Đừng “chiếm” vòi nước sạch

Con gái tôi 8 tuổi, tỏ ra rất bất ngờ khi chung quanh hồ Gươm (Hà Nội) có những vòi nước sạch, có thể uống trực tiếp. Mọi lần đến đây và dịp cuối tuần, cháu thường mang theo chai nước. Các “ki-ốt” tự động bán các loại nước uống được lắp đặt ven hồ đã giúp bớt đi sự “lích kích” phải mang theo chai nước uống.
0:00 / 0:00
0:00

Khi phát hiện quanh hồ có những vòi nước sạch để mọi người có thể uống trực tiếp, cháu vui lắm. “Con có thể tiết kiệm được 10 nghìn đồng mỗi lần lên đây để đút lợn (đất)”, con gái tôi nói.

Tôi cười, vì biết mấy đứa nhỏ ở nhà dạo này có “phong trào” tiết kiệm cho lợn đất ở góc nhà “ăn”, kẻo lâu ngày nó “đói bụng”. Vì thế, bọn trẻ có thể tranh thủ tiết kiệm, kể cả thu gom giấy vụn ở nhà bán lấy tiền “cho lợn ăn”. Tôi giải thích rằng, những vòi nước sạch này đã có từ lâu, cách đây vài ba năm rồi, để giúp cho những du khách, người dân mỗi khi đến đây có thể uống nước. Nguồn nước ở đây đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn. Vì thế, nếu mình không chủ động mua hoặc mang theo nước tinh khiết thì có thể uống trực tiếp.

Con gái tôi nghe thế, hào hứng chạy ra vòi nước ở mép phố Đinh Tiên Hoàng gần phố Đinh Lễ định uống. Nhưng nhanh hơn cháu vài giây, một người đàn ông mình trần, mặc quần soóc đã đến trước. Sẽ không có gì đáng nói, nếu người đó chỉ đến để uống nước hay lấy một chai nước nhỏ mang đi. Đằng này, người đàn ông mang theo 4-5 chiếc chai nhựa loại 1,5 lít cùng một chiếc can nhựa 5 lít. Tôi đoán đó là một người bán nước chè chén quanh đây, lấy nước để phục vụ việc buôn bán.

Tôi dắt con lên phía tượng đài Lê Thái Tổ, ở đây cũng có một vòi nước sạch. Tôi đã nhìn thấy mấy du khách nước ngoài uống nước ở đây, vẻ mặt rất tươi tắn. Khi vừa đến, bất ngờ, một hình ảnh tương tự lại diễn ra. Lần này là một người phụ nữ đội nón, trông có vẻ lam lũ. Dưới góc trụ nước là 3-4 chai đựng nước, trên tay bà là một chai nước đang hứng từ vòi…

Hôm đó, kế hoạch thử uống sạch từ vòi nước công cộng của con gái tôi bất thành. Tôi an ủi cháu và giải thích rằng, đó là những người dân sống quanh hồ, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ ven hồ. Chứ khách du lịch họ không như vậy.

Sau lần đó, tôi quan sát mỗi dịp lên hồ Gươm và nhận ra sự lặp lại thường xuyên của những hành vi không đẹp mắt này. Nó xảy ra ở các trụ nước tinh khiết quanh hồ. Trụ nước nào cũng có vài ba người dân quanh đó thường xuyên đến lấy nhiều chai nước cùng lúc về dùng.

Có thể, việc làm của họ không sai, vì không có quy định cấm lấy nhiều chai nước ở vòi nước tinh khiết. Song rõ ràng, ở hồ Gươm, khi nhìn thấy những hình ảnh này, thấy thật khó chấp nhận. Nó không chỉ làm phiền du khách vốn đã không nhiều thời gian mà còn cho thấy những hành vi không mấy thiện cảm của người dân sở tại. Cơ quan quản lý cần có những hình thức nhắc nhở, cảnh báo để không lặp đi lặp lại những hành vi thiếu văn minh này.