Cuộc chiến chống tin giả và nội dung bạo lực trên mạng xã hội

NDO -

Các chính phủ trên toàn thế giới đang vật lộn để giải quyết nạn tin giả và các nội dung cực đoan, bạo lực trên các trang tin trực tuyến và mạng xã hội. Dưới đây là một số biện pháp mà một số quốc gia và khu vực đang thực hiện.

Các chính phủ trên thế giới đang nỗ lực chống lại nạn tin giả và các thông tin bạo lực trên các nền tảng công nghệ (Ảnh: Getty)
Các chính phủ trên thế giới đang nỗ lực chống lại nạn tin giả và các thông tin bạo lực trên các nền tảng công nghệ (Ảnh: Getty)

Singapore: Ngày 1-4, Singapore đã đề xuất luật chống nạn tin trực tuyến giả. Theo dự luật này, những ai có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật có chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án tù giam lên tới 10 năm.

Các nền tảng mạng internet bao gồm các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter cũng sẽ được yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi để hạn chế tình trạng phát tán những thông tin sai lệch bằng cách hiển thị các thông báo đính chính trên các nội dung đó, hoặc xóa bỏ chúng. Nếu không thực hiện điều này, các nhà cung cấp mạng xã hộ có thể chịu phạt tới 1 triệu đôla Singapore. Nội dung do các cá nhân phát tán có thể bị trực tiếp gắn các đính chính tương tự, và có thể bị phạt lên tới 20.000 đôla Singapore và phạt tù tới 12 tháng nếu không thực hiện biện pháp sửa sai.

Malaysia: Chính phủ tiền nhiệm do liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) nắm giữ của Malaysia là một trong số ít quốc gia đưa ra luật chống tin tức giả. Luật này được thông qua hồi tháng 4-2018 nhằm kết tội những người cố ý tạo và phát tán tin giả. Theo đó, bất kỳ ai phạm tội có thể bị phạt tù tới sáu năm và chịu mức phạt lên tới 500 nghìn Ringgit Malaysia . Cho tới nay, Chính phủ mới của Thủ tướng Mohamad Mahathir vẫn duy trì đạo luật chống tin tức giả này.

Indonesia: Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo tổ chức các cuộc họp hàng tuần để nắm tình hình về “các tin tức giả” và thực hiện một số vụ bắt giữ những kẻ tung tin giả sau khi các tổ chức Hồi giáo cực đoan cố gắng thổi bùng các căng thẳng sắc tộc và nhắm vào những người mà họ cáo buộc chỉ trích đạo Hồi.

Campuchia: Chính phủ Campuchia đã thông qua đạo luật riêng về “tin tức giả”. Theo luật này, bất cứ ai đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội hoặc trên các trang web có thể bị phạt tù lên tới hai năm và bị phạt tới 1.000 USD.

Australia: Chính phủ Australia hôm 4-4 cho biết, nước này sẽ phạt tiền các công ty quản lý mạng xã hội và chủ trang web, đồng thời bỏ tù những người điều hành nếu các nội dung bạo lực không được xóa bỏ ngay lập tức. Theo luật này, các công ty có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 10% tổng thu nhập toàn cầu hàng năm, trong khi đó những người điều hành có thể bị phạt tù lên tới ba năm nếu không xóa bỏ ngay tất cả các đoạn phim hay hình ảnh có nội dung chủ nghĩa khủng bố, sát nhân, hoặc các tội phạm nghiêm trọng khác.

Liên hiệp châu Âu (EU): Các nghị sĩ châu Âu hôm 8-4 đã bỏ phiếu ủng hộ các quy định xóa bỏ các nội dung trực tuyến bạo lực. Theo luật mới này, các công ty công nghệ như Facebook, Twitter hay Google có thể phải đối mặt với các án phạt nếu họ không nhanh chóng xóa bỏ các nội dung phát tán chủ nghĩa khủng bố trên nền tảng của họ.

Đức: Chính phủ Đức hồi tháng 1-2018 đã thông qua một đạo luật buộc các công ty mạng xã hội phải nhanh chóng xóa bỏ các nội dung phạm pháp như các bài viết có nội dung thù địch, ấu dâm, các nội dung có liên quan tới khủng bố và các thông tin sai sự thật trên các trang thông tin của họ. Các trang mạng xã hội này sẽ có thời hạn 24 giờ để xóa bỏ các nội dung bị cấm, nếu không sẽ bị phạt tới 50 triệu euro.

Pháp: Tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Pháp đã thông qua hai đạo luật chống tin tức giả nhằm kiểm soát thông tin sai sự thật trong suốt chiến dịch bầu cử. Luật này cho phép một ứng viên hoặc một đảng chính trị có thể đệ đơn lên tòa án để tìm một phán quyết ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai sự thật trong ba tháng trước cuộc bầu cử quốc gia. Luật này cũng trao quyền cơ quan quản lý truyền thông Pháp thực hiện việc ngừng phát bất kỳ mạng thông tin nào chịu kiểm soát hoặc chịu tác động của một thế lực nước ngoài nếu nó lan truyền thông tin sai lệch.

Nga: Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật phạt nghiêm khắc những công dân Nga thực hiện việc phát tán các thông tin giả. Chính quyền có thể khóa các trang web không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch. Các cá nhân có thể bị phạt tới 400 nghìn rúp (8.302USD) vì phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng