Đức mở rộng hợp tác năng lượng

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) đã có chuyến công du tới các quốc gia vùng Vịnh nhằm tìm kiếm một số thỏa thuận hợp tác năng lượng mới, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tới Lục địa già.
0:00 / 0:00
0:00
Tại lễ ký thỏa thuận hợp tác năng lượng giữa Đức và UAE.
Tại lễ ký thỏa thuận hợp tác năng lượng giữa Đức và UAE.

Thủ tướng Scholz muốn bảo đảm nguồn cung năng lượng cho ngành công nghiệp nội địa, trong bối cảnh Đức đối mặt một mùa đông khắc nghiệt hơn bởi khan hiếm nhiên liệu.

Với các điểm dừng chân là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar, Thủ tướng Scholz cùng đoàn tháp tùng gồm đại diện nhiều ngành công nghiệp lớn của Đức đã nỗ lực đạt thỏa thuận quan hệ đối tác năng lượng mới với các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ và khí đốt.

Mặc dù Thủ tướng Scholz trước đó đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chuyến công du lần này của ông tới vùng Vịnh không phải là chuyến đi “mua sắm hóa thạch”, mà thay vào đó, ông muốn thảo luận với các đối tác khu vực về sự hợp tác trong tương lai, song các thỏa thuận hợp tác năng lượng vẫn là trọng tâm của chuyến đi. Ngoài tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới, Berlin cũng muốn mở rộng hợp tác về các công nghệ mới như hydro xanh.

Đức đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng thay thế nguồn cung từ Nga và giảm đến mức thấp nhất tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, Đức sẽ không tiếp tục phụ thuộc vào một nhà cung cấp năng lượng duy nhất. Ông nêu rõ, với những khoản đầu tư đang triển khai và những khoản đầu tư sẽ dần được triển khai trong năm tới, Đức sẽ có cơ sở hạ tầng để bảo đảm nhập khẩu khí đốt, không còn phải phụ thuộc trực tiếp vào một nhà cung cấp duy nhất.

Kể từ khi Berlin nhận thấy tầm quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để thoát khỏi lệ thuộc vào Nga, Đức tăng tốc các kế hoạch xây dựng cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đức thuê bốn trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU cũng như chọn Wilhelmshaven làm trung tâm đầu tiên để xử lý LNG và sau này là hydro sạch. Các địa điểm khác sẽ được tiếp tục phát triển.

Chính phủ Đức dành 2,94 tỷ euro cho các dự án này, dự kiến do các hãng RWE và Uniper phát triển. Để hỗ trợ các trạm LNG và đường ống liên quan liên kết với mạng lưới xuyên quốc gia lớn hơn, cơ quan quản lý năng lượng Bundesnetzagentur đang chấp thuận đẩy nhanh thủ tục tài chính của dự án.

Chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến bán đảo Arab đã gặt hái những thành công bước đầu trong việc góp phần bảo đảm an ninh năng lượng ở Đức. Ông cho biết, một loạt dự án ở UAE đã đạt tiến bộ về sản xuất cũng như mua khí đốt và dầu diesel. Các cuộc thảo luận về việc Đức mua LNG và dầu diesel từ UAE, quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ 7 thế giới, đang có những tiến triển trên thực tế.

Đức và UAE đã đạt thỏa thuận, theo đó, Công ty năng lượng RWE sẽ tiếp nhận LNG từ một công ty dầu khí quốc doanh của UAE để thay thế cho việc thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Scholz tại UAE, công ty năng lượng RWE có trụ sở tại Essen (Đức) đã ký hợp đồng nhận lô LNG đầu tiên từ một công ty của quốc gia vùng Vịnh này với khối lượng 137.000m3, tương ứng khoảng 822 triệu kWgiờ.

Theo thỏa thuận, khí đốt sẽ được vận chuyển bằng tàu vào tháng 12 tới trạm tiếp nhận mới ở thành phố Brunsbüttel, bang Schleswig-Holstein thuộc miền bắc nước Đức, nơi những đường ống đầu tiên đang được lắp đặt. Theo RWE, một bản ghi nhớ về việc cung cấp LNG dài hạn, bắt đầu từ năm 2023, đã được ký kết. RWE đánh giá thương vụ này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với nguồn cung LNG trong tương lai của Đức.

Đức vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguồn khí đốt, nhất là sau thông báo đầu tháng 9 vừa qua của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt đến Tây Âu thông qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” (Nord Stream 1) do không khắc phục được sự cố phát sinh trong quá trình bảo dưỡng. Chuyến công du tới vùng Vịnh, với những chặng dừng chân là những quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn và xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, Thủ tướng Đức đã thúc đẩy nỗ lực nhằm đạt mục tiêu tăng dự trữ khí đốt của nước này.