Chung quanh việc giải phóng mặt bằng xây dựng cầu vượt ở thị xã Tam Điệp- Ninh Bình

NDO -

NDĐT - Báo Nhân Dân số 21369 ngày 23-3-2014 trang 8 có đăng bài “Giải quyết ách tắc trong giải phóng mặt bằng ở thị xã Tam Điệp” nêu lên những khó khăn vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện tiểu dự án đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông giữa đường sắt Bắc - Nam (lý trình đường sắt 130+680) với QL1A (km 80+700) tỉnh Ninh Bình.

Đoạn đường đang thi công dự án cầu vượt ở thị xã Tam Điệp- Ninh Bình luôn bị ùn tắc.
Đoạn đường đang thi công dự án cầu vượt ở thị xã Tam Điệp- Ninh Bình luôn bị ùn tắc.

Ngày 25-3 tại thành phố Ninh Bình, thường trực Tỉnh uỷ Ninh Bình đã triệu tập các sở, ban, ngành của tỉnh cùng chủ đầu tư dự án tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiểu dự án thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.

Tiểu dự án cầu vượt nút giao đường sắt Bắc - Nam (lý trình đường sắt Km 130+680) với QL 1A (lý trình đường bộ Km 280+700) thuộc thị xã Tam Ðiệp (Ninh Bình) giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 378 tỷ đồng, nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT), tăng cường an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt và góp phần hoàn thiện dự án mở rộng QL 1A. Giai đoạn 1 của dự án tiến hành xây dựng cầu vượt, đường dẫn hai đầu cầu, đường gom hai bên cầu và hệ thống thoát nước, bảo đảm không có giao cắt giữa luồng giao thông trên QL 1A với đường sắt,... Cầu vượt dài hơn 254 m, tĩnh không vượt đường sắt tối đa 6 m, thời gian thực hiện dự án 12 tháng. Trong giai đoạn 2, khi lượng phương tiện ra vào các KCN Tam Ðiệp 1, 2 lớn, sẽ xây dựng hai nút giao dạng đảo xuyến ở hai đầu cầu, xây cầu vượt bộ hành qua đường sắt.

Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tiểu dự án và UBND tỉnh Ninh Bình cũng nhanh chóng chỉ đạo việc triển khai GPMB. Trên cơ sở đó, UBND thị xã Tam Ðiệp xây dựng kế hoạch tập trung GPMB thuộc hai phường Nam Sơn và Tây Sơn, tổ chức họp các hộ dân nằm trong diện phải GPMB, thành lập hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư để triển khai tiểu dự án. Hai phường Nam Sơn và Tây Sơn công bố công khai các nội dung liên quan GPMB như quy định, chính sách về đơn giá, định mức áp dụng cho việc GPMB, phương pháp đo đạc, biện pháp thực hiện phối hợp giữa đơn vị GPMB với hộ dân để thực hiện tiểu dự án.

Ngay tại cuộc họp, UBND phường trao cho mỗi hộ nằm trong diện GPMB bộ tài liệu về chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước về GPMB để người dân tiện theo dõi, giám sát. Sau đó, UBND thị xã Tam Ðiệp cùng chủ đầu tư tiến hành đo, cắm mốc giới đối với từng hộ nằm trong diện GPMB rồi kê khai, kiểm đếm tài sản trên đất.

Ðầu năm 2014, trên cơ sở đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất, UBND thị xã Tam Ðiệp dự thảo dự toán lần 1, lấy ý kiến 187 hộ bị ảnh hưởng; trong đó, 141 hộ thuộc phường Nam Sơn, 46 hộ phường Tây Sơn, tổng chiều dài 834,2 m, chiều ngang 39 m. Trong số này, gần 230 m2 thuộc đất ở của 30 hộ, tổng kinh phí đền bù dự kiến gần 10 tỷ đồng. Một số hộ dân kiến nghị về chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ, phương thức đo, kiểm đếm tài sản,... một số kiến nghị chính đáng được thị xã Tam Ðiệp ghi nhận, thống nhất với các sở ngành có liên quan, trình UBND tỉnh Ninh Bình quyết định hỗ trợ 6 triệu đồng/m ngang mặt tiền (mặt đường QL 1A) và điều chỉnh giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc theo giá năm 2014.

Căn cứ chính sách hỗ trợ mới, dựa trên kiến nghị của các hộ dân trong diện GPMB, qua kiểm tra thực tế với việc kiểm đếm, phương pháp tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND thị xã Tam Ðiệp dự thảo lần 2 về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổng số tiền là 18,384 tỷ đồng gồm: bồi thường, hỗ trợ nhà cửa, công trình kiến trúc hơn 10,58 tỷ đồng; bồi thường cây cối, hoa màu gần 42 triệu đồng; bồi thường về đất gần 1,4 tỷ đồng, hỗ trợ khác hơn 6,4 tỷ đồng.

Đại diện UBND thị xã Tam Ðiệp cho biết: với mức bồi thường này, chính quyền đã vận dụng các chính sách, tính toán ở mức cao nhất trong khung giá để người dân không phải chịu thiệt thòi khi di chuyển đến chỗ ở mới. Chi phí nêu trên chưa bao gồm kinh phí tái định cư cho các hộ nằm trong diện tái định cư. Tuy nhiên, một số hộ vẫn yêu sách với lý do Nhà nước làm cầu vượt nên đất đai, tài sản trên đất bị giảm giá, đề nghị đền bù thiệt hại này; đền bù toàn bộ diện tích đất hiện nay mà các hộ đang sử dụng vì các hộ hằng năm phải đóng thuế đất phi nông nghiệp (đất lấn, chiếm); hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống trong thời gian thi công cầu vượt; đền bù việc xây dựng cầu vượt làm hạn chế khả năng sử dụng đất, buôn bán. Thậm chí, một số hộ còn đề nghị Nhà nước đền bù toàn bộ công trình do phải phá dỡ một phần,...

Cũng cần nhắc lại phần lớn số hộ nằm trong diện GPMB tiểu dự án này là các trường hợp đất lấn chiếm hành lang đường bộ. Sau khi thị xã Tam Ðiệp được thành lập, toàn bộ diện tích này nằm trong quy hoạch đường bộ. Song do thiếu kinh phí, việc mở rộng đường chưa triển khai, một số hộ dân ở đây lấn, chiếm, làm lán bán hàng cho nên diện tích này không được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên các hộ dân này vẫn đưa ra yêu cầu được bồi thường toàn bộ diện tích đất lấn, chiếm với lý do nêu trên. Đây là đề nghị vô lý vì theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tại điều 7, khoản 7 quy định: "Ðất lấn chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn chiếm".

Một số hộ dân nêu yêu cầu Nhà nước phải giải phóng xong mặt bằng mới được thi công công trình, làm đường gom dân sinh trước khi thi công cầu vượt là không hợp lý vì tổ chức thi công, xác định trình tự thi công là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và việc tổ chức thi công trên phần diện tích GPMB do Nhà nước quản lý là đúng quy định. Trả lời câu hỏi này đại diện Chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết “không ai làm sân và ngõ trước khi xây dựng ngôi nhà chính bởi vì nó ngược quy trình xây dựng”.

Mặt khác, các chính sách hiện hành của Nhà nước không quy định khi Nhà nước đầu tư thực hiện dự án làm cho giá trị đất, tài sản trên đất của khu vực tăng lên hoặc giảm đi thì Nhà nước thu thêm tiền hoặc đền bù phần giá trị giảm đó, cho nên kiến nghị Nhà nước bồi thường giảm giá trị đất, tài sản trên đất do xây dựng cầu vượt không đủ cơ sở để xem xét.

Theo UBND thị xã Tam Điệp, để đẩy nhanh tiến độ GPMB, phát huy tính gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên thuộc thị xã quản lý có liên quan đến GPMB của dự án, UBND thị xã gửi giấy mời tới các trường hợp này để quán triệt, giải thích các chế độ, chính sách liên quan đến GPMB; yêu cầu họ xem xét dự toán lần 2, gương mẫu chấp hành và vận động người thân chấp hành khi đã được kiểm đếm và áp giá đầy đủ, phản ánh những kiến nghị với thị xã về những vấn đề chưa đồng tình để thị xã tổng hợp, xem xét giải quyết. Đây là việc làm đúng thẩm quyền, công khai, dân chủ và không áp đặt.

Ngày 19-3, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 345/CÐ-TTg yêu cầu thực hiện bảo vệ thi công và đẩy nhanh công tác GPMB tiểu dự án này. Công điện nêu rõ: Ðể bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 12-2014, sớm khắc phục điểm đen về ùn tắc, mất an toàn giao thông và bảo đảm hiệu quả đầu tư của tiểu dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình triển khai ngay công tác bảo vệ thi công; đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho tiểu dự án trước ngày 5-4. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác GPMB, khẩn trương chỉ đạo việc thi công công trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Những đòi hỏi nêu trên của một số hộ nằm trong diện GPMB trong tiểu dự án đầu tư xây dựng nút giao giữa đường sắt Bắc - Nam với QL 1A ở thị xã Tam Ðiệp là trái quy định hiện hành của Nhà nước. Cấp ủy và chính quyền địa phương luôn tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, song cũng cần kiên quyết xử lý dứt điểm những trường hợp cố tình đưa ra yêu sách phi lý, trái pháp luật.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng nêu rõ quan điểm của tỉnh là sẽ làm hết sức mình để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân theo chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước. Song cũng kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình cản trở thi công việc thực hiện dự án. Đây là một dự án quan trọng trong đó người dân là đối tượng hưởng lợi bởi hạn chế tai nạn giao thông, tạo môi trường thông thoáng. Cần xem xét và có hình thức xử lý thích đáng đối với đảng viên trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước.