Đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Trong khi doanh nghiệp "khát" lao động kỹ thuật, thì hệ thống đào tạo nghề cũng gặp khó không kém khi mở thêm ngành đào tạo mới. Để tạo nguồn cung nhân lực đáp ứng đòi hỏi của Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải có được sự kết nối tốt hơn giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường đang thiếu hụt nguồn lao động có kỹ thuật tốt. Ảnh: Lưu Hà
Thị trường đang thiếu hụt nguồn lao động có kỹ thuật tốt. Ảnh: Lưu Hà

Trả lương cao vẫn khó tìm người

Từ đầu năm đến nay rất nhiều doanh nghiệp đã tìm đủ cách "vươn tay" thu hút công nhân, lao động kỹ thuật. Không chỉ dán thông tin tuyển dụng ở cổng, nhiều doanh nghiệp đã về tận các trường chuyên đào tạo lĩnh vực kỹ thuật, điện tử, kết nối các phiên giao dịch việc làm để tuyển dụng. Một số doanh nghiệp ở Bình Dương còn cử nhân viên lập điểm tuyển dụng ở những nơi đông người qua lại. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng tìm được lao động đáp ứng nhu cầu công việc, dù đã chào mức lương cao.

Vừa qua, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức ngày hội việc làm, với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều tuyển vị trí dành cho lao động các ngành như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật viên vận hành sản xuất, bảo trì… với số lượng từ vài chục đến vài trăm người. Tại đây, các doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm trên một năm, song cũng dành nhiều cơ hội cho sinh viên mới ra trường, sinh viên cần chỗ thực tập như Công ty TNHH Colgate-Palmolive Việt Nam, Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam... Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân cho biết, đơn vị đang cần tuyển 160 công nhân chuyên mảng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho sáu tháng cuối năm. Dù đã liên hệ qua nhiều kênh khác nhau, kể cả đặt vấn đề với các cơ sở đào tạo, đưa ra mức lương thưởng hậu hĩnh, nhưng vẫn không tuyển đủ người. Còn đại diện Công ty Tin học Vinh An (quận Tân Bình) cho biết, do nhu cầu mở rộng kinh doanh, công ty cần tìm năm kỹ sư IT có kinh nghiệm, hai người viết phần mềm nhưng vẫn chưa tìm người đáp ứng yêu cầu.

Hồi đầu tháng 5/2022, Công ty TNHH Nidec Copal Precision Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tuyển 15 lao động bộ phận gia công cơ khí, kỹ sư thiết kế máy tự động hóa, kỹ sư thiết kế điện. Công ty đã nhận được hồ sơ của nhiều ứng viên, tuy nhiên phần lớn là sinh viên mới ra trường, chỉ đáp ứng 50-60% yêu cầu công việc. Tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội… nhiều doanh nghiệp vẫn đang "đỏ mắt" tìm lao động khối kỹ thuật.

Những nghịch lý trong kết nối cung-cầu

Lý giải về tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động kỹ thuật, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội phân tích: "Thứ nhất, người Việt Nam ta vẫn có tâm lý phải học đại học và ít người quan tâm học nghề, trong đó có các nghề kỹ thuật. Thứ hai, việc tư vấn, phân luồng học sinh cũng chưa tốt, khiến cho người học làm ngơ trường nghề. Thứ ba, giáo dục nghề nghiệp của ta cũng bất cập. Muốn mở ngành mới đào tạo được nhân lực đáp ứng đòi hỏi của Cách mạng công nghiệp 4.0, phải có giáo viên và thiết bị máy móc tương ứng, nhưng bản thân các cơ sở đào tạo rất khó có tiền để đầu tư máy móc, giáo cụ hiện đại cũng như đào tạo giáo viên".

Cũng theo TS Phạm Xuân Khánh, một trong những cách giải bài toán nói trên là doanh nghiệp phải phối hợp với nhà trường. Xu hướng cơ sở đào tạo xây dựng chương trình gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm đầu ra cho sinh viên đã được thực thi bấy lâu, song cần phát triển nhanh và rộng hơn nữa. "Mới đây Công ty Hanwha đã phối hợp cùng chúng tôi để đào tạo 800 kỹ sư thực hành, sẵn sàng trả toàn bộ học phí cho học viên được tuyển chọn và ký hợp đồng ngay từ khi tuyển sinh. Nếu đào tạo đúng chuẩn, đúng xu hướng thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp thì không phải lo đầu ra cho sinh viên", ông Khánh nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của đơn vị đào tạo, ông Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cao Thắng đưa ra giải pháp, cần phải đa dạng hóa hình thức học liên thông, bao gồm cả liên thông chính quy. Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là yếu tố mấu chốt nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực, qua đó giúp các em học sinh có được việc làm tốt sau khi ra trường.

Mới đây, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát khoảng 121.000 người tìm việc, kết quả có 57.000 người trình độ đại học (hơn 42%) nhưng doanh nghiệp chỉ cần gần 39.000 người. Ở nhóm trình độ cao đẳng có gần 23.000 người đi tìm việc nhưng doanh nghiệp cần tới hơn 37.000 người. Rõ ràng thị trường lao động đã có xu hướng coi trọng kỹ năng, hiệu quả làm việc của người lao động hơn là việc họ theo học loại hình đào tạo nào. Về lâu dài vẫn phải nhanh chóng đổi mới phương pháp định hướng, dạy nghề, nhất là những nghề kỹ thuật, điện tử. TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà khi tham gia quá trình đào tạo bởi họ chưa hiểu rõ về quyền, lợi ích cũng như trách nhiệm của mình. Có doanh nghiệp nhận thức được nhưng khi phải thực hiện những yêu cầu về giấy tờ, thủ tục phức tạp thì sinh tâm lý e ngại thực hiện. "Cần tạo cơ chế phối hợp tốt nhất để doanh nghiệp đồng hành cùng cơ sở giáo dục, đào tạo nghề", ông Hùng nói.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam, đưa ra nhận định: Giáo dục nghề nghiệp đi theo con đường đào tạo kỹ năng nghề với thời lượng thực hành cao, sinh viên ra trường giỏi tay nghề, dễ nắm bắt công việc nên rất được doanh nghiệp ưa chuộng. Tuy nhiên doanh nghiệp và nhà trường cần phải khớp nhau về chương trình đào tạo, tránh tình trạng lúc sinh viên có thể đi làm thì doanh nghiệp không cần, khi cần hỗ trợ thì sinh viên lại được "trang bị" không đúng ngành nghề.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (năm 2022), tỷ lệ lao động

Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn là chưa đến 30% và chỉ 10% người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.