Đưa di sản phố cổ thành động lực phát triển

Bài 3: Bảo vệ, gìn giữ những nét đẹp truyền thống

Trên các con phố cổ, có những ngôi nhà, cửa hàng, hay khách sạn… được sửa chữa, xây mới theo ngôn ngữ kiến trúc truyền thống, hoặc khai thác mô-típ trang trí truyền thống bằng sự tự nguyện của người dân. Trong sự “giằng co” cũ-mới, nhiều người đã nhận ra việc bảo vệ, gìn giữ những nét đẹp truyền thống chính là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của phố cổ Hà thành.

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng, sửa chữa sử dụng những đường nét kiến trúc phương Đông tạo nên sự hài hòa với không gian phố cổ.
Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng, sửa chữa sử dụng những đường nét kiến trúc phương Đông tạo nên sự hài hòa với không gian phố cổ.

Bên cạnh xu hướng “bê-tông hóa”, “cao tầng hóa”, xuất hiện nhiều ngôi nhà, cửa hàng mới xây dựng, cải tạo dùng phong cách kiến trúc truyền thống trong trang trí, tạo nên sự kế thừa, tiếp nối.

Khi người dân tự giác

Đi trên con phố Mã Mây, nhiều người dừng lại ngắm nhìn ngôi nhà hai tầng ở số 22. Cả hai tầng đều có mái hiên lợp ngói vảy cá. Đỡ cho mái hiên là cấu kiện gỗ đấu củng. Dưới tầng 1, hai bên tường nhà là hai chiếc cột gỗ, đứng trên tảng đá kê hình hoa sen. Ngôi nhà được sử dụng để kinh doanh, nên mảng kính choán phần lớn bề mặt. Nhưng chủ nhà khéo léo trang trí bằng họa tiết hoa văn truyền thống. Nếu ở trên là một đôi cuốn thư, thì ở dưới là lan-can gỗ với bức phù điêu hoa sen ở giữa. “Nhịp điệu” trang trí ở tầng 1 được lặp lại ở ban-công tầng 2, lan-can cũng bằng gỗ chạm trổ hoa sen. Lan-can tầng 2 còn có thêm bốn cây cột gỗ đỡ mái hiên.

Chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Đức Thắng. Ông Thắng chia sẻ: “Khi ngôi nhà xuống cấp, phải sửa chữa, chúng tôi đã bàn bạc và quyết định tu sửa ngôi nhà theo phong cách truyền thống. Riêng ban-công tầng 2 phải bổ sung nhiều cấu kiện trang trí cho ngôi nhà đẹp hơn”. Ông Thắng đã khảo sát nhiều căn nhà cổ, chụp lại những hình ảnh và bàn bạc với thợ để có giải pháp tối ưu. Ông rất tự hào khi công sức của mình bỏ ra đã thu về thành quả như ý. “Sau này, khi nào phải sửa chữa, chắc chắn chúng tôi vẫn tiếp tục gìn giữ những nét đẹp truyền thống”, ông Thắng cho biết thêm.

Phố cổ là một di sản sống, nơi mà việc bảo tồn luôn “xung đột” với nhu cầu cuộc sống người dân. Nếu như trước đây, xu hướng “kính hóa”, “bê-tông hóa” là chủ đạo, thì bây giờ, ngày càng có nhiều hơn những ngôi nhà được cải tạo, sửa chữa theo kiến trúc xưa, hoặc kế thừa, tiếp nối phong cách trang trí cổ truyền. Khách sạn số 65 phố Hàng Bạc là một trong số ấy. Ngoài những cây cột gỗ, những hàng lan-can kiểu kiến trúc phương Đông, chủ nhân còn tạo thêm điểm nhấn với một đôi chó đá ngay trước bậu cửa.

Hay như ngôi nhà số 87 Hàng Gai cũng tạo được sự hài hòa giữa các cấu kiện gỗ được chạm trổ với hệ thống cửa kính để lấy sáng cho căn nhà. Ngôi nhà số 96 phố Cầu Gỗ bán súp gà, được trang trí mầu nâu trầm, với biển hiệu, quầy hàng “đặc” chất phố cổ… Trang trí theo mô-típ truyền thống còn “lan” đến cả một thương hiệu quốc tế là quán cà-phê Highland (góc phố Hàng Bạc-Hàng Bè) bằng chiếc biển hiệu đặt trên nền nâu trầm, với những họa tiết trang trí phương Đông, những ô cửa sổ đều có mái ngói đua ra che mưa, che nắng tạo nên hình ảnh hài hòa với nhịp điệu phố cổ.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh là người luôn đau đáu về phố cổ, chia sẻ: “Khi người dân biết bảo tồn, biết khai thác những yếu tố truyền thống vào trong các công trình hiện đại một cách sáng tạo thì đó là một điều rất mừng. Cơ quan chức năng cần quan tâm, nghiên cứu xu hướng, giải pháp này, từ đó nhân rộng. Việc xây dựng các công trình mới sử dụng các yếu tố truyền thống là điều cần được khuyến khích”.

Kết quả của một quá trình

Cuối năm 2011, lần đầu tiên, một đoạn phố trong khu phố cổ được “trả lại” nét xưa. Đó là kết quả của Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện. Hàng chục ngôi nhà được trả lại thiết kế xưa cũ của mặt đứng từ kiến trúc, mầu sơn, cửa ra vào, cho đến biển hiệu. Đến năm 2014, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện chỉnh trang tuyến phố Lãn Ông, nơi còn khá dày đặc những ngôi nhà cổ. Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn khảo sát, lập phương án cho từng ngôi nhà, từng chi tiết kết cấu, kiến trúc cho đến mẫu mã biển hiệu, mầu sắc, chất liệu, vật liệu… Kết quả, mặt đứng tuyến phố dài 120m từ ngã tư Chả Cá đến phố Thuốc Bắc với 42 biển số nhà được trả lại vẻ đẹp nguyên gốc, giúp mọi người trải nghiệm một cách sinh động về không gian phố cổ.

Thực tế cho thấy, sau khi được cải tạo, mang nét cổ kính, những con phố này thu hút khách du lịch nhiều hơn. Ngã tư phố Tạ Hiện bây giờ đã trở thành “ngã tư quốc tế”. Còn phố Lãn Ông cũng là một trong những điểm đến ưa thích. Ông Ngô Chấn Minh, nhà số 51 phố Lãn Ông, chủ hiệu thuốc Phúc Sinh Đường cho biết: “Gia đình tôi được chính quyền hỗ trợ tu bổ ngôi nhà từ mái ngói, biển hiệu, bộ cánh cửa… Việc bảo tồn này giúp cho phố Lãn Ông có vẻ đẹp cổ kính, rất phù hợp với nghề làm thuốc nên ai cũng phấn khởi”. Từ kinh nghiệm này, Ban Quản lý phố cổ đã triển khai chỉnh trang mặt đứng hàng chục tuyến phố khác.

Ngay từ khi tiến hành công tác bảo tồn, tôn tạo, UBND quận Hoàn Kiếm đã xác định, di sản của nhân dân, nên phải dựa vào nhân dân. Việc trả lại nét đẹp xưa ở những dự án này như một “mồi lửa”, tạo hình mẫu để người dân tham khảo, thực hiện. Cùng với đó, năm 2013, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Ngoài các quy định về độ cao, mật độ, yêu cầu về quản lý di tích, nhà cổ, đối với các công trình xây mới, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân xây dựng theo kiến trúc truyền thống.

Dần dà nhiều người dân nhận thức việc giữ gìn nét đẹp xưa là động lực phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ cho phố cổ, đúng như nhận định của Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hà Nội Nguyễn Trúc Anh: “Muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì cần tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Và không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi về kinh tế, xã hội của chính họ với công việc bảo vệ các giá trị quý báu này”.

(Còn nữa)

(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 19, 22/7/2022.