Du lịch sinh thái ở xã Hồng Vân

Phát huy thế mạnh của làng nghề sinh vật cảnh, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã chuyển hướng từ làm nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Hoạt động này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất trà thảo mộc tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Sản xuất trà thảo mộc tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Những ngày đầu tháng 8, nắng vẫn chói chang trên các tuyến đường, nhưng trong các trang trại, nhà vườn tại xã Hồng Vân, không khí dịu mát hơn hẳn bởi mầu xanh mướt của những vườn cây cảnh. Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình làm nông nghiệp theo hướng dịch vụ du lịch của địa phương, mời khách cốc trà chùm ngây do chính địa phương sản xuất, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: Xã Hồng Vân từ lâu nổi tiếng với nghề sinh vật cảnh. Từ năm 2010, khách tìm đến mua cây cảnh ngày một ít, khiến thu nhập từ nghề trồng cây cảnh giảm sút. Trước bối cảnh đó, Đảng ủy xã đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, họp bàn để tìm cách chuyển hướng làm ăn cho người dân địa phương. "Khi đó xã vẫn chưa xác định chuyển sang làm du lịch, mà chỉ xác định phát triển dịch vụ trên đất nông nghiệp để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các hoạt động nông nghiệp. Chúng tôi mong muốn có mô hình sạch, đẹp, mới trên nền nông nghiệp", Bí thư xã Hồng Vân chia sẻ.

Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề triển khai sản xuất nông nghiệp chuyên canh làng nghề và xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, đoàn thể và người dân, đến nay xã Hồng Vân đã xây dựng được các chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao trong phát triển hoa, cây cảnh và nông sản giữa các hộ trong thôn và giữa các thôn trên địa bàn xã. Trong đó có một dây chuyền sản xuất các loại trà thảo mộc như: trà chùm ngây, trà trâu cổ, trà kim ngân hoa được công nhận đạt OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội; một dây chuyền ngâm, ủ rượu hoa, quả Hồng Vân khép kín từ trồng, thu hoạch, đến ngâm, ủ bằng những bí quyết riêng tạo ra hương vị, nét đặc trưng của sản phẩm, dành cho du khách thưởng thức và mua về làm quà.

Sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2019, để tạo đột phá, xã Hồng Vân đã tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh. Cả xã có 21 tuyến đường chính, mỗi con đường trồng một loài hoa và tên đường cũng được đặt theo các loài hoa đó như: đường Hoàng yến, đường Bằng lăng, đường Hoa ban, đường Phượng vĩ… Khách đến xã tham quan vào mùa nào trong năm cũng được thưởng lãm vẻ rực rỡ của các loài hoa, như ngắm đường Hoàng yến nở hoa vàng rực rỡ vào mùa hè, đường Hoa ban tím biếc vào mùa xuân...

Từ việc quy hoạch mỗi tuyến đường trồng một loài cây, loài hoa, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch sinh thái…, người dân trong xã đã hiểu rằng "cứ làm cho làng quê sạch, đẹp cũng là góp phần phát triển du lịch của xã". Nhận thức phát triển kinh tế từ du lịch đã thông suốt từ cán bộ đến người dân. Nhiều hộ gia đình trong xã đã tận dụng khoảng sân, vườn rộng của mình để trồng và trưng bày các loài cây cảnh, sắp xếp đẹp mắt để thu hút khách tham quan. Khi đến với làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như được giao lưu, trò chuyện cùng các nghệ nhân tại làng nghề. Ngoài ra, du khách còn được tham gia trải nghiệm "một ngày làm nghệ nhân", có thể tự tay tạo tác, cắt, tỉa, tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh do mình tạo ra hoặc thả bộ trên đường làng quê yên bình và bờ đê sông Hồng, thưởng ngoạn những cảnh sắc xinh tươi, thanh bình nơi đây.

Hằng năm, lượng du khách đến tham quan xã Hồng Vân đạt từ 15 nghìn đến 20 nghìn lượt người, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hải Đăng cho biết, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền để người dân phát triển các mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn, để du khách khi đến đây tham quan trải nghiệm đều cảm nhận từng sắc thái riêng của làng du lịch sinh thái ở phía nam Thủ đô.