EU gấp rút hành động vì môi trường

Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu euro cho các dự án bảo vệ môi trường ở Tây Bắc Âu, Đại Tây Dương và Bắc Cực. Khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày một thường xuyên với mức độ nghiêm trọng tăng dần, động thái nêu trên của EU cho thấy quyết tâm "chạy đua với thời gian" để chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường một vụ cháy rừng ở Tây Ban Nha. (Ảnh REUTERS)
Hiện trường một vụ cháy rừng ở Tây Ban Nha. (Ảnh REUTERS)

Nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, EU sẽ chi khoảng 467 triệu euro cho các dự án bảo vệ môi trường ở nhiều khu vực. Theo đó, hơn 43 triệu euro được dành cho Chương trình hợp tác liên khu vực ngoại vi Bắc Âu và Bắc Cực, qua đó thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, cũng như khai thác hiệu quả tài nguyên.

Liên minh này cũng dành hơn 310 triệu euro cho Chương trình Liên khu vực Tây Bắc Âu, giúp tài trợ các dự án phục hồi môi trường và chuyển đổi năng lượng. Số tiền còn lại trị giá khoảng 113 triệu euro được sử dụng cho Chương trình Liên khu vực Đại Tây Dương, với trọng tâm hỗ trợ các bên liên quan hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, vận tải, nông lâm ngư nghiệp, khai thác các nguồn tài nguyên biển và bờ biển.

EU tăng cường đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường trong bối cảnh những cơn bão và lũ lụt quy mô lớn, hạn hán, nắng nóng bất thường dẫn đến cháy rừng... xảy ra liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng và sinh kế của con người. Đây chính là hậu quả rõ ràng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Số người tử vong tại các nước thành viên EU trong tháng 7 vừa qua cao hơn 16% so với mức trung bình, khi nắng nóng kỷ lục tấn công nhiều khu vực tại châu lục này. Tháng 7 cũng là tháng có số người tử vong cao nhất kể từ đầu năm 2022 tới nay. Ở khu vực Nam Âu, nắng nóng gây ra cháy rừng trên diện rộng tại Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, khiến hàng nghìn người tử vong.

Những số liệu nêu trên đã cho thấy, không một quốc gia hay châu lục nào, dù giàu hay nghèo, có thể "miễn nhiễm" với những tác động từ biến đổi khí hậu. Đã đến lúc các chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần hợp tác chặt chẽ để thay đổi cách thức hành động đối với khí hậu, hướng tới bảo vệ sức khỏe của mọi người.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, đang cân nhắc việc mua trái phiếu doanh nghiệp dựa trên số điểm về lượng khí thải, cùng các thông tin công bố về khí hậu và mục tiêu trong tương lai của doanh nghiệp. ECB nêu rõ, mục tiêu chính của động thái này là nhằm giúp ngân hàng giảm nguy cơ chịu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, đồng thời đóng góp cho quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Năm 2021, thể chế tài chính này cũng góp sức vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của châu Âu khi công bố hàng loạt biện pháp từ giám sát ngân hàng cho đến chính sách tiền tệ để ứng phó biến đổi khí hậu. Cách đây không lâu, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua đề xuất của EU về việc dán nhãn "tài chính bền vững", hay còn gọi là nhãn "xanh", đối với các khoản đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân và khí đốt.

Việc EU đẩy mạnh triển khai chiến lược bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế là một bước đi đúng hướng. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh đang có không ít ý kiến quan ngại rằng, các nước EU sẽ quay trở lại sử dụng nhiều than đá để giải cơn khát năng lượng trầm trọng tại Lục địa Già. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là thách thức, song cũng chính là cơ hội để các nước quyết tâm và tăng tốc hơn nữa trên quá trình chuyển đổi xanh.