Tự chủ bệnh viện

Dừng thí điểm, rồi sao?

Việc một số bệnh viện xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP để chuyển sang thực hiện tự chủ một phần theo nhóm hai của Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho thấy rõ những rào cản đang làm khó cơ chế tự chủ. Trong khi đó, đây vốn được kỳ vọng là cách thức giải quyết những khó khăn, bất cập tồn tại đã lâu của ngành y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Còn nhiều bất cập

Từ ngày 19/5/2019, Chính phủ thống nhất phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với bốn bệnh viện gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Mục đích tự chủ toàn diện là để các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân. Song, chỉ có hai trong bốn bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ toàn diện là Bạch Mai và Bệnh viện K.

Theo Bộ Y tế, nhiều bất cập đã bộc lộ tại các bệnh viện thí điểm tự chủ như: tại Bệnh viện Bạch Mai giá dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá bảo hiểm y tế, chưa được tính đúng, tính đủ. Trong bảy yếu tố cấu thành, hiện mới tính bốn yếu tố gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương và phụ cấp. Còn ba yếu tố chưa được cấu thành vào giá là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, bệnh viện không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá bảo hiểm y tế... Kết quả là bệnh viện giảm doanh thu, nhân viên giảm thu nhập và nghỉ việc. Đã có hơn 200 cán bộ y tế tại đây xin nghỉ việc. Nguồn thu giảm hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2021 như giọt nước tràn ly khiến bệnh viện này không còn mặn mà với tự chủ toàn diện.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp về tự chủ bệnh viện trước đó cũng cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tạo điều kiện để các đơn vị tăng số lượng, chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân; làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công; tạo cơ chế thông thoáng cho đơn vị trong sử dụng các nguồn tài chính chi thường xuyên, được phép chi thu nhập tăng thêm, góp phần bảo đảm đời sống, giữ chân cán bộ. Tuy vậy, theo Thứ trưởng, cơ chế tự chủ cũng đang tạo ra nhiều khó khăn thách thức. Đó là liên quan việc tổ chức bộ máy, biên chế, các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị không dám làm, sắp xếp lại vì sợ vi phạm. Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm còn chưa rõ ràng.

Thận trọng khi tiếp tục triển khai

Đề cập vấn đề còn khúc mắc trong tự chủ bệnh viện, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, mục đích triển khai cơ chế tự chủ là nhằm bảo đảm sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực để xây và phát triển bệnh viện. Khi đó, bệnh viện đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh theo yêu cầu của người dân song vẫn phải bảo đảm công bằng cho các đối tượng khác trong đó có người nghèo. Tự chủ cũng được hiểu là để bệnh viện tự chủ thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao. Quá trình thử nghiệm thành công hay không thành công, chúng ta cần có tổng kết, đánh giá. Trong trường hợp không thành công, cũng mạnh dạn cho dừng thí điểm để thực hiện mô hình hiện nay đã được Chính phủ cho phép là Nghị định 60 về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, các hoạt động tự chủ hiện thiếu cơ chế pháp lý. Nhưng kể cả có cơ chế đi chăng nữa thì những điều kiện cần và đủ cho bệnh viện tự chủ toàn diện (tổ chức bộ máy, tài chính…) đều không có cơ chế pháp lý để bảo đảm. Bộ Y tế nên đề nghị Chính phủ cho các bệnh viện này tạm dừng để họ áp dụng tự chủ theo chi thường xuyên", TS Quang nhấn mạnh.

Chuyên gia y tế GS, TS Lê Quang Cường nhìn nhận, tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. Bệnh viện Chợ Rẫy là điển hình, dù họ đã rất cố gắng, nhưng làm gì cũng vướng. Do đó, cần có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho bệnh viện. Cần có lộ trình, đặc biệt là đối với các bệnh viện tuyến cuối phải có quy định rõ ràng cho phép các bệnh viện tự chủ được làm gì.

Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, thiết nghĩ Bộ Y tế cần sớm có phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 cần thêm các hướng dẫn chi tiết; tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn.

GS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội:

Dừng thí điểm, rồi sao? ảnh 1

Xem xét lại cơ chế, chính sách pháp lý

Đảng và Chính phủ chủ trương cho phép làm tự chủ toàn diện, toàn phần hay một phần là nhằm làm cho các hoạt động của bệnh viện được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả, nhưng phải bảo đảm phục vụ tốt hơn cho người bệnh, cho nhân dân. Song trên thực tế, các quy định hướng tới mục tiêu bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả để bệnh viện tự chủ làm lại đều đang vướng. Nghị quyết 33 về thí điểm tự chủ bệnh viện được ban hành từ năm 2019, nhưng đến nay, các văn bản pháp quy hướng dẫn đang thiếu rất nhiều, từ cơ chế, nguyên tắc, xác định đối tượng phục vụ cho đến phân chia lợi ích, thuế…

Để thực hiện tự chủ toàn diện, cần phải có cơ chế thật rõ ràng. Chẳng hạn, bệnh viện được sử dụng bao nhiêu phần trăm trong số tài sản, vật tư, trang thiết bị, đất đai, nhà xưởng, nhân lực để làm dịch vụ, còn bao nhiêu phần trăm vẫn phải phục vụ người dân khám Bảo hiểm y tế như bình thường. Cũng cần phải có quy định cho phép bệnh viện được làm gì, không được làm gì, chỉ như vậy, các bệnh viện mới yên tâm thực hiện mà không phải lo ngại, rằng những điều hôm nay được nói là đúng, nhưng sau này lại có nguy cơ trở thành sai phạm.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS):

Dừng thí điểm, rồi sao? ảnh 2

Nâng cao hiệu quả vận hành

Điều mà chúng ta cần giải quyết là làm sao để nâng cao hiệu quả vận hành bệnh viện công, chứ không phải là thực hiện tự chủ. Cần khuyến khích xã hội hóa đúng bản chất, bằng cách tạo môi trường cho bệnh viện tư phát triển. Mặt khác, trả bệnh viện công về đúng bản chất "công", là chỉ cung cấp dịch vụ y tế công cho những nhóm người dân nhất định, ở một mức độ chất lượng cơ bản. Không thể đòi hỏi bệnh viện công vừa đồng thời phục vụ đối tượng phổ thông, lại vừa có chất lượng dịch vụ tối ưu.

Với bệnh viện công, cần từng bước giới hạn đối tượng phục vụ là những nhóm dân cư có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, và đáp ứng mức độ chăm sóc y tế cơ bản. Bệnh viện công không thể bố trí riêng mỗi bệnh nhân một phòng, mà phải chấp nhận nằm phòng chung, miễn là đáp ứng mỗi giường một người. Nhà nước sẽ có trách nhiệm đầu tư đầy đủ để cơ sở công đáp ứng mức độ cơ bản đó.

Đương nhiên, mục tiêu này đòi hỏi lộ trình để thực hiện từng bước. Chỉ khi y tế ngoài công lập phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu người dân, thì bệnh viện công mới có thể thu hẹp phạm vi phục vụ vào các nhóm ưu tiên. Đã đến lúc xem lại tư duy tiếp cận. Việc "đại phẫu" ngành y cần được thảo luận và nhìn sâu lại từ gốc chính sách, từ những triết lý căn bản nhất.

GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K:

Dừng thí điểm, rồi sao? ảnh 3

Bài toán khó trong công tác tài chính

Cơ chế tự chủ nhóm một cho phép bệnh viện đầu tư, nhưng bệnh viện chưa đủ nguồn vốn. Trong điều kiện hoạt động bình thường không có dịch bệnh, một năm, bệnh viện tích lũy được khoảng trên dưới 100 tỷ đồng. Nếu dùng tiền này để đầu tư như trang bị một hệ thống máy xạ trị trung bình có giá khoảng 150 tỷ đồng thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong hai năm qua, Bệnh viện K chưa đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới.

Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị đáp ứng cho khoảng 50-70 bệnh nhân/ngày. Hiện bệnh viện có chín máy, để đáp ứng nhu cầu của người bệnh cần phải có thêm 6-7 máy nữa. Thiếu máy, bệnh nhân phải kéo dài thời gian xạ trị từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Đặc biệt, khi tự chủ, bệnh viện sẽ phải đóng thuế đất hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đây là một bài toán khó trong công tác tài chính của bệnh viện, nếu tự chủ toàn diện thì bệnh viện sẽ phải nâng cao nguồn thu để bù chi.

Hiện nay, một trong những thách thức để thực hiện tự chủ bệnh viện đó là tính phí dịch vụ y tế chưa đúng, ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải tính theo khung giá, nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn.

AN HÀ-LÊ NGUYỄN-NAM NAM (thực hiện)