Về vùng đất trầm tích núi lửa

Nếu bạn thích khám phá thiên nhiên với hệ thống hang động núi lửa dài nhất Ðông - Nam Á và tìm hiểu sự đa dạng sinh học, cùng nhiều nét độc đáo về địa chất, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thì Công viên địa chất Ðắk Nông là điểm đến lý tưởng.

Hang động núi lửa là kết quả của quá trình phun trào núi lửa xảy ra cách đây hàng triệu năm.
Hang động núi lửa là kết quả của quá trình phun trào núi lửa xảy ra cách đây hàng triệu năm.

Mới đây Công viên địa chất Ðắk Nông vinh dự nhận danh hiệu - Công viên địa chất toàn cầu (ÐCTC) - công viên ÐCTC thứ ba ở Việt Nam, sau các công viên ở tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. 
Công viên ÐCTC Ðắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, trải dài trên địa bàn sáu huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Ðắk Mil, Ðắk Song, Ðắk Glong và thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Ðắk Nông. Với 65 điểm di sản địa chất, trong đó có bảy điểm di sản địa chất tầm quốc tế, Công viên ÐCTC Ðắk Nông hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước...

Với nhiều bí ẩn, Công viên ÐCTC Ðắk Nông là địa điểm thu hút du khách thích chiêm ngưỡng, tìm hiểu không chỉ vì khung cảnh độc đáo mà còn vì các giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc. Ðến nơi đây, du khách sẽ được khám phá hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan độc đáo, nguyên sơ, đã được xác lập kỷ lục hệ thống hang động núi lửa dài nhất Ðông - Nam Á, ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ của núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Ðắk Mil) hoặc tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê Ðê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn Quốc gia Tà Ðùng với thắng cảnh Hồ Tà Ðùng, vốn được ví là "Vịnh Hạ Long trên cao nguyên"… Công viên ÐCTC còn có những cung đường đi bộ xuyên rừng nhiệt đới cùng hệ thống động thực vật phong phú. Ðiều này biến nơi đây trở thành điểm đến phù hợp cho những ai yêu thích leo núi, trekking. 

Ðể biết thêm về vốn văn hóa phong phú, đặc sắc của các dân tộc địa phương, bạn có thể đến nhà trưng bày đàn đá hoặc nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Tại đây, còn có nhà triển lãm âm thanh có tổng diện tích 200 m2, được lấy cảm hứng từ âm thanh của vũ trụ cùng các yếu tố ngũ hành, do nhóm nghệ sĩ Scenocosme (Pháp) đã tạo nên bởi những nhạc cụ tích hợp công nghệ hiện đại. Khi du khách tương tác với các dụng cụ, chúng sẽ phát ra âm thanh phản hồi trong không gian đèn LED mờ ảo, tạo nên trải nghiệm mới mẻ. Ngoài ra, còn có thể kể thêm một số địa điểm "phải đến" khác, như bảo tàng nhạc cụ cổ xưa của nhân loại, trung tâm thông tin...

Hiện công viên đã xây dựng ba tuyến tham quan giúp du khách có thể đi về trong ngày như: "Trường ca của lửa và nước"; "Bản giao hưởng của làn gió mới" và "Âm vang từ Trái đất". Mỗi tuyến có khoảng 13 - 15 điểm, đan xen giữa các điểm di sản địa chất, di sản văn hóa, địa văn hóa, đa dạng sinh học, đối tác của công viên địa chất...