Gặp người anh hùng của gia đình anh hùng

Chiến tranh đi qua, ba thế hệ gia đình này có 12 liệt sĩ, ba người được phong tặng anh hùng: hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Mẹ VNAH) và một Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT).
0:00 / 0:00
0:00
Anh hùng Lực lượng vũ trang Khấu Trung Gương.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Khấu Trung Gương.

“Không ai muốn tham gia kháng chiến để được phong tặng anh hùng”, Anh hùng LLVT Khấu Trung Gương (hội viên Tổ cán bộ hưu trí phường Phú Tân, TP Bến Tre) khẳng định như vậy. Lúc chiến đấu phải đánh thắng để cứu dân, cứu nước. Truyền thống kháng chiến ba đời của gia đình ông là vậy.

Không tiếc máu xương

Những năm kháng chiến, gia đình ông Khấu Trung Gương ở xã Phước Hiệp (Mỏ Cày, Bến Tre) sống bằng nghề nông. Nhà nghèo, ông chỉ học hết lớp 2 rồi nghỉ ở nhà chăn vịt. Tuổi nhỏ ông chưa hiểu cách mạng là gì. Thấy cậu Lê Văn Thảo (cậu thứ hai) của ông không biết đi làm ở đâu, cứ về nhà vào đêm khuya khoắt, má ông lấy xuồng đưa đi. Ông có hỏi má: Cậu Hai làm gì mà về vào đêm không vậy má? Bà bảo: Con còn nhỏ biết làm gì. Rồi có lần cậu Hai bị lính vây bắn khi đang chèo ghe trên sông, cậu quay ghe vào bờ, được du kích bắn trả giải vây, cậu thoát nhưng bị thương. Qua lần đó ông biết cậu làm Việt cộng, là Phó hậu cần Tỉnh đội. Hôm bị giặc vây bắn là lúc cậu chở vũ khí từ tàu không số từ huyện Thạnh Phú về thì bị giặc phát hiện, vây bắn.

Bà ngoại ông là bà Phạm Thị Đầy có năm người con là liệt sĩ (bốn cậu và má của ông). Những người con của ngoại tôi tham gia cách mạng, bà bị giặc bắt lên thị trấn tra điện, trấn nước chết lên chết xuống nhiều lần nhưng vẫn bảo vệ con và đồng đội của con. Không chỉ các cậu, dì, má của ông là con của ngoại mà bà ngoại ông còn là mẹ chiến sĩ. Ngoại chăm sóc, bảo vệ khi các đơn vị bộ đội về đóng quân ở nhà mình. Ngoại ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, có năm người con là liệt sĩ. Má của ông, bà Lê Thị Nhung cũng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, có chồng và ba con trai là liệt sĩ.

Gia đình bên ngoại ông còn có mợ hai Nguyễn Thị Niềm là vợ của cậu Hai Thảo, có chồng là liệt sĩ và hai con trai là liệt sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Theo bước cha anh

Năm 16 tuổi, ông xin ba má đi bộ đội như anh Ba, anh Tư. Ông bà quyết liệt cản ngăn và nói là: Ba má sẵn sàng cho con đi kháng chiến nhưng với điều kiện đi, gian khổ hiểm nguy thế nào cũng không được trở về. Bây giờ, con còn nhỏ lắm, để vài năm nữa lớn ba má cho đi theo hai anh. Mong muốn thôi thúc khiến ông nằng nặc xin ba má cho đi. Má ông quyết liệt cản ngăn: con mà trốn đi là má tự vẫn chết cho coi. Còn ba thì hăm: từ con.

Thấy ba má quyết lòng như vậy, ông cũng ngại nhưng rồi ý chí luôn thôi thúc, ông thử lòng ba má thêm hai lần.

Lần thứ nhất lúc ba má đi họp, ông ôm quần áo núp trong hầm trú pháo. Ông bà về không thấy, gọi cũng không thấy đâu. Bà phán một câu: Nó lẻn đi bộ đội rồi ông ơi! Ba má ông đi tìm khắp nơi. Đợi ba má ra khỏi nhà lúc lâu, ông mới chui ra khỏi hầm. Ba má về hỏi, ông nói tỉnh bơ: con đi chơi ở xóm.

Lần thứ hai, ông lén đem theo áo quần đi chơi mấy ngày, khi về thấy ba má mừng và nói: Tưởng mầy trốn đi bộ đội rồi chứ. Biết ba má chỉ thương mình còn nhỏ mà dọa vậy thôi. Sau lần đó, lúc ba má vắng nhà, ông thu xếp áo quần và tham gia bộ đội. Một tháng sau, ba ông lên thăm có xách theo cặp vịt tặng đơn vị. Ba ông gởi gắm con cho đơn vị và động viên con cố gắng. Đơn vị ông đầu quân là Tiểu đoàn 263, Quân khu 8.

Gia đình ông có bảy anh chị em: bốn trai, ba gái. Mẹ ông hy sinh năm 1967 vì pháo giặc, trong lúc triển khai công tác phụ nữ. Ba ông: Khấu Văn Trực, công tác tại xã Phước Hiệp, lúc họp nhóm, trúng pháo giặc hy sinh. Bốn anh em trai đi bộ đội hy sinh ba. Gia đình ông có 5 liệt sĩ: ba má và ba anh em trai của ông, trong đó liệt sĩ Khấu Văn Khiết là anh thứ ba của ông tham gia trận đánh Tết Mậu Thân vào Nhà Bè Sài Gòn, đến nay chưa tìm được hài cốt...

Năm 1970, chỉ huy đơn vị gọi ông lên làm công tác tư tưởng, tránh chao đảo tinh thần và báo tin cho ông biết: em gái ông lúc về thăm vườn, bị pháo giặc bắn chết! Lòng ông uất nghẹn vì thương em, đứa em mà cách mấy tháng trước đó, đơn vị đóng quân gần nhà ông có xin chỉ huy về thăm.

Những trận đánh giặc khiếp sợ

Vào bộ đội, ông đánh hơn trăm trận ở các chiến trường: Mỹ Tho, Long An, An Giang, Đồng Tháp... Sáu lần bị thương. Có hai trận ông nhớ nhất là: tháng 9/1967, được tin Sư đoàn 9 Mỹ mở cuộc càn “Sóng thần Cửu Long” với chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, Tiểu đoàn 263 được điều về ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày. Lúc này ông 18 tuổi, là Tiểu đội phó thông tin liên lạc có trách nhiệm bảo đảm thông tin chỉ huy thông suốt.

Sáng sớm, giặc bắn pháo chà đi xát lại, dây thông tin đứt liên tục, ông luồn lách dưới làn đạn nối lại đường dây. Theo báo cáo qua đường thông tin của giặc, trận đánh này, sư 9 Mỹ bị ta bắn cháy 20 tàu, diệt 200 tên lính. Báo chí Mỹ thú nhận: Trận “Ba Rài” là trận chua cay thứ hai của Mỹ sau trận Ấp Bắc, Tiền Giang với chiến thuật “Phượng hoàng bay” bị tiêu diệt.

Cuối năm 1969 đến đầu năm 1970, Tiểu đoàn 263 được quân khu điều về tăng cường cho Bến Tre, ông tham gia hàng chục trận đánh diệt đồn bốt của địch. Khoảng tháng 10/1973, Tiểu đoàn 263 đổi tên là D7 hành quân về xã Tân Bình, Mỏ Cày Bắc, công đồn đánh Tiểu đoàn 453 của ngụy.

D7 bố trí xong, khoảng 4-5 giờ chiều, tiểu đoàn địch kéo quân về thị trấn Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam). Ông được điều về làm Đội trưởng trinh sát của D7, dẫn đội trinh sát chặn đầu địch để đơn vị tiêu diệt Tiểu đoàn 453. Bị chặn đánh quá bất ngờ, địch lúng túng, ta diệt hai đại đội, số còn lại địch co cụm trên lộ Giồng Keo. D7 lệnh cho ông bám sát để đơn vị tiêu diệt lực lượng còn lại của địch.

Trận đánh này ông nhớ mãi không quên: khi vừa lên lộ, hai chiến sĩ của đội trinh sát bị giặc bắn, hy sinh. Địch canh chờ ta lấy xác đồng đội tiêu diệt tiếp. Ông nghĩ đồng đội sống chết với mình, nay hy sinh, mình không thể vì sợ chết mà bỏ xác anh em. Ông xin lệnh đi lấy xác liệt sĩ. Chỉ huy tiểu đoàn can ngăn không được, đồng ý.

Ông tổ chức thêm ba đồng chí đi cùng. Lúc này trời đã tối đen. Ông thoa bùn đất đầy người và dặn ba chiến sĩ theo cùng: tôi lên trước, khi nào cột dây được, phía sau kéo xác ra. Ông bò đến mí đường nơi hai chiến sĩ hy sinh, quơ tay đụng một xác và buộc dây, kéo được một xác. Xác liệt sĩ còn lại nằm giữa lộ, ông trườn sát lộ, tay sờ được xác đồng đội, buộc dây và bò trở lại xuống ruộng. Ông nghĩ là địch cài lựu đạn dưới xác liệt sĩ để diệt thêm ta nên kéo mạnh, không có. Địch phát hiện ta lấy xác, bắn tán loạn, pháo sáng đầy trời. Song ta vẫn lấy được xác của đồng đội hy sinh.

Lấy xác xong, ông đề nghị chỉ huy tiểu đoàn tập kích hỏa lực tấn công đội hình của địch. Sau đó địch báo chết 30 tên. Sau trận đánh này, ông làm Đại đội trưởng Đại đội 3. Đơn vị giao ông tham gia giải phóng nhiều đồn bốt khác trong tỉnh cho đến ngày giải phóng miền nam.

Nói về danh hiệu Anh hùng LLVT, ông cho biết: Mình đi đánh giặc chứ đâu nghĩ đến chuyện khen thưởng. Khi Tỉnh đội bảo viết bản báo công, ông chỉ viết được một trang giấy học trò. Ông nói: Hồi nhỏ chỉ học hết lớp 2, gia đình nghèo, ở nhà chăn vịt. Tỉnh đội cử cán bộ tuyên huấn xuống hướng dẫn viết báo cáo thành tích. Ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVT vào ngày 6/1/1978. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu với hàm Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng, về sống ở khu phố 1, phường Phú Tân, TP Bến Tre là đất ông mượn tiền mua sau khi nhường phần đất ở quê nhà cho người chị thờ cúng ông bà.

Chiến tranh đi qua, nỗi đau của gia đình ông vẫn còn đó. Ông được đơn vị tổ chức lễ tuyên hôn vào cuối năm 1975 (đây là người vợ được người anh trong đơn vị làm mai lúc ông 18 tuổi, chị mới 12, theo mẹ lên thăm anh trai của mình, còn nhảy dây với tụi con nít). Hai con đầu của vợ chồng ông đều bị ảnh hưởng chất độc da cam, bởi trên chiến trường ông từng đi qua đều bị giặc rải chất độc này; và vợ ông, sống ở làng quê Lương Phú, Giồng Trôm, cũng bị giặc rải chất độc da cam nhiều lần.

Đau buồn vì hai đứa con đầu (1 trai, 1 gái) đều bị ảnh hưởng chất độc da cam, ông động viên vợ sinh tiếp, được thêm hai gái đều lành lặn.

Trong căn nhà cấp bốn ở khu phố 1, phường Phú Tân, TP Bến Tre, ông sống rất bình dị, ngày ngày làm vườn, chăm sóc con bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ông tâm sự: Chiến tranh đi qua, nhiều đau thương mất mát, nhiều đồng chí, đồng đội ngã xuống vì hòa bình, tôi thấy mình còn may mắn có vợ, có con, có cháu. Ba người anh em của ông hy sinh từ lúc còn rất trẻ, chưa ai có người yêu. Với ông, hòa bình có được ngày nay thật quý giá. Ông mong thế hệ trẻ biết trân trọng, giữ gìn và xây dựng đất nước ngày càng đẹp giàu hơn.