Đừng mong mua đáy

“Đợi xuống đáy rồi mua” là suy nghĩ của một số nhà đầu tư (NĐT) khi chứng kiến những phiên giao dịch có biến động mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) những ngày gần đây. Nhưng thực tế đã chứng minh, đây là việc khó nhất, nếu không muốn nói là bất khả thi trên TTCK. 

Trên trang cá nhân của mình, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI viết: “… Khi tiền rẻ tiền dễ không còn, thị trường giảm điểm, nhiều nhà đầu tư trong nước bán chịu lỗ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, tuy khối lượng chưa lớn, tín hiệu của xu hướng “trong chán ngoài thèm”, các tổ chức Quốc tế đánh giá tích cực về tương lai nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam…”.

Nếu ai cũng đợi xuống đáy, có lẽ sẽ không có nhiều giao dịch ở mỗi phiên, trong khi thực tế, khối NĐT ngoại bắt đầu mua ròng trong những ngày gần đây. Chẳng hạn: Phiên 9-5, khi VN Index xuyên thủng mốc 1.300 điểm xuống dưới ngưỡng 1.270 điểm, khối này mua ròng hơn 536 tỷ đồng, phiên tiếp theo lại mua ròng tiếp gần 780 tỷ đồng. Và tất nhiên NĐT trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn khi mua vào. Vậy cái lý của những ai mua vào trong những ngày gần đây là gì? Vấn đề nằm ở chỗ, dù một số NĐT nhận định thị trường chưa xác định đáy, thậm chí có xu hướng giảm thì cũng không ai đợi về đáy để mua. 

Lý do đầu tiên là gần như không thể xác định đâu là đáy một cách chính xác, mà chỉ có tính tương đối. Và thông thường, các tổ chức sẽ định giá cổ phiếu hay TTCK hiện tại so với mức dự phóng cho trung và dài hạn, chẳng hạn 3 hay 5 hay 10 năm, đủ rẻ chưa, nếu hấp dẫn họ sẽ tiến hành mua vào. Hiểu một cách nôm na, nếu dự báo CP 5 năm nữa có thể tăng 50% thì việc nếu mua vào CP hiện tại, sau đó có giảm thêm 5-10% nữa cũng không có gì lo lắng, vì đây là tầm nhìn dài hạn. Điểm kế tiếp cũng quan trọng là các NĐT tổ chức cũng không thể mua tất tay (all-in) trong một vài phiên, kể cả biết chắc đó là đáy vì nguồn tiền lớn sẽ tạo ra biến động giá rất mạnh.

Đối với NĐT cá nhân, thực tế cũng chỉ ra rằng, thường những ai bắt đúng đáy và có lãi thì tỷ trọng tiền giải ngân/tổng vốn là khá thấp. Bởi lẽ, khi có ý định bắt đáy, NĐT cá nhân cũng chỉ dùng số tiền ít để thăm dò, nên suy nghĩ khá thoải mái, sáng suốt, thậm chí mạo hiểm và thường là chính xác. Còn việc NĐT cá nhân có thể all-in tại điểm đáy cũng là việc rất khó. Một chuyên gia chứng khoán đã từng nói “đáy của thị trường chỉ được xác nhận khi nó qua đi” như một minh chứng rõ ràng nhất về việc dò đáy của thị trường là không nên và không thể.

Ông Trí Lê, Giám đốc chi nhánh quận 3 của Công ty chứng khoán Phú Hưng chỉ ra vấn đề: Ngoài yếu tố đầu cơ, đánh ngắn vẫn luôn tồn tại thì TTCK những năm qua cũng đã xuất hiện một thế hệ NĐT được trang bị kiến thức tốt, thông tin dồi dào đủ để có tầm nhìn dài hạn từ 3-5 năm. Bản thân một số công ty chứng khoán cũng nỗ lực chia sẻ kiến thức để làm việc này nhằm bảo toàn đồng vốn của NĐT tốt hơn. Nghĩa là không ít NĐT cá nhân, có vốn nhàn rỗi lớn, cũng đủ khả năng nhìn nhận như các tổ chức và chấp nhận giải ngân và giữ danh mục trong dài hạn. 

Khi “tiền rẻ tiền dễ” không còn, thị trường giảm điểm, nhiều nhà đầu tư trong nước bán chịu lỗ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, tuy khối lượng chưa lớn, tín hiệu của xu hướng “trong chán ngoài thèm”, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tương lai nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.