Đưa trẻ trở lại trường an toàn trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm triệu trẻ em trên toàn cầu bị gián đoạn học tập. Để duy trì việc học cho các em, các quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai nhiều chương trình giáo dục từ xa. Tuy nhiên, trước những hệ lụy của việc kéo dài học tập ở nhà vì dịch bệnh, điều cần thiết đặt ra là phải đưa học sinh quay lại lớp học trực tiếp bình thường khi điều kiện cho phép.

Đóng cửa trường học là lựa chọn cuối cùng

Trong 2 năm đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới ước tính đã mất khoảng 1,8 nghìn tỷ giờ học. Thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát đã khiến các trường học tại hơn 188 nước phải đóng cửa (tính đến tháng 4/2020), làm gián đoạn việc học tập của 1,6 tỷ trẻ em, tương đương 75% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Hiện tại, khi thế giới đã bước sang năm thứ ba của dịch Covid-19, cùng với hiểu biết nhiều hơn về căn bệnh này cũng như cách giảm thiểu lây nhiễm và đẩy mạnh tiêm phòng, nhiều quốc gia đã quyết định chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, sống chung với virus. Liên hợp quốc và các tổ chức y tế quốc tế khuyến nghị rằng đóng cửa trường học chỉ nên được coi là lựa chọn cuối cùng.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng khẩn cấp về giáo dục, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học, đồng nghĩa với việc tương lai và hạnh phúc của trẻ em cũng chịu tác động. Trong đại dịch, bảo đảm an toàn cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu, song sau 2 năm thích ứng với dịch bệnh, UNESCO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao.

Đóng cửa trường học chỉ là biện pháp tạm thời và là biện pháp cuối cùng trong ứng phó với đại dịch. Trường học phải được ưu tiên mở cửa đầu tiên khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

Để giúp cho trẻ em trên thế giới tiếp tục học tập, các chương trình giáo dục từ xa đã được triển khai. Tuy nhiên, nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ ở các hộ gia đình nghèo hơn thường không có truy cập Internet, máy tính cá nhân, tivi hoặc máy thu thanh ở nhà, làm tăng tác động của bất bình đẳng trong học tập. Học sinh thiếu khả năng tiếp cận với các công nghệ cần thiết cho việc học tập tại nhà bị hạn chế về phương tiện để tiếp tục học. Kết quả là nhiều em phải đối mặt với nguy cơ không bao giờ trở lại trường học, làm mất đi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm của nền giáo dục trên toàn thế giới.

Học sinh Kenya tự học tại nhà qua bài giảng trên truyền hình. (Ảnh: UNICEF)

Học sinh Kenya tự học tại nhà qua bài giảng trên truyền hình. (Ảnh: UNICEF)

Một báo cáo do UNESCO, UNICEF và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 12/2021 cảnh báo, thế hệ học sinh hiện nay có nguy cơ mất 17 nghìn tỷ USD thu nhập suốt đời vì việc đóng cửa trường học trong đại dịch. Báo cáo cho thấy, hàng triệu học sinh có nguy cơ không bao giờ được tiếp tục việc học của mình. Những học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, dù ở các nước giàu hay nghèo hơn, đều gặp phải những trở ngại lớn trong học tập.

Thống kê mới nhất được UNICEF công bố trong Ngày Quốc tế Giáo dục (24/1) vừa qua cho biết, có hơn 635 triệu học sinh vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn giáo dục đã khiến hàng triệu trẻ em bỏ lỡ đáng kể các hoạt động học tập mà các em đã có thể tham gia nếu các em được học trong lớp học, trong đó trẻ nhỏ và thiệt thòi hơn thường bỏ lỡ nhiều nhất. Tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, lỗ hổng giáo dục vì trường học đóng cửa đã khiến tới 70% trẻ em trong độ tuổi 10 tuổi không thể đọc hoặc hiểu 1 đoạn viết đơn giản, tăng từ 53% so với trước khi đại dịch xảy ra.

Trong tháng 3 này, chúng ta sẽ đánh dấu 2 năm từ khi nền giáo dục toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta đang chứng kiến lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục được đối với việc học tập của trẻ em.
Ông Robert Jenkins, Trưởng bộ phận Giáo dục của UNICEF

Đáng ngại hơn, những hệ quả tiếp theo của việc đóng cửa trường học đang gia tăng. Bên cạnh lỗ hổng giáo dục, việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, làm giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng thông thường và tăng nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em. Theo UNICEF, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 đã gây ra tỷ lệ lo âu và trầm cảm cao ở trẻ em và thanh thiếu niên, với một số nghiên cứu cho thấy trẻ em gái, thanh thiếu niên và trẻ sống ở vùng nông thôn có nhiều khả năng gặp phải những vấn đề này nhất. Ngoài ra, hơn 370 triệu trẻ em trên toàn cầu đã bỏ lỡ bữa ăn ở trường trong thời gian trường học đóng cửa. Điều này làm mất đi nguồn thực phẩm và dinh dưỡng hàng ngày đáng tin cậy duy nhất đối với một số trẻ em.

Do đó, trọng tâm mà Liên hợp quốc và các tổ chức y tế quốc tế đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học trực tiếp bình thường. Việc mở cửa trường học an toàn trong đại dịch được coi là mục tiêu hàng đầu để bảo đảm chất lượng giáo dục, cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ em, qua đó giúp tránh “1 thế hệ bị mất mát”.

Bảo đảm an toàn trước dịch bệnh khi đến trường

Các chuyên gia nhận định, mặc dù tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao, song việc quay trở lại lớp học là cần thiết để bù đắp kiến thức, tạo sự hòa nhập xã hội trở lại đối với học sinh, cũng như phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến. Trong bối cảnh biến thể mới Omicron vẫn đang càn quét và chưa có dấu hiệu dừng lại, đồng nghĩa với việc thế giới chưa thể chắc chắn về thời điểm kết thúc đại dịch, các nước vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mở cửa lại trường học an toàn trong chiến lược thích ứng linh hoạt, sống chung với virus SARS-CoV-2.

Bởi vậy, Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia sớm đưa học sinh trở lại trường học khi điều kiện cho phép. Giáo viên và nhân viên nhà trường cần nằm trong nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, đồng thời các nước cũng được khuyến nghị nên triển khai tiêm vaccine cho trẻ em trên 12 tuổi.

WB cũng khuyến nghị, để thúc đẩy phục hồi giáo dục, cần ưu tiên tiêm chủng cho giáo viên ngay khi có thể. Một báo cáo của WB cho biết, trong số các nước có số ca nhập viện mới ít hơn 36 đến 44 ca trên 100 nghìn dân trong 1 tuần, việc mở lại trường học không làm tăng tỷ lệ nhập viện. Trong khi đó, 1 nghiên cứu khác cho thấy, tình trạng lây nhiễm trong trường học thường theo xu hướng chung của lây nhiễm trong cộng đồng. Các nghiên cứu ở Canada, Nhật Bản và Mỹ cũng đã chỉ ra rằng, việc đóng cửa trường học có rất ít tác dụng đối với việc hạn chế sự lây lan của virus.

Bé Desiree Mohammadi sau khi tiêm xong liều vaccine phòng Covid-19 tại Trung tâm Y tế Cohen ở New Hyde Park, New York, ngày 4/11/2021. (Ảnh: REUTERS)

Bé Desiree Mohammadi sau khi tiêm xong liều vaccine phòng Covid-19 tại Trung tâm Y tế Cohen ở New Hyde Park, New York, ngày 4/11/2021. (Ảnh: REUTERS)

Bên cạnh đó, nhiều nước cũng khuyến khích các bậc cha mẹ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Như ở Mỹ, giới chức y tế nước này khuyên các bậc cha mẹ nên tự giác tiêm vaccine cho con mình để tăng cường khả năng bảo vệ và giữ trẻ an toàn khi đến trường. Cuối tháng 10/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine mRNA 2 mũi của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Sau 2 tháng, trên 8,7 triệu trẻ em Mỹ trong độ tuổi này đã được tiêm ngừa Covid-19 tính đến cuối tháng 12 năm ngoái. Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết, vaccine đã chứng minh hiệu quả gần 91% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em trong độ tuổi trên. Các tác dụng phụ không nhiều như đối với người lớn, chủ yếu là đau bắp tay ở vị trí tiêm.

Một nghiên cứu tiến hành bởi Đại học Auckland (New Zealand) cũng cho thấy, trong số 4.960 trẻ em nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát ở Auckland vào tháng 8/2021, nhiều trẻ không có triệu chứng mắc bệnh, chỉ có khoảng từ 1 đến 2% phải nhập viện, và duy nhất 1 trẻ cần chăm sóc đặc biệt. Theo nghiên cứu, việc nhập viện sẽ ít phổ biến hơn với tiến độ tiêm ngừa Covid-19 hiện tại ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Hơn 90% trẻ từ 12-18 tuổi ở New Zealand đã được tiêm 2 liều Pfizer. Ở thanh thiếu niên, 2 liều vaccine Pfizer có khả năng bảo vệ tới 94% khỏi việc phải nhập viện, 98% không phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), và 91% tránh gặp phải biến chứng hiếm gặp. Theo báo cáo, tác dụng bảo vệ tương tự cũng được kỳ vọng ở vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Đặc biệt, tại Israel, chính phủ nước này đã quyết định triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho trẻ ở độ tuổi 5-11 thuộc nhóm có nguy cơ cao, với mục tiêu giúp bảo vệ trẻ trước biến thể Omicron. Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Israel, trẻ em đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 trong vòng 2 tháng trở lại đây được bảo vệ tốt hơn trước biến thể Omicron so với những em đã tiêm trước thời gian này. Trẻ em 5-11 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine trong vòng 2 tháng gần đây được bảo vệ hiệu quả gấp 2 lần so với những trẻ cùng độ tuổi không tiêm vaccine, trong khi thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi đã tiêm 3 mũi vaccine được bảo vệ hiệu quả cao gấp 4 lần so với những em không tiêm phòng.

Thích ứng an toàn nơi học đường

Học sinh tiểu học Indonesia trở lại lớp học sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế phòng dịch, Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh tiểu học Indonesia trở lại lớp học sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế phòng dịch, Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Bên cạnh tiêm vaccine, các nước cũng áp dụng một loạt biện pháp phòng, chống dịch đơn giản và chi phí thấp ở trường học theo khuyến nghị của WHO và UNICEF, như bảo đảm môi trường thông thoáng tại trường học, cải tạo hệ thống thông gió, chia nhỏ lớp học, thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, cũng như xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cho trẻ em, giáo viên và nhân viên nhà trường.

Ở Đức, chính phủ nước này hỗ trợ các bang 200 triệu euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ, nhằm duy trì việc học tại trường cho các em vào mùa thu và mùa đông. Tại Mexico, trên 25 triệu học sinh mầm non, tiểu học và trung học đã quay lại trường từ ngày 30/8/2021 sau gần 18 tháng tạm nghỉ. Mỗi lớp học được chia làm 2 nhóm để bảo đảm khoảng cách an toàn, thời gian mỗi tiết học không quá 45 phút, tất cả các lớp học phải mở cửa thông gió, các bàn học bảo đảm khoảng cách ít nhất 1,5 m, toàn bộ học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và nghiêm cấm chạm, sử dụng hoặc cho mượn bất kỳ tài liệu và vật dụng cá nhân nào.

Bộ Giáo dục New Zealand ngày 25/1 vừa qua thông báo, đã đặt hàng mua 5.000 máy lọc không khí cho các trường để chuẩn bị mở cửa trở lại bắt đầu học kỳ đầu tiên của năm học 2022. Bộ trưởng Giáo dục Chris Hipkins cho biết, bên cạnh chiến dịch tiêm phòng cho học sinh, tổ chức xét nghiệm, bảo đảm vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội, Bộ Giáo dục nước này sẽ tạo điều kiện để các lớp học được thông khí tốt, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bộ này cũng sẽ cung cấp các bộ kit đo mức độ thông khí cùng các máy đo nồng độ CO2 cầm tay để sớm xác định các khu vực có chất lượng kém và nhanh chóng khắc phục. Hiện các trường học tại New Zealand đã được trang bị hơn 8.000 máy đo chất lượng môi trường trong phòng. Các kết quả nghiên cứu do Viện nghiên cứu không khí và nước quốc gia cùng Bộ Giáo dục New Zealand phối hợp thực hiện đã chỉ ra rằng, việc mở cửa chính và cửa sổ của các phòng học là cách tốt nhất để tăng khả năng lưu thông khí trong các lớp học. Điều kiện thông khí tốt sẽ giúp đưa khí thoáng sạch từ bên ngoài vào bên trong và ngăn chặn nguy cơ không khí ô nhiễm trong không gian kín.

Học sinh ở Australia trở lại trường học trong ngày đầu tiên các trường công lập tại bang New South Wales mở cửa trở lại, sau khi các hạn chế phòng dịch Covid-19 được nới lỏng, Sydney, Australia, ngày 25/5/2020. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh ở Australia trở lại trường học trong ngày đầu tiên các trường công lập tại bang New South Wales mở cửa trở lại, sau khi các hạn chế phòng dịch Covid-19 được nới lỏng, Sydney, Australia, ngày 25/5/2020. (Ảnh: REUTERS)

Tại Australia, hàng nghìn học sinh đã trở lại trường học trong ngày 31/1 sau kỳ nghỉ hè. Giới chức nước này yêu cầu học sinh phải xét nghiệm Covid-19 với tần suất 2 lần/tuần. Phụ huynh được yêu cầu sử dụng kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho con em mình và báo cáo các ca dương tính nếu có cho nhà trường và chính quyền địa phương. Ở bang New South Wales đông dân nhất nước, hàng triệu bộ kit xét nghiệm đã được cung cấp tới 3.000 trường học tại bang, nhằm giúp học sinh xét nghiệm trước khi bắt đầu ngày học đầu tiên. Giáo viên và học sinh trung học bắt buộc phải đeo khẩu trang khi quay lại lớp. Nhân viên nhà trường được yêu cầu tiêm ngừa Covid-19, trong khi các giáo viên ở bang Victoria phải tiêm liều tăng cường chậm nhất là vào cuối tháng 2. Hiện khoảng 40% trẻ em từ 5-11 tuổi tại Australia đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi khoảng 2/3 người trưởng thành đã tiêm liều tăng cường.

Để trường học tiếp tục mở cửa, Israel áp dụng nhiều biện pháp an toàn phòng dịch, trong đó đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, bên cạnh quy định đeo khẩu trang vẫn được duy trì, đồng thời các lớp học được chia nhỏ để giãn cách học sinh. Hiện 1/4 trẻ em trong độ tuổi 5-11 tại Israel đã được tiêm phòng Covid-19 nên việc mở cửa trường học khá thuận lợi. Tương tự, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh khi quay lại trường học trong đại dịch, Bộ Y tế và Dân số Ai Cập vừa đề ra 10 “quy tắc vàng” để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tại trường học.

Trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh và mạnh, tình huống xuất hiện ca nhiễm tại trường học là điều không thể tránh và cũng nằm trong kế hoạch phản ứng của các trường khi mở cửa trở lại. Đa số các nước hiện xử lý trường hợp này theo hướng thực hiện cách ly với cá nhân người mắc, chỉ cân nhắc dừng lớp học khi số ca nhiễm đạt ngưỡng cao nhất định, tránh gây xáo trộn trên diện rộng hay đóng cửa trường trở lại. Theo khuyến cáo của CDC Mỹ, trong trường hợp có học sinh hay nhân viên/giáo viên mắc Covid-19 hoặc có triệu chứng nhiễm bệnh, người đó phải cách ly và không được đến trường trong ít nhất 5 ngày; việc học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Ở châu Âu, theo quy định của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), người mắc Covid-19 cách ly trong tối thiểu 10 ngày và chỉ được quay lại trường học nếu không bị sốt trong vòng 48 giờ. NHS sẽ làm việc với trường học có ca nhiễm để xác định cách thức phản ứng tiếp theo, trong đó có việc xác định người tiếp xúc gần. Tại Hà Lan, nếu lớp tiểu học có từ 3 ca nhiễm trở lên, cả lớp gồm giáo viên và học sinh sẽ phải cách ly. Học sinh trung học cơ sở phải tự xét nghiệm 2 lần mỗi tuần, bắt buộc đeo khẩu trang cả ở ngoài lớp học. Những học sinh có triệu chứng cảm cúm nhẹ cũng được khuyến cáo không đến lớp và phải tự xét nghiệm hoặc được cơ quan chức năng xét nghiệm.

Trường học ở Philippines lắp vách ngăn nhựa trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại lớp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Pasay, Metro Manila, ngày 6/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Trường học ở Philippines lắp vách ngăn nhựa trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại lớp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Pasay, Metro Manila, ngày 6/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Ở châu Á, hiệu trưởng các trường tại Thái Lan và Nhật Bản được quyền quyết định đóng cửa trường học khi xuất hiện nhiều ca lây nhiễm, với thời gian đóng cửa tối đa 7 ngày. Các trường ở Hàn Quốc được yêu cầu luôn trong trạng thái sẵn sàng chuyển sang hình thức học tập từ xa trong trường hợp tình hình thực tế yêu cầu. Tại Philippines, việc mở cửa trường học tùy theo cấp độ dịch thấp hay rủi ro cao. Đối với các trường đáp ứng điều kiện mở cửa, mỗi phòng học chỉ được phép có tối đa 15 học sinh, giáo viên tham gia giảng dạy phải tiêm vaccine đủ liều cơ bản.

Ngoài ra, theo UNICEF, trong nỗ lực chấm dứt tình trạng gián đoạn học tập, việc chỉ mở cửa lại trường học là không đủ. Học sinh cần được hỗ trợ tích cực để khôi phục những nội dung bị hổng kiến thức. Các trường học cũng cần vượt ra khỏi phạm vi học tập để giúp trẻ em phục hồi sức khỏe tâm thần và thể chất, cũng như sự phát triển về mặt xã hội và dinh dưỡng.

Trước nguy cơ lây nhiễm vẫn cao, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ ba, cùng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể tiếp tục xuất hiện, các chuyên gia khuyến cáo việc bảo đảm an toàn phòng dịch khi đưa trẻ trở lại lớp học là cần thiết. Các trường học có thể cần phải đóng cửa tạm thời trong những đợt bùng phát nghiêm trọng, hoặc nếu một số lượng lớn các giáo viên bị nhiễm bệnh hoặc phải cách ly.

Nhưng ngay cả khi trường học cần chuyển sang học trực tuyến, điều này không có nghĩa là việc học trực tiếp phải dừng lại hoàn toàn. Thay vào đó, các trường có thể duy trì những buổi học ngoài trời cho học sinh, chẳng hạn như các lớp giáo dục thể chất, tổ chức trò chơi cho học sinh tiểu học và các buổi học nhóm nhỏ. Theo các chuyên gia, những cơ hội tương tác với bạn bè và giáo viên như vậy sẽ giúp duy trì mối quan hệ xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, trong khi nguy cơ nhiễm bệnh khá thấp.

Việc tạo điều kiện tối đa cho trẻ có cơ hội học tập ngoài trời, cùng với yêu cầu đeo khẩu trang và bảo đảm hệ thống thông gió trong lớp học sẽ làm giảm nguy cơ lây lan của dịch bệnh nơi học đường. (Ảnh: REUTERS)

Việc tạo điều kiện tối đa cho trẻ có cơ hội học tập ngoài trời, cùng với yêu cầu đeo khẩu trang và bảo đảm hệ thống thông gió trong lớp học sẽ làm giảm nguy cơ lây lan của dịch bệnh nơi học đường. (Ảnh: REUTERS)

Theo giới chuyên gia, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, việc mở cửa trở lại trường học an toàn nhất có thể trong năm 2022 chính là cách chúng ta bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em toàn diện nhất./.

Bé Matilda, 6 tuổi, được tiêm ngừa Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em ở Leipzig, Đức, ngày 10/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Bé Matilda, 6 tuổi, được tiêm ngừa Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em ở Leipzig, Đức, ngày 10/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh ngồi giãn cách trong lớp học khi trường học ở Warsaw, Ba Lan mở cửa trở lại cho các lớp 1-3. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh ngồi giãn cách trong lớp học khi trường học ở Warsaw, Ba Lan mở cửa trở lại cho các lớp 1-3. (Ảnh: REUTERS)

Phun khử khuẩn sau khi hết giờ học ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Phun khử khuẩn sau khi hết giờ học ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Trường học ở Philippines lắp vách ngăn nhựa trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại lớp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Pasay, Metro Manila, ngày 6/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Trường học ở Philippines lắp vách ngăn nhựa trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại lớp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Pasay, Metro Manila, ngày 6/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh tiểu học sát khuẩn tay sau khi tan lớp ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh tiểu học sát khuẩn tay sau khi tan lớp ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Item 1 of 5

Bé Matilda, 6 tuổi, được tiêm ngừa Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em ở Leipzig, Đức, ngày 10/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Bé Matilda, 6 tuổi, được tiêm ngừa Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em ở Leipzig, Đức, ngày 10/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh ngồi giãn cách trong lớp học khi trường học ở Warsaw, Ba Lan mở cửa trở lại cho các lớp 1-3. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh ngồi giãn cách trong lớp học khi trường học ở Warsaw, Ba Lan mở cửa trở lại cho các lớp 1-3. (Ảnh: REUTERS)

Phun khử khuẩn sau khi hết giờ học ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Phun khử khuẩn sau khi hết giờ học ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Trường học ở Philippines lắp vách ngăn nhựa trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại lớp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Pasay, Metro Manila, ngày 6/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Trường học ở Philippines lắp vách ngăn nhựa trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại lớp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Pasay, Metro Manila, ngày 6/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh tiểu học sát khuẩn tay sau khi tan lớp ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh tiểu học sát khuẩn tay sau khi tan lớp ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. (Ảnh: REUTERS)


Ngày xuất bản: 5/2/2022
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: TRUNG HƯNG
Trình bày và đồ họa: TRUNG HƯNG
Nguồn tin và dữ liệu: UNICEF, UNESCO, CDC Mỹ, Reuters, The Washington Post, The Conversation, TTXVN
Ảnh: UNICEF, Reuters