Đường về đoàn tụ

Tết đến, xuân về là thời điểm để những người con xa quê lên thành phố để học tập, bươn chải cuộc sống được đoàn tụ bên gia đình. Nhưng đôi khi chặng đường về nhà của không ít người xa quê lập nghiệp lại không hề dễ dàng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người mong ngày Tết để được sum họp với gia đình.
Nhiều người mong ngày Tết để được sum họp với gia đình.

Gian nan đường về

Tết đến, là bao nhiêu thứ phải lo, đâu chỉ mỗi chuyện sắm sửa, quà cáp, về quê… mà kéo theo đó là hàng tá nhiêu khê. Chẳng thế mà có người than rằng: “Đang yên đang lành, tự nhiên Tết!”. Do đó, chuyện về quê ngày Tết như thế nào được nhiều gia đình đem ra bàn bạc cả tháng. Thực tế bây giờ để có một chuyến về quê VIP nhất vẫn là bằng máy bay, vừa nhanh lại thoải mái. Thế nên nhiều gia đình cố gắng săn vé rẻ để tiết kiệm chi phí nhưng chẳng dễ. Không có vé máy bay thì đi tàu hỏa cũng đã là sang, với lại tiết kiệm được chút nào hay chút ấy chứ còn bao nhiêu khoản phải lo. Có điều việc mua vé tàu cũng không đơn giản, ai có thời gian và điều kiện thì lên mạng internet đăng ký mới có vé, hoặc nhờ người thân “săn” giúp, còn nếu chậm chân phải tự đi lên ga, mua được “ghế phụ” hoặc vé “chợ đen” cũng coi như là may mắn.

Những ngày cận Tết, khi người lao động bắt đầu di chuyển về quê, chuyện ùn tắc cục bộ tại cửa ngõ Thủ đô lại tiếp diễn. Vợ chồng chị Liên (quê Lào Cai) lo toan sớm nên sau khi biết lịch nghỉ đã tranh thủ ra ga mua được ngay vé tàu. Cầm tấm vé trên tay mà cảm giác vui mừng khôn tả, nỗi lo giảm đi một nửa. Nhưng lên cơ quan nghe mấy người than thở không mua được vé tàu mà thấy ái ngại. Bởi về quê bằng ô-tô khách ngày Tết thì chật vật vô cùng. Ở các bến xe, chỉ cần ra khỏi bến, nhiều xe tranh thủ “ăn chuyến”, nhồi khách để bù chiều chạy rỗng. Có xe “tải” gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi số người cho phép. Và câu nói quen thuộc của lái xe lẫn phụ xe vẫn là: “Các bác thông cảm, ngày Tết nên thế. Chiều về thì đông thật, nhưng chiều lên chúng cháu chạy xe không. Các bác chịu khó ngồi chật một tí, giá vé nhỉnh lên một tí, để tất cả đều có thể về nhà ăn Tết!”.

Nhà xe cứ nhồi nhét thật đầy khách rồi “phi thần tốc” cho kịp các chuyến sau, còn hành khách thì vừa phải chen chúc trên ghế ngồi mình bỏ tiền, vừa phải cầu khấn để tránh khỏi tai nạn trên đường. Nhiều lần báo chí đưa tin xe khách cho khách nằm lên nóc xe rồi tấp bạt buộc lại, hay nhét khách vào cả gầm xe … thật là khổ vô cùng. Do vậy, nhiều người đã chọn giải pháp đi xe máy về quê. Không ít người phải đi đêm, cả đoàn rồng rắn nối đuôi nhau, có xe chất lên cả nhà gồm bố mẹ và hai con nhỏ cùng lỉnh kỉnh đồ đạc, bọn trẻ thì ngủ gà, ngủ gật dọc đường đến là tội. Những chuyện này năm nào cũng có, nhưng chỉ những ai làm ăn xa, ngày Tết phải đi xe khách về quê mới hiểu.

Tự nhiên… sợ Tết

Những năm gần đây, xu hướng ở lại thành phố đón năm mới đang ngày càng trở nên rõ ràng, nhất là đối với những người trẻ. Tú, ngoài 30 tuổi, ở lại thành phố làm việc sau khi tốt nghiệp và hiện đang làm cho một công ty chuyên tổ chức sự kiện. Tú thuộc diện ưa nhìn và có thu nhập tốt, nhưng cô lại chưa tìm được một người phù hợp. “Tôi quá bận rộn với công việc, nhiều lúc cảm thấy bản thân không có thời gian và sức lực để yêu đương”. Mỗi khi về nhà vào kỳ nghỉ, bố mẹ luôn tìm cơ hội để nói chuyện với Tú, và nhắc nhở cô đã “quá tuổi” rồi đấy. Bố mẹ thì dễ đối phó, nhưng những người khác, họ hàng, làng xóm… lại không dễ đối phó như vậy. “Thôi đừng quá kén chọn nữa, giờ mình còn chọn được người ta, vài năm nữa là thành người ta chọn mình đấy!”… Những lời qua tiếng lại như vậy khiến Tú mệt mỏi, bởi cứ hễ gặp nhau, câu chuyện luôn chỉ xoay quanh những chủ đề lập gia đình, lương thưởng, bao giờ kết hôn… khiến Tú cảm thấy ái ngại.

Với người độc thân là vậy, còn những người đã lập gia đình thì sao? Vợ anh Đức là người Hà Nội, còn anh ở tỉnh lẻ lên. Hơn 10 năm qua, cứ đến tầm 28 Tết là anh chị lại đưa con cái về để sum họp với gia đình dưới quê. Năm nay vợ chồng anh mua được nhà riêng, vợ anh muốn ở lại ăn Tết trong căn nhà mới. Vợ anh dự tính là trước Tết cả gia đình về đi biếu Tết bố mẹ, họ hàng… Sau đó, vợ chồng con cái ra Hà Nội luôn rồi đến mồng 2 lại về một ngày. Chỉ có điều, gia đình anh có truyền thống là dù có làm ăn xa ở đâu đi nữa cũng phải về ăn Tết cùng bố mẹ nên không chấp nhận việc con cái thiếu vắng trong những ngày này. Mấy hôm nay mẹ anh liên tục gọi điện ra hỏi thăm xem khi nào về quê. Anh nói dự tính Tết này không về, mẹ anh bức xúc tuyên bố luôn là nếu không về thì sau này cũng không cần về nữa. Vợ anh biết bố mẹ chồng phản đối nhưng vẫn nhất quyết không chịu về. Dò hỏi mãi, anh mới biết lý do vợ không muốn về quê chồng dịp Tết là do năm nào cũng phải về quê ăn Tết nên phát sợ. Mấy ngày Tết quần quật nấu nướng rồi rửa bát, lau dọn. Đã thế mẹ chồng cái gì cũng ra chỉ bảo, nói này nói kia. Vì vậy, năm nay chị nhất quyết không về khiến anh băn khoăn không biết phải xử trí thế nào cho thuận.

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người không có thời gian cho quê hương, gia đình. Vì vậy, dịp Tết đến, xuân về chính là lúc hiếm hoi để họ hưởng thụ những giây phút đầm ấm bên người thân, gặp gỡ bạn bè, ôn lại kỷ niệm… nhưng sao đường về còn xa xăm quá. Sao không giảm bớt những nhiêu khê đi để Tết thật sự là Tết, được nghỉ ngơi, hưởng thụ và để quê nhà luôn là nơi muốn trở về.