Dưới chân cột mốc

"Thật đáng kinh ngạc! Một cột mốc đột phá, và cực kỳ quan trọng!", Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thốt lên như vậy, khi nhận tin ông Rishi Sunak được bầu làm người lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, và trở thành thủ tướng thứ 57 của nước Anh, theo hãng tin Reuters.
0:00 / 0:00
0:00

Đó là vị Thủ tướng Anh trẻ nhất trong vòng 200 năm qua, cũng là vị thủ tướng da mầu đầu tiên tại Đảo quốc Sương mù. Song, Rishi Sunak cũng là Thủ tướng Anh thứ ba liên tiếp trong vòng hai tháng.

Trước khi vị cựu Bộ trưởng Tài chính gốc Ấn Độ 42 tuổi ấy tiếp nhiệm, người tiền nhiệm của ông-bà Liz Truss đã phải rời ngôi nhà số 10, phố Downing chỉ sau sáu tuần kể từ ngày đắc cử. Trước đó nữa, cựu Thủ tướng Boris Johnson cũng đã bắt buộc phải từ chức, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao, tạo nên những xáo trộn ghê gớm đối với các kết cấu xã hội nước Anh.

Chỉ vòng xoay chóng mặt trên chính trường này thôi, tự thân nó, có lẽ cũng đã đủ phác họa những thách thức và cạm bẫy mà tân Thủ tướng Anh bắt buộc sẽ phải đối diện.

Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Rishi Sunak sẽ là vực dậy nền kinh tế Anh, điều không thể khác.

Những quyết sách có phần nóng vội và mang màu sắc duy ý chí mà bà Liz Truss thực hiện trong quãng thời gian nắm quyền ngắn ngủi của mình khiến các nhà đầu tư đổ xô đi bán tháo cổ phiếu. Do vậy, tỷ giá đồng bảng Anh trượt xuống mức xấp xỉ ngang đồng USD, điều rất hiếm thấy trong lịch sử. Song song, theo số liệu công bố mới nhất ngày 19/10, tỷ lệ lạm phát tại Anh đã lên tới 10,1%-mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Lỗ hổng tài chính ngân sách nước Anh ở năm tài khóa này, theo công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, đã lên tới 34 tỷ bảng Anh. Và như đánh giá của bà Shevaun Haviland, Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh, những bất ổn về kinh tế và chính trị trong những tháng gần đây đã hủy hoại niềm tin của giới doanh nghiệp Anh. Còn chuyên gia kinh tế Pháp, ông Michael Michaelides, cảnh báo: Anh vẫn là một thị trường rủi ro đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Chính là người từng phản đối những chính sách mạo hiểm của bà Liz Truss, lại xuất thân từ môi trường kinh tế-tài chính (với hai bằng đại học cực kỳ danh giá Stanford và Oxford), không có gì ngạc nhiên khi tân Thủ tướng Rishi Sunak được kỳ vọng sẽ (ít nhất là) sớm làm giảm các rủi ro cũng như thiệt hại đối với cơ cấu kinh tế-xã hội Anh, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột.

Những tín hiệu tích cực đầu tiên đã xuất hiện: Ngay sau khi vị trí tân Thủ tướng Anh được xác nhận, thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đồng loạt tăng điểm. Đơn cử, tại New York (Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 0,6% lên 31.263,39 điểm. Tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD cũng đã tăng từ mức một bảng đổi 1,1258 USD vào ngày 21/10 lên một bảng đổi được 1,1285 USD.

Tuy nhiên, còn một khía cạnh dường như đang bị khuất lấp. Trước ngày đảng Bảo thủ cầm quyền lựa chọn người đứng đầu mới, Công đảng Anh đối lập tuyên bố: "Đảng Bảo thủ không thể sửa sai bằng cách chọn thay đổi người lãnh đạo mà không có sự đồng thuận từ người dân Anh. Chúng ta cần một cuộc tổng tuyển cử, ngay lúc này!". Tuy nhiên, sau khi biết mình đã giành thắng lợi, Thủ tướng Rishi Sunak bác bỏ khả năng đó.

Dù vậy, 24 giờ sau, theo kết quả một cuộc thăm dò do tờ The Independent thực hiện, trong số 61% số cử tri Anh được hỏi, có 38% là những người ủng hộ đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2019, cho rằng, Thủ tướng mới cần tổ chức một tổng tuyển cử ngay lập tức, nhằm "danh chính ngôn thuận" tiếp nhiệm. Sâu xa hơn, ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ, chiến thắng trong tình trạng "độc cử" của ông Rishi Sunak cũng đã ít nhiều tạo nên những phản ứng trái chiều.

Và có thể tin rằng những yếu tố chia rẽ ấy, trong tương lai gần, hẳn sẽ còn tác động không nhỏ tới việc đưa ra những quyết định quan trọng, từ nội trị đến ngoại giao, của người đứng đầu chính phủ mới nước Anh.