![](./assets/Jf7LVAnvBC/liceria-and-co.-55-1920x1080.jpg)
Khám phá Hà Nội - “trái tim” của cả nước đúng dịp Tết Nguyên đán luôn là trải nghiệm đáng nhớ với nhiều khách du lịch. Trong không khí ấm áp của đầu xuân năm mới, đến Thủ đô dịp này, bạn không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp cổ kính của vùng đất đã trải qua hàng nghìn năm văn hiến mà còn có cơ hội hòa mình vào không khí tưng bừng, rộn rã của các lễ hội mừng xuân.
Đằng sau những tất bật của nhịp sống thường nhật, Tết Hà Nội vẫn có những khoảng tĩnh lặng, an nhiên và cũng đầy thú vị. Dưới đây là một số gợi ý về những hoạt động du xuân hấp dẫn ở Thủ đô trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 này.
Dạo quanh 36 phố phường Hà Nội
Những con ngõ nhỏ quanh co, dãy nhà xếp san sát, lớp tường cũ rêu phong theo năm tháng, nhiều hàng ăn ngon nức tiếng mở ngót nghét cả chục năm trời… là những ấn tượng đầu tiên mà du khách thường hình dung khi nhắc về phố cổ Hà Nội. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất Thủ đô mà bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến du xuân này.
Nằm ở trung tâm thành phố, khu phố cổ chứa đựng những dấu ấn về văn hóa, lịch sử của người Hà Nội. Đến tận bây giờ, nét trầm mặc, cổ kính của từng con phố vẫn còn vẹn nguyên dẫu trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc. Mỗi con phố lưu giữ từng nét đặc trưng của chốn kinh kỳ, là nơi giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, là một phần không thể thiếu của Hà Nội - thành phố sáng tạo và đầy sức sống.
Ra đời từ thế kỷ XI (vào đời Lý), 36 phố phường là thành phần khu thị dân trong tổng thể kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây từng là trung tâm buôn bán sầm uất, tập trung các làng nghề truyền thống. Đồng thời, cũng là chốn nổi tiếng với hoạt động văn hóa, nghệ thuật và sở hữu nền ẩm thực phong phú.
Không ít du khách thập phương ví phố cổ Hà Nội là “thiên đường” ẩm thực. Bởi nơi đây bày bán rất nhiều món ăn ngon, từ những thức ăn nhanh như: bánh mì, bánh rán, nộm bò khô… đến các đặc sản như: phở, chả cá Lã Vọng, bún thang, bún riêu, bún chả...
Trong Tết, nhiều hàng, quán ở khu vực phố cổ vẫn mở cửa đón khách. Tuy nhiên, một số cửa hàng có thể điều chỉnh thời gian hoạt động. Trước khi đến, bạn nên tìm hiểu thêm về giờ mở cửa của những nơi này để chủ động hơn trong hành trình khám phá.
Men theo con phố Hàng Trống, Nhà Thờ, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bán đồ lưu niệm. Bên cạnh những chiếc nón lá, áo phông và quạt giấy in các biểu tượng của Thủ đô, bạn sẽ tìm thấy những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Chọn mua một sản phẩm thủ công được chế tác tỉ mẩn để dành tặng người thân hoặc bạn bè cũng là một ý tưởng hay thay cho việc lì xì đầu năm trong dịp Tết này.
Không chỉ là khu ăn uống và mua sắm trung tâm, trên các tuyến phố cổ, còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời để du khách tìm hiểu. Bạn nên ghé thử hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (nằm trên đảo Ngọc trong hồ) để cảm nhận vẻ yên bình của Hà Nội. Để cầu bình an đầu năm, bạn có thể ghé các chùa như: Bà Đá, Kim Cổ, Thái Cam, Vĩnh Trù, Huyền Thiên, Cầu Đông, Lý Triều Quốc Sư...
Thong dong dạo bước trên con phố nhỏ rực rỡ cờ hoa, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ xưa, lắng nghe tiếng leng keng khắp nẻo đường của gánh hàng rong, rồi lên bờ Hồ thưởng thức một tô phở Thìn nghi ngút khói sẽ là những trải nghiệm khó quên nếu bạn ghé thăm phố cổ vào dịp đầu xuân năm mới này.
Phố cổ Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Phố cổ Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Du khách quốc tế du xuân phố cổ Hà Nội. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Du khách quốc tế du xuân phố cổ Hà Nội. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Không khí Tết tràn ngập các con phố. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Không khí Tết tràn ngập các con phố. Ảnh: THÀNH ĐẠT
![](./assets/WUrTuohtdL/z6255486718689_dfa3120f435f8ffa68a95752cbcd42b7-2560x1707.jpg)
![](./assets/1Cb11LMfEI/z6255486740117_75ff3dae7624aafe0e72508d70cc7129-2560x1707.jpg)
Trải nghiệm Tết cổ truyền ở Hoàng thành Thăng Long
Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn luôn là điểm đến thu hút nhiều du khách yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử. Đến đây, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, bảo vật quốc gia, tìm hiểu sâu hơn về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Năm nay, ngoại trừ ngày 29 tháng Chạp và mùng 1 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 28-29/1 dương lịch), Hoàng thành Thăng Long sẽ mở cửa xuyên suốt Tết Ất Tỵ 2025. Đặc biệt, chuỗi hoạt động đón Tết kéo dài từ 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức ngày 20/1 dương lịch) đến mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức ngày 6/2 dương lịch) tại đây được diễn ra với nhiều nội dung đặc sắc.
Điểm nhấn của đón Tết ở Hoàng thành năm nay là trải nghiệm không gian trưng bày “Tết xưa - Tết thời bao cấp”, tái hiện một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của đất nước. Trưng bày được bố cục theo ba khu vực: gian hàng mậu dịch quốc doanh, gian hàng tranh-hoa-pháo Tết và không gian thờ cúng.
Lễ dựng cây nêu - một nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết được thực hiện trang trọng tại không gian trước Đoan môn. Ảnh: hoangthanhthanglong.vn
Lễ dựng cây nêu - một nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết được thực hiện trang trọng tại không gian trước Đoan môn. Ảnh: hoangthanhthanglong.vn
Bên cạnh đó, chương trình còn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” để tiễn năm cũ qua đi, đón năm mới sắp đến, với các nghi thức truyền thống như: Lễ tiến lịch, Lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo, Lễ dựng nêu và Lễ đổi gác. Đặc biệt, nghi lễ Khai xuân sẽ được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng với nghi thức dâng hương trang trọng, hướng về cội nguồn nhằm tri ân công đức các bậc tiền đế và các tôn vinh giá trị truyền thống.
Du xuân Hoàng thành Thăng Long dịp Tết Nguyên đán 2025, du khách còn có cơ hội thưởng thức sân khấu múa rối nước đặc sắc vào các ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 và mùng 5 Tết. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng được trang trí với nhiều hoa và cây cảnh đặc sắc để phục vụ nhu cầu check-in của khách tham quan.
Đón Tết ở Hoàng thành sẽ là trải nghiệm đáng nhớ để mỗi người con Việt Nam tìm về cội nguồn, thấm thía hơn nền văn hóa và lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng là cơ hội cho thế hệ trẻ trải nghiệm và cảm nhận không khí Tết cổ truyền trong không gian di sản nghìn năm ở Hà Nội.
Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Từ lâu, hoạt động xin chữ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã trở thành thông lệ với nhiều người dân và khách du lịch khi đến Hà Nội mỗi dịp đón năm mới. Cùng với tục khai bút đầu năm, xin chữ ngày xuân thể hiện mong ước về năm thuận hòa, may mắn và bình an. Hoạt động ý nghĩa này bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng tri thức của người Việt.
Ghé Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong chuyến du xuân 2025, bạn sẽ có dịp trải nghiệm Hội chữ Xuân Ất Tỵ với nhiều hoạt động hấp dẫn. Năm nay, có đến 47 gian lều của các nhà thư pháp tại hồ Văn trong không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám để du khách tới xin chữ.
Nhiều cha mẹ dẫn con cái đến xin chữ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám dịp đầu xuân. Ảnh: THẾ ĐẠI
Nhiều cha mẹ dẫn con cái đến xin chữ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám dịp đầu xuân. Ảnh: THẾ ĐẠI
Theo đó, Hội chữ Xuân Ất Tỵ sẽ diễn ra từ ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức 23/1 dương lịch) đến ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức ngày 9/2 dương lịch). Thời gian mở cửa từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Những năm trước đây, dù phải xếp hàng dài và chờ đợi nhiều giờ đồng hồ, dòng người xin chữ đầu năm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn nườm nượp. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi hoàn cảnh, mang những tâm tư, mong ước của người nhận. Người buôn bán thì thường xin chữ: “Phát”, “Lộc”, “Tài”… với ý niệm công việc kinh doanh của mình sẽ “thuận buồm xuôi gió”, không ngừng phát triển. Các bạn trẻ lại thường thích các chữ: “Chí”, “Thành”, “Đạt”… để tự nhắc mình luôn bền gan, vững chí, vượt qua những khó khăn, thử thách.
Cha mẹ thường xin cho con chữ: “Hiếu”, “Lễ”, “Nghĩa”… với mong muốn các con sẽ giữ đạo hiếu nghĩa, biết kính trọng bề trên, yêu thương gia đình. Bên cạnh đó, các thầy đồ cũng được nhiều du khách xin chữ: “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An khang”, “Như ý”, “Cát tường”… Không ít người quan niệm rằng, treo những chữ này trong nhà sẽ mang lại bình yên, thuận lợi cho gia đạo.
Bên cạnh hoạt động xin chữ-cho chữ đầu năm, Hội chữ Xuân Ất Tỵ còn giới thiệu đến đông đảo du khách thập phương các triển lãm ấn tượng. Triển lãm “Thực học” trưng bày khoảng 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ. Triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” mang đến 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản, được chọn lọc từ Giải thường Ảnh Di sản Việt Nam. Triển lãm “Vẽ con rắn” giới thiệu 77 tác phẩm tranh minh họa của các họa sĩ Việt đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Các tác phẩm đều mang đến những góc nhìn đa dạng về rắn - linh vật của năm mới Ất Tỵ.
Di chuyển đến khu nội tự, du khách sẽ được chiêm ngưỡng triển lãm “Dấu xưa Văn hiến 3: Thiên Quang” tại Tiền đường nhà Thái học. Ngoài ra, triển lãm “Bia đá kể chuyện 2” ngay tại khu nhà bia Tiến sĩ hứa hẹn sẽ mang đến cách nhìn mới về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước nhà.
Bên vẻ trầm mặc, thiêng liêng của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, qua những nét chữ tài hoa của các thầy đồ, “hồn dân tộc” lại được “sáng bừng trên giấy điệp”. Nhận được những chữ con quý giá đầu năm tại đây, như được tiếp may mắn, hy vọng vào tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Ghé nơi này vào đầu xuân mới để cầu mong may mắn, đỗ đạt và xin chữ từ các thầy đồ không phải là quá hoạt động mới mẻ, nhưng là trải nghiệm mà của khách du lịch cả trong và ngoài nước không thể bỏ qua trong các hành trình du xuân.
![](./assets/7ZagQYY9oj/kham-pha-van-hoa-va-lich-su-tai-van-mieu-quoc-tu-giam-20231013192109-1024x768.jpg)
Đón Tết cùng đồng bào vùng cao tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam
Mỗi khi Tết đến, xuân về, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam lại rộn ràng, tất bật để chuẩn bị các hoạt động đón Tết của người đồng bào. Nơi này là một phần của khu du lịch Đồng Mô-Ngải Sơn, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Cách trung tâm Thủ đô hơn 40km, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là ngôi nhà chung của nhiều dân tộc anh em khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là nơi lưu giữ và tái hiện những nét văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Nếu là người thích khám phá văn hóa của các dân tộc anh em và chỉ có vài ngày để du xuân thì Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là lựa chọn lý tưởng để bạn khám phá, tìm hiểu sâu hơn về phong tục đón Tết của người đồng bào.
Hiện tại, làng có 16 nhóm đồng bào các dân tộc đang sinh sống như: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi… Họ đến từ 11 địa phương, bao gồm: Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Sóc Trăng.
Cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia trình diễn dân ca dân vũ. Ảnh: langvanhoavietnam.vn
Cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia trình diễn dân ca dân vũ. Ảnh: langvanhoavietnam.vn
Mỗi không gian ở làng dân tộc đều thể hiện một bản sắc riêng biệt. Những ngày cận Tết, mọi người đã sửa soạn bàn thờ, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc mình. Trong không khí rộn rã mừng xuân mới, nhiều hoạt động ý nghĩa như: gói bánh chưng, dựng cây nêu, lễ hội của đồng bào các dân tộc… được tổ chức kỳ công cho khách du lịch cùng tham gia.
Du khách dừng chân chụp ảnh tại không gian làng dân tộc Dao.
Du khách dừng chân chụp ảnh tại không gian làng dân tộc Dao.
Ngoài ra, các chương trình dân ca “Đón xuân ở bản em”, “Xuân về trên cao nguyên” được tổ chức thường xuyên. Du khách sẽ có dịp thưởng thức những lời ca, điệu múa mang hơi thở mùa xuân của các dân tộc. Nhiều trò chơi dân gian, món ăn ngày xuân cũng được giới thiệu đến đông đảo du khách trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Bạn sẽ có dịp nếm thử các món ăn đặc sắc với hương vị khó quên từ nhiều dân tộc khác nhau như: thịt trâu gác bếp, bánh dày, xôi ngũ sắc, khâu nhục... Du khách đến đây cũng sẽ được thưởng thức mâm cơm ngày Tết, đặc biệt là các món rau rừng được chính người đồng bào canh tác và thu hoạch.
Ngoài ẩm thực đặc sắc, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có dịch vụ lưu trú, cho thuê các trang phục truyền thống. Khoác lên mình trang phục dân tộc, sống trong nhà sản, bạn có những kỷ niệm đáng nhớ khi được đón Tết cùng đồng bào ngay ở vùng ngoại ô Hà Nội.
Chùa Hương nằm hòa mình với núi non hùng vĩ. Ảnh: THẾ ĐẠI
Chùa Hương nằm hòa mình với núi non hùng vĩ. Ảnh: THẾ ĐẠI
Chiêm bái, vãng cảnh chùa Hương
Nằm nép mình giữa núi non trùng điệp của dãy rừng Hương Sơn, chùa Hương tựa như viên ngọc quý hiện lên giữa đất trời bao la, là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và nét linh thiêng của Phật giáo. Điểm đến tâm linh này nằm bên bờ sông Đáy, cách trung tâm Thủ đô khoảng 60km về phía nam. Nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm và đặc biệt đông đúc trong lễ hội đầu xuân.
Theo thông lệ, mồng 6 tháng Giêng hằng năm sẽ là ngày khai hội chùa Hương. Đây vốn là thời điểm mở cửa rừng của người dân địa phương. Lễ hội chùa Hương sẽ kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Đến chùa Hương dịp này, khách du lịch sẽ được chiêm bái, thưởng ngoạn cảnh sắc đất trời và tìm hiểu về các tín ngưỡng thờ cúng ở Việt Nam từ xa xưa.
Dòng người nối đuôi nhau hướng về chùa Hương. Ảnh: THẾ ĐẠI
Dòng người nối đuôi nhau hướng về chùa Hương. Ảnh: THẾ ĐẠI
Nếu lần đầu đến chùa Hương, du khách có thể bắt đầu hành trình tham quan từ bến Đục, lên thuyền rồi xuôi theo dòng suối Yến thơ mộng. Len lỏi qua những dãy núi đá vôi hùng vĩ, cảnh sắc, vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên như hiện ra trước mắt. Trong không khí se lạnh của tiết trời mùa xuân, bạn sẽ được chiêm ngưỡng mặt nước xanh thẳm, những ngọn núi nhấp nhô, cánh đồng xanh mướt…
Từ trên thuyền, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể nhìn thấy núi Phượng Hoàng và núi Đôi Chèo ở bên trái, núi Ngũ Nhạc và đền Trình về phía phải. Đây là địa điểm các phật tử thường dừng chân để cầu nguyện với Thần Núi.
Quần thể thắng cảnh chùa Hương gồm 18 đền, chùa, hang, động nằm rải rác ở các thôn: Yến Vĩ, Đục Khê, Hối Xá và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc địa phận thành phố Hà Nội. Phần lớn các động, chùa nơi đây được phát hiện và xây dựng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Đa số đền, chùa đều dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, những nơi có địa thế đẹp. Theo đó, 18 điểm đến trong quần thể chùa Hương được chia thành 4 khu: khu Hương-Thiên (gồm động Hương Tích, chùa Thiên Trù, đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa Tiên Sơn, chùa Hinh Bồng và động Đại Binh); khu Thanh Hương (gồm chùa Thanh Sơn và động Hương Đài); khu Long Vân (gồm chùa Long Vân, động Long Vân, động Cây Khế và hang Thánh Hóa); khu Tuyết Sơn (gồm chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Ngư Trì và đền Trình Phú Yên).
Chùa Thiên Trù - công trình kiến trúc đậm nét văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của thời Lê-Nguyễn.
Chùa Thiên Trù - công trình kiến trúc đậm nét văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của thời Lê-Nguyễn.
Động Hương Tích, nơi thờ Bồ tát Quán Thế Âm là điểm đến thu hút đông khách du lịch ghé thăm nhất trong quần thể chùa Hương. Để đặt chân đến nơi chiêm bái, du khách sẽ hành hương, vượt qua hàng trăm bậc đá cheo leo, quanh co giữa những ngọn núi cao chót vót. Bên trong động là cả một thế giới tách biệt. Ánh sáng huyền ảo hắt qua những nhũ đá nhiều hình thù, thanh âm của những giọt nước rơi xuống từ trên trần hang vang lên trong động khiến không gian càng thêm phần linh thiêng, huyền bí.
Đến chùa Hương dịp đầu năm, du khách có thể sẽ phải cảnh đợi chờ, xếp hàng để được vào các điểm chiêm bái. Nhưng khi đến nơi và được thành tâm nguyện cầu, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Du xuân chùa Hương không chỉ là hành trình tâm linh, mà còn là cơ hội để hòa vào thiên nhiên, khám phá những giá trị văn hóa và tận hưởng sự bình yên trong tâm hồn.
![](./assets/umZOR7jJVA/4-1-2500x1667.jpg)
Trên đây là những gợi ý cho hành trình du xuân quanh Thủ đô Hà Nội, hứa hẹn mang đến cho khách du lịch nhiều trải nghiệm thú vị và hấp dẫn.
Ngày xuất bản: 30/1/2025
Tổ chức thực hiện: Minh Vân
Nội dung: Ngọc Khánh
Trình bày: Hạnh Vũ