Trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Mới chớm hè, nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước, để lại những nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội. Một điều đáng buồn là mặc dù đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo... nhằm đưa ra các giải pháp hạn chế, ngăn chặn, song tình trạng này năm nào cũng tái diễn và tiếp tục là nỗi lo lắng, ám ảnh với nhiều gia đình.

Lớp dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ
Lớp dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với tác động không nhỏ của những đợt nắng nóng đầu hè, các em học sinh bắt đầu tìm đến niềm vui trong việc bơi lội. Không có điều kiện tới bể bơi, nhiều em đã chọn ao, hồ, sông, suối... làm giải pháp thay thế. Không có sự giám sát của cha mẹ hay người lớn, các em phải đối mặt với nguy cơ đuối nước cao. Ngày 23/5, tại khu vực đập tràn số 2 của hồ Phú Ninh thuộc thôn Bích An, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, sáu học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát rủ nhau lên hồ Phú Ninh vui chơi và tắm. Trong khi tắm, không may em Lưu Quốc B. (sinh năm 2002), trú tại xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành và em Trương Văn V. (sinh năm 2002), xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, bị đuối nước tử vong. Ngày 31/5, tại khu vực suối Tráng thuộc xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, xảy ra vụ tử vong do đuối nước. Các em gồm: Triệu Anh T., Dương Thị H., Phùng Thị Q. và Bùi Thị Ngọc C., (cả bốn cháu cùng sinh năm 2008, đang học lớp 7, trú tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong) rủ nhau đi tắm suối thì không may xảy ra sự việc đau lòng nêu trên. Khi một em trượt chân, ba em còn lại nhảy xuống cứu thì bị dòng nước cuốn đi.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Ðông - Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong đó, 53% số trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương... mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn. Việt Nam hiện có hàng nghìn sông, kênh lớn, nhỏ, cho nên nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ là rất cao. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại Việt Nam rất thấp. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa về phòng, chống đuối nước còn hạn chế; sự giám sát, chăm sóc trẻ em tại các vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản. Ðó là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước tại Việt Nam luôn ở mức cao.

Chị Trần Thị Minh có con trai học ở Trường Thăng Long, quận Ba Ðình chia sẻ: "Gần như mùa hè năm nào, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phản ánh về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Do vậy, tôi và các phụ huynh khác rất đồng tình với việc cùng đóng góp với nhà trường để đầu tư trang thiết bị, vật chất cho các con học bơi để rèn luyện thân thể và kỹ năng sống". Tuy nhiên, thực tế theo đánh giá chung, quá trình triển khai chương trình phổ cập bơi cho học sinh vẫn còn nhiều bất cập. Việc xây bể bơi mi-ni trong nhà trường bước đầu đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên do thiếu cơ chế quản lý, cho nên công năng sử dụng chưa cao. Tại các cơ sở giáo dục vùng miền núi, nông thôn còn thiếu điều kiện cơ sở vật chất, cho nên việc dạy bơi cho các em học sinh trong nhà trường vẫn chưa thật sự phổ biến, các em không được truyền dạy những kỹ thuật bơi căn bản, khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tai nạn thương tâm... Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc dạy cho con trẻ những kỹ năng sống cần thiết vẫn chưa được chú trọng. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh trong và ngoài trường học chưa thật sự sâu sát. Ngoài ra, trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, vừa qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã có Văn bản số 1893/SGDÐT-CTTT về việc tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong dịp hè 2021 gửi Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo các quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc sở, yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các nguyên tắc khi đi chơi ở những khu vực như sông, hồ, ao, vũng nước sâu... Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị nhà trường phối hợp các đoàn thể ở địa phương tổ chức đào tạo kỹ năng bơi lội cho học sinh. Cùng với giải pháp nêu trên, để công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đạt hiệu quả, theo ý kiến các chuyên gia Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần đặc biệt chú trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước để tự biết cách phòng tránh nguy cơ đuối nước có thể xảy ra khi các em tham gia mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, nhất là ở những vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao.

"Những năm qua, hoạt động dạy bơi cho trẻ đã phát triển trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc không biết thế nào được coi là biết bơi. Một số người cho rằng chỉ cần bơi được vài chục mét là biết bơi, hoặc có người hiểu đơn giản xuống nước không bị chìm là biết bơi. Ðể an toàn trong môi trường nước thì biết bơi thôi là chưa đủ, mà còn phải thành thạo các kỹ năng an toàn để tự cứu mình trước những rủi ro".

Nguyễn Tiến Huy

Chuyên gia Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch