

Tại một cuộc tọa đàm về xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không diễn ra hơn hai năm trước, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - một trong những "con cưng" của nền kinh tế đã bất ngờ lên tiếng "đòi" quyền bình đẳng. ACV vốn là đơn vị chuyên xây dựng, khai thác cảng hàng không, sân bay theo nguyên tắc một cảng, một nhà khai thác như thông lệ quốc tế. Nhưng với cơ chế hiện hành, ACV chỉ được đầu tư khu bay gồm đường băng, đường lăn, sân đỗ,… là những hạng mục không có lợi nhuận. Trong khi mảng dịch vụ sinh lời nhất là nhà ga hành khách lại được giao DN tư nhân. Tán thành chủ trương xã hội hóa, nhưng ACV lo ngại việc thu hẹp đầu tư có thể đẩy DNNN vào tình trạng teo tóp dần. "Dư luận cho rằng chúng tôi xây sân bay quá chậm, còn DN tư nhân chỉ mất ba năm đã xây xong sân bay Vân Ðồn. Nhưng có ai hiểu rằng, DN tư nhân quyết là được ngay, còn DNNN từ mua viên gạch cũng phải xin chủ trương, lập kế hoạch rồi tổ chức đấu thầu. Chủ trương giải cứu ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất được thống nhất cao nhưng ba năm qua chưa giải quyết xong thủ tục đầu tư. Riêng việc trình ai, ai quyết định giao ACV đầu tư dự án đã là câu chuyện khó. Chậm là do quy trình, thủ tục bắt buộc DNNN phải tuân thủ. Chúng tôi chỉ muốn được bình đẳng như DN tư nhân", Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) ACV Lại Xuân Thanh bức xúc. Cả hội trường lập tức dậy lên những tiếng xì xào khi ông Thanh phát biểu vì dường như tất cả những người tham dự đều hiểu rằng, cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm góp tiếng nói đấu tranh cho "con nuôi" DN hàng không tư nhân được tạo điều kiện hơn nữa, giành lấy cơ hội đầu tư xây dựng hạ tầng và tăng năng lực vận tải trong một thị trường hàng không đang phát triển vượt mọi dự báo. Không ai có thể ngờ chính "con đẻ" ACV cũng bị trói chân, trói tay bởi các thủ tục đầy rắc rối, phiền hà. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã phải thốt lên đầy cảm thán: "Vấn đề bắt nguồn từ thể chế, nỗi khổ này không của riêng ai, không chỉ DN tư nhân và DNNN phải chịu. Thái độ của chúng ta với DNNN đừng ưu ái, cũng chẳng ưu tiên nhưng cần cởi trói. Không thể ưu ái rồi trói lại, bó tay bó chân họ ngay từ thủ tục xin cấp phép".

Trăn trở lớn nhất của đội ngũ lãnh đạo DNNN hiện nay là không được thật sự tự chủ trong kinh doanh. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, 5 năm đầu hoạt động theo mô hình cổ phần, HÐQT ban hành tổng cộng gần 1.200 nghị quyết, tính ra trung bình gần 300 nghị quyết/năm. Nếu việc gì cũng phải xin ý kiến cơ quan chủ quản, kể cả công việc có tính chất sự vụ hằng ngày sẽ gây quá tải. Ðặc thù của ngành hàng không là mạng bay rộng khắp thế giới, trong tình huống máy bay gặp sự cố, xử lý chậm có thể bị xé lịch bay, gây chậm chuyến dây chuyền và làm bùng lên bức xúc của hành khách. Tình thế đòi hỏi HÐQT quyết định ngay chủ trương thuê bổ sung máy bay nhưng nếu làm đúng quy định cần có văn bản xin ý kiến các cơ quan và không biết bao giờ mới nhận được phản hồi. "Thực tế điều hành, có nhiều việc, HÐQT phải "tiền trảm hậu tấu", làm trước báo cáo sau, hoặc xin ý kiến, sau một tuần không phản hồi thì tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật", một lãnh đạo VNA thừa nhận. Ở VNA, có dự án "treo" vô thời hạn, như dự án đầu tư mua 50 máy bay thân hẹp trình hơn hai năm vẫn không biết văn bản đang trên bàn làm việc của cấp nào. Cá biệt, dự án xây dựng nhà sửa chữa máy bay tại sân bay Nội Bài trình từ năm 2010, đến nay qua bốn đời Chủ tịch HÐQT vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng, dù đất có và dự án cũng đã tổ chức đấu thầu xong.

Ngược lại, DN tư nhân có thực quyền kinh doanh, được tự quyết định đối với những khoản đầu tư của mình lại không có nhiều dư địa phát triển. Các DN tư nhân mong mỏi Nhà nước đặt niềm tin và trao cơ hội tham gia những dự án quan trọng của đất nước. Chủ tịch HÐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình từng hơn một lần khẳng định trước Thủ tướng Chính phủ: Nếu DN tư nhân được giao xây dựng sân bay quốc tế Long Thành hay dự án đường sắt bắc - nam, chắc chắn không phải mất 30 năm mà chỉ cần không đến 10 năm. Ðây là nỗ lực mà khối DN tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ. Chủ tịch FPT mới đây cũng đề nghị Chính phủ đồng ý cho phép các DN tư nhân xử lý lỗi nghẽn lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Sự tham gia của FPT lúc này chỉ là giải pháp tình thế nhưng là cú huých để việc tự chủ công nghệ vận hành thị trường chứng khoán diễn ra nhanh hơn. "Chúng tôi đề nghị trao nhiệm vụ cho tư nhân và cần ưu tiên những nhiệm vụ lớn. Chính phủ xây dựng chính sách và hoạch định tầm vĩ mô, còn việc cụ thể nên để DN làm. Chúng tôi mong muốn Chính phủ là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân thực hiện ý tưởng", ông Trương Gia Bình mong mỏi.

Môi trường thiếu cạnh tranh

TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá cộng đồng DN Việt Nam bằng sáu từ ngắn gọn: Thể chế nào, DN ấy. Theo ông, DN tư nhân không lớn lên được do cơ chế phân bổ nguồn lực thiếu công bằng. DN có sáng kiến, dự án khả thi, có khả năng phát triển tốt chưa chắc đã tiếp cận được nguồn lực để phát triển. Hơn nữa, môi trường đầu tư còn thiếu minh bạch và khó tiên lượng khiến một bộ phận DN tư nhân sợ lớn, chỉ đầu tư cầm chừng để tránh rủi ro. DN khi còn ở quy mô nhỏ thì không tiếp cận được nguồn lực vốn, đất đai, khoa học - công nghệ; lớn lên một chút lại sợ rủi ro chính sách. Trong khi đó, DNNN nắm giữ khối tài sản rất lớn đang hụt đà tăng trưởng vì làm gì cũng phải đi xin, hoạt động giống như một cơ quan hành chính nhà nước chứ không phải DN với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh. Ðiều TS Nguyễn Ðình Cung và không ít chuyên gia kinh tế hết sức lo ngại là nhiều năm nay không thấy bóng dáng của DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước trong đầu tư những công trình, dự án lớn của đất nước. Những "quả đấm thép" vẫn giữ vai trò chủ đạo trên "sân khấu" kinh tế, nhưng chỉ "đóng vai phụ" và dường như đang mất dần động lực phát triển. "Nói như vậy, không phải phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ đã đem lại sự chuyển biến đáng kể của môi trường kinh doanh những năm gần đây, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận, cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của DN, cho dù không còn những cách hành xử tùy tiện "sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng" như giai đoạn trước đây", TS Nguyễn Ðình Cung nhấn mạnh.

Không khó để tìm những con số đã khiến vị chuyên gia này luôn đau đáu, cảm thấy như mắc nợ vì chưa tìm được "bà đỡ" cho DN. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% vào GDP nhưng chủ yếu từ các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, chiếm khoảng 30%, còn DN tư nhân chỉ đóng góp khoảng 9,1%. Rõ ràng, nội lực của DN tư nhân còn yếu, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn chủ yếu được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, trong quá trình phát triển không tránh khỏi những khó khăn về quản trị và mô hình hoạt động, phần lớn chỉ hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng,… làm hạn chế khả năng dẫn dắt các DN khác thực hiện thay đổi tổ chức kinh doanh theo hướng hiện đại, phù hợp đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, DNNN chiếm khoảng 0,07% số DN cả nước, đóng góp 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các DN trên thị trường và 30% GDP. Tuy nhiên, về cơ bản nhiều DNNN chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế nhà nước, hiệu quả của DNNN chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ. Ðóng góp của khu vực này vào thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần từ 15,67% năm 2015 xuống còn khoảng 10,64% năm 2019. "Về kết quả sản xuất, kinh doanh, vai trò của DNNN trong khu vực DN có xu hướng giảm mạnh, tỷ trọng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của DNNN năm 2011 là 25,2% nhưng đến năm 2017 giảm xuống mức 15,1%; tỷ trọng lợi nhuận trước thuế cũng giảm tương ứng từ 43,3% xuống 22,9%. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của DNNN còn thấp, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Nói cách khác, DNNN cần sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra được giá trị sản phẩm đầu ra", Trưởng ban Nghiên cứu và cải cách DN (CIEM) Phạm Ðức Trung nhận định.

Là nền kinh tế mở, thước đo chính xác nhất cho năng lực cạnh tranh của DN chính là kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Sau hai năm thực thi Hiệp định CPTPP, cứ bốn DN xuất khẩu sang khu vực này mới có một DN tận dụng được ưu đãi từ CPTPP, tập trung chủ yếu ở DN FDI. Rõ ràng, kết quả này rất thấp so kỳ vọng, nhất là đối với một FTA có thời gian đàm phán lâu nhất và được đánh giá là đỉnh cao hội nhập. Nguyên nhân không chỉ do các biến cố khách quan như căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch Covid-19, mà còn ở các vấn đề nội tại của chính DN. Bản thân các DN cũng nhìn nhận có sự thua kém về năng lực cạnh tranh, bên cạnh các biến động đầy tính bất định của thị trường. Sự lép vế của DN Việt trước khu vực FDI không phải vấn đề mới. Theo số liệu cuối năm 2019 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số hơn 758 nghìn DN đang hoạt động, chỉ có hơn 16.800 DN FDI nhưng khu vực này luôn chiếm tỷ lệ 60 đến 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Quý I vừa qua, tỷ trọng xuất khẩu của các DN FDI tăng vọt lên 76%, mức cao nhất từ trước đến nay. Ðây là rủi ro tiềm tàng rất lớn cho nền kinh tế.

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 4-5.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN quy định: Trước khi biểu quyết tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền HÐQT, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN phải xin ý kiến chủ sở hữu, sau đó triệu tập HÐQT họp để biểu quyết, thông qua nghị quyết. Quy trình này sẽ làm khó cho DNNN, nhất là những DNNN đã cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nhưng nay lại trở về thành DNNN như quy định của Luật DN. Cổ đông sẽ không hiểu người đại diện có quyền hạn, trách nhiệm, vai trò và cả chuyên môn thế nào mà làm việc gì cũng phải đi xin.

LÊ TIẾN TRƯỜNG

Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)