Đưa pháp luật bắt nhịp cùng thực tiễn

Ngay những ngày đầu năm mới 2022 này, mỗi chúng ta đã kịp cảm nhận rõ hơn những khó khăn phía trước. Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa được Quốc hội khóa XV triệu tập, chủ yếu để kịp thời điều chỉnh pháp luật, đưa ra quyết sách đồng hành cùng Chính phủ hành động.

Trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 cả trong nước và trên thế giới còn rất phức tạp, chặng đường phục hồi kinh tế-xã hội có thể sẽ phải kéo dài. Vì thế, yêu cầu tiên quyết là cần những tính toán chính sách dài hạn, không nóng vội nhưng cũng không được chậm trễ. "Có thực mới vực được đạo", lời dạy của cha ông thuở nào như bài học quý giá cho hôm nay.

Chủ trương, đường lối, định hướng phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài đã được quyết nghị tại Đại hội XIII của Đảng, dần được thể chế hóa qua hai kỳ họp năm ngoái của Quốc hội khóa XV, tiếp tục hoàn chỉnh thông qua hệ thống pháp luật tại kỳ họp bất thường đang diễn ra với phương châm vượt khó, "biến thách thức thành cơ hội".

Trước tiên là thách thức về "sinh kế". Đại dịch, thiên tai, nhân họa đang bộc lộ rõ hơn những lỗ hổng cơ chế, chính sách. Thực tiễn ấy đang thúc đẩy "thượng tầng" nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn. Muốn thế, phải tìm cách giải quyết triệt để những nút thắt của nền kinh tế. Đó là, phụ thuộc quá nhiều vào các ngành thâm dụng lao động, hệ thống logistics chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, kinh tế số-chuyển đổi số chưa đạt yêu cầu, hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập…

Lời giải cho bài toán lớn, hóc búa này đã được không ít chuyên gia, đại biểu Quốc hội chỉ rõ. Rằng, từ những thách thức ấy, tiến trình phục hồi kinh tế thời gian tới cần bám sát định hướng phát triển bền vững, ưu tiên triển khai các chính sách phúc lợi xã hội, không đạt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Trên nền tảng đó, nhanh chóng hoàn chỉnh mô hình phát triển kinh tế hiện đại, cân bằng, cởi mở, đề cao tính cạnh tranh, chú trọng hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…) mà Việt Nam đã ký kết.

Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, chúng ta rất linh hoạt trong các biện pháp ứng phó và có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, ngày một hoàn chỉnh hệ thống pháp luật quốc gia. Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ngày 14/10/2021 chỉ rõ: Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo,…

Rõ ràng, thực tiễn cho thấy, đổi mới chính trị phải từng bước và phải đồng bộ với đổi mới kinh tế. Bám sát nguyên tắc ấy, mọi cải cách về cơ chế, chính sách đang được tiếp tục: nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hành dân chủ; không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo luật.