BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Dựng trường nơi đảo tận cùng Tây Nam (kỳ 2)

“Làm giáo viên đừng có vì mục tiêu gì khác ngoài dạy học, đừng có nhìn lên chức vụ gì”, thầy Quốc lý giải cho việc viết đơn xin thôi chức Quyền Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thổ Châu năm 2011.
0:00 / 0:00
0:00
Một giờ tập nghi thức đội của thầy trò Thổ Châu.
Một giờ tập nghi thức đội của thầy trò Thổ Châu.

Kỳ 2: Cách của những người thầy

(Tiếp theo và hết)

Cây roi của thầy cô

Thầy Quốc nhớ mãi học trò Ba Quang, con ông Tư Bình xóm Dừa. Đó là cậu học trò khiến thầy phải vụt những nhát roi cảnh cáo hiếm hoi. Ba Quang nghịch ngợm, hay đánh bạn, nhiều thầy cô nhắc nhở cũng không nghe. Thầy Quốc mang cây roi tới nhà cậu bé, trình bày với ba mẹ cậu, rồi xin phép vụt một roi. Cây roi da lằn lưng, làm cậu học trò ngỗ ngược tỉnh ngộ. Về sau, chỉ cần là thầy Quốc nhắc, cậu nghe lời ngay. Mà các học sinh khác trông vào cũng bớt ngổ ngáo đi. Bây giờ cậu học trò năm nào đã lớn, đã về đất liền làm ăn, nhưng cứ về đảo là ghé thăm thầy, lại nhắc cây roi.

“Hồi đó có ai trước mình đâu mà học kinh nghiệm. Tôi tham khảo đủ thứ, đọc thêm mấy sách tâm lý lứa tuổi, rồi áp dụng thực tế, vừa học vừa chỉnh”, thầy Quốc kể về phương pháp sư phạm của mình. Dù thế, thầy bảo rằng đánh đòn là một biện pháp bất đắc dĩ, “Tôi cầm roi lên nhưng hiếm đứa nào bị đòn lắm. Tôi luôn cố gắng bảo ban tới cuối cùng”. “Có đứa đánh đòn có thể răn đe, nhưng có đứa chỉ thích nói ngọt, không phải cứ mang roi ra là dọa học trò đâu”, người thầy lắc đầu khi nói về những câu chuyện bạo lực học đường đang xảy ra thời nay.

Cô Võ Thị Thu Nga từng là học trò thầy Quốc, giờ là đồng nghiệp ở Thổ Châu, cũng có câu chuyện về cái roi. Lũ học trò kháo nhau: “Cô Nga không nói gì thì thôi, chứ đánh là đau dữ lắm”. Thực ra Nga chưa bao giờ đánh. Nhưng lũ trẻ tự nhắc nhau mà biết ngoan. Nga nói với học trò: “Cô không có muốn đánh, da thịt ai đụng mà không đau, nên đừng để cô phải đánh”.

“Người cầm roi đánh là phải xem mình cái đã”, thầy Quốc nói nhẹ nhàng. Cây roi của thầy lâu nay vẫn phủ bụi. Lâu rồi không còn học sinh quậy phá để thầy phải mang tới nhà xin phép cho đánh học trò vài roi.

Thầy Quốc, vì một vài yếu tố lý lịch từ đời trước, nên không đủ tiêu chuẩn kết nạp đảng viên - điều kiện để trở thành Hiệu phó chính thức của trường. Năm 2011, thầy viết đơn xin từ chức, chỉ làm giáo viên bình thường. Sợ thầy có suy nghĩ khác, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh gọi điện động viên, thầy bảo: “Không, tôi tự nguyện đó. Chức vụ nó theo thời gian. Mình không suy nghĩ gì cả, mình dạy học sinh học tốt, hiểu bài, thế là thành công”.

Đi dạy học, thầy Quốc vẫn “dụ” (như cách dùng từ của thầy) học trò qua nhà thầy phụ đạo. Học thêm không mất tiền, mà còn được thêm tiền. Đồng lương nhà giáo 272 nghìn đồng, trừ các thứ chi phí còn 180 nghìn đồng, nhưng thầy Quốc hứa với học trò đứa nào tới học sẽ cho năm nghìn. Khi đó lớp 6 đặc biệt nhiều bài khó, thời gian trên lớp không đủ, thầy phải áp dụng cách này để giảng thêm cho trò. Nhưng đi học vài hôm, thì lũ trẻ tự giác tới hỏi thầy, mà cũng không cầm tiền của thầy nữa. Thầy Quốc nói, đó cũng là do bố mẹ chúng thấy đồng cảm với tôi, tích cực giúp tôi giáo dục trò.

Ngày đầu năm học, vợ của thầy, cô giáo Kiều, sẽ ngồi tỉ mỉ bọc từng quyển sách giáo khoa. Số sách đó cô Kiều bán cho học sinh. Người ta bán sách để có thêm thu nhập, cô Kiều bán còn lỗ. Mỗi bộ sách bán ra, cô lại ngồi bọc bìa, dán nhãn, ghi tên đầy đủ. Cô dạy ở đây, có bao nhiêu đứa cô thuộc cả. “Bố mẹ bọn trẻ bận lắm, có người còn không rành chữ, mình phải làm giúp họ”, cô Kiều lý giải. Họ chăm chút những thứ nhỏ nhặt, để gần với học trò hơn. Thứ họ giữ học trò không phải là cái roi, mà là sợi dây tình cảm có uy hơn nhiều lần những đòn đánh mắng. Có yêu cho roi vọt, nhưng cũng có cả yêu cho ngọt bùi.

Bó hoa muống biển

Năm đầu tiên thầy Quốc nhận lớp, hơn 50 học sinh chẳng ai có khái niệm ngày 20/11. Hết giờ học ngày 19, thầy Quốc nói với học trò: “Mai là Tết nhà giáo, thầy trò mình câu cá nhé”. Sáng sớm, cả mấy thầy trò kéo nhau ra bãi Dong, câu cá, nướng cá, chơi đùa cả buổi. Bằng một cách nào đó, những đứa trẻ khi nghe thầy nói đã hiểu ý nghĩa của Tết nhà giáo. Buổi chiều, chúng mang tới cho thầy một bó hoa to, gồm toàn những bông muống biển tím, hoa dại mọc ngoài bãi cát. Bó hoa buộc vội vàng, dây cây muống biển còn thòng quét đất, làm người thầy vừa cười vừa chảy nước mắt.

Cô Võ Thị Thu Nga cũng kể từng nhận món quà là cả một thùng giấy to, toàn bánh kẹo loại một nghìn, hai nghìn đồng ngày 8/3. Năm đó Nga đi công tác qua ngày 8/3, nhưng hôm trở lại dạy học thì thấy học trò khệ nệ bê thùng quà đến. Cả lớp góp nhặt từng đồng tiền lẻ, để mua được cho cô quà, còn có cả một bó hoa nữa. Hôm ấy Nga bảo phá lệ, cho học trò nghỉ sớm, để cô chia bánh kẹo từ chính thùng quà đó cho bọn trẻ cùng liên hoan. Ở đảo này, ngày lễ, Tết chẳng có quà cáp gì to, cũng chẳng có nhiều lễ lạt tưng bừng, nhưng nhiều năm qua, lũ trẻ đều yêu quý cô thầy bằng sự chân tình nhất. “Mình không cào bằng, ở đâu cũng có học sinh này học sinh kia. Học sinh thương mình cũng là động lực để mình vượt qua hết”, Nga kết luận vậy.

“Năm ngoái dịch Covid-19 bùng phát đúng đợt nghỉ hè, tôi đang về quê. Trời ơi đường từ quê ra đảo thật trần ai, mấy chục cái chốt. Đi đường vắng hoe, lạnh tanh. Lúc đó có lệnh học online, nhẽ tôi ở quê cũng dạy online được, nhưng mà ở trỏng buồn so. Tôi phải về đảo, mình không dạy trực tiếp nhưng bọn trẻ cần in bài học. Quy định cách ly nhưng chúng vẫn phải học chung, dùng chung điện thoại. Mình phải in bài ra, rồi đeo khẩu trang mang tới tận nhà học trò. Mà có khi vừa đưa bài xong về nhà thì nghe tin nhà học trò F0, lúc đó mình cũng hồi hộp. Chứ có đâu học online mà nhiêu khê vậy không? (Cô giáo Võ Thanh Kiều).

Nhọc nhằn biên chế

Hôm chúng tôi gặp thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Tiệp, là lúc thầy vừa ký quyết định chuyển công tác cho một cô giáo về Phú Quốc. Cô gái 25 tuổi cũng lớn lên ở Thổ Châu, nhưng giờ lấy chồng ngoài bờ, cô chấp nhận từ bỏ luôn cả suất biên chế mà khó khăn mới thi đỗ.

Năm nay, từ quy mô 13 lớp, trường giảm xuống 12 lớp, do điểm trường mầm non không còn biên chế cho giáo viên lớp dưới 3 tuổi. “Nhu cầu trông trẻ bao giờ chả có, nhưng không đáp ứng được phải co lại”, thầy Tiệp chia sẻ. Hiện Trường tiểu học và THCS Thổ Châu đang khuyết hai biên chế, chuẩn bị sẽ là bốn vị trí, do có hai giáo viên nữa cũng đang xin nghỉ.

Thế nhưng vài năm trước, 25 suất biên chế của Thổ Châu đã đủ, chính thầy Tiệp dù rất tiếc cũng phải khuyên mấy thanh niên mới ra trường chuyển ngành. Như Trí, vốn tốt nghiệp ngành sư phạm, nhưng về xã đúng dịp trường đã đủ người, nên giờ Trí đã chuyển nghề. “Cơ cấu nó vậy, lúc cần thì không có người, mà có người lại không có chỗ”, thầy Tiệp thở dài. Đã ở Thổ Châu 12 năm, thầy Tiệp cũng không giấu âu lo rằng, giờ thanh niên ở đây sẽ ít chọn ngành sư phạm để ra đảo lập nghiệp. Vì với cơ chế hiện nay, họ có thể sẽ về quê mà không có việc, hoặc có mà đãi ngộ chẳng được bao nhiêu. “Như đi làm dịch vụ trong bờ tiền cao hơn làm giáo viên mà chả cần học nhiều”, thầy Tiệp băn khoăn.

Nguyễn Văn Bình, may mắn ra trường về đảo đúng lúc còn biên chế. Nhờ vậy mà Bình được gần nhà, có điều kiện nhắc nhở bảo ban hai đứa em. Nhưng Bình cũng phải đi từ vị trí tổng phụ trách Đội, chứ không phải ngay từ đầu đã là giáo viên như được đào tạo. Ở trường bây giờ, chỉ có duy nhất một biên chế cho giáo viên tiếng Anh, giáo viên còn lại vẫn chỉ ký hợp đồng, giáo viên Tin học cũng chưa có chỉ tiêu biên chế.

*

Kéo tay khép cánh cửa, thầy Tiệp giải thích, ở đây thời tiết ẩm ướt, ra vào phải đóng cửa chặt. Cửa sổ phòng học sơn liên tục mà cứ vài tháng là gỉ. Phòng giám hiệu có cái điều hòa, cứ bật được là bật để hút ẩm. “Ở đây có điện đâu mà tốn”, thầy Tiệp cười.

Ngoài kia, cơn mưa rớt sau một đợt bão, đứng gió. Nhưng thầy Tiệp bảo mùa này như vậy là mát mẻ. Đợt tháng 3, cả đảo có 10 ngày hoàn toàn không có điện, đúng cao điểm oi bức. Đêm chẳng ai ngủ được lâu vì quá nóng. Thổ Châu không có điện lưới quốc gia. Cả đảo có năm máy phát điện, trùng hợp thay, cả năm chiếc lần lượt hỏng. Thợ sửa máy từ Phú Quốc ra lại không mang đủ linh kiện thay, cả đảo lại đợi thêm 17 tiếng xà-lan chở linh kiện tới. Không có điện kèm theo không có nước. Giáo viên trong trường đều phải chờ từng thùng nước bộ đội tiếp tế.

Thổ Châu nhiều năm nay vốn cũng chỉ có điện từ 18 giờ tới 5 giờ, buổi trưa có thêm từ 11 giờ tới 13 giờ 30 phút. Bây giờ lịch phát điện còn phập phù hơn do hệ thống máy phát chưa khôi phục hoàn toàn. Lâu lâu lại thấy người ở đảo kể chuyện cắt điện toàn đảo. Đảo bình yên thật, nhưng cũng lắm nỗi niềm. Nếu chỉ là vì công việc, vì tiền, hay vì biên chế, dễ gì những người giáo viên có thể mà bám trụ lại Thổ Châu chừng ấy năm vui buồn như thế?

Gần 30 năm, hành trình con chữ ở Thổ Châu vẫn đang lên xuống theo sóng. Người thầy thường được ví với người đi gieo chữ. Nhưng ở Thổ Châu, giữa trùng khơi, tôi bỗng nghĩ tới hình ảnh những chiếc ghe trên biển cả. Nhỏ nhoi và vật lộn như thế trước sóng, nhưng giông bão nào rồi ghe cũng sẽ cập được bờ thôi.

Dựng trường nơi đảo tận cùng Tây Nam (kỳ 1)