Những khoảnh khắc Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù ở độ cao 2.979 m thuộc bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, và được xếp thứ bảy trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Nếu bạn trong hai ngày cuối tuần chưa biết làm gì, hãy rời đô thị chật chội để thử sức bản thân, đắm mình trong núi rừng và biển mây chinh phục "nóc nhà" của tỉnh Yên Bái.

Những khoảnh khắc Tà Chì Nhù

Đỉnh núi Tà Chì Nhù theo người dân tộc Thái còn có tên gọi khác là Phu Song Sung, hay với người dân tộc Mông là Chung Chua Nhà. Tuy không phải là đỉnh núi cao nhất, nhưng đường đi đến Tà Chì Nhù lại có độ khó đứng đầu vì phần lớn là dốc cao, cheo leo, đá sỏi nhiều lại ít cây.

Theo kinh nghiệm phượt Tà Chì Nhù, từ Hà Nội đến Tà Chì Nhù có thể chia làm hai chặng. Chặng một là từ Hà Nội đi Nghĩa Lộ, thời gian di chuyển từ 5 đến 6 giờ đồng hồ. Bạn có thể chọn đi xe máy hoặc ô-tô để dành sức leo núi, khám phá thiên nhiên ở nơi này. Chặng thứ hai là từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu - Xà Hồ và đến đỉnh núi Tà Chì Nhù.

Quãng đường tính từ Trạm Tấu đi xe máy vào điểm leo mỏ Chì khoảng 20 km song rất khó đi, nhiều đá to lởm chởm làm tiêu hao thể lực người cầm lái. Ðến điểm dừng chân cần gửi xe và chỉ đem theo những đồ đạc cần thiết như đồ ăn uống nhẹ để tiết kiệm sức lực leo dốc. Sau khoảng 6-7 giờ đi bộ sẽ đến điểm nghỉ chân, các bạn có thể dựng lều và nấu ăn tại đây.

Ðường lên rất vất vả, nhưng bù lại cảnh núi và mây trong đoạn leo này đẹp và nên thơ. Mọi người vừa đi vừa chụp ảnh, quay phim các áng mây trắng bên sườn núi và cánh rừng già trải dài trong nắng chiều cực đẹp, nên mất khá nhiều thời gian.

Sau khi vượt qua dốc Hai Cây, đoàn đi qua khu rừng trúc nhỏ trước khi tới khu lán nghỉ. Chúng tôi là một trong những nhóm đầu tiên tới được lán trại lúc 16 giờ 30 phút. Từ lán có thể nhìn thấy đỉnh Tà Chì Nhù và theo các hướng dẫn viên thì người bình thường mất khoảng hai giờ để lên tới đỉnh.

Thời tiết trên núi về đêm lạnh, gió mạnh và khá rét. Chúng tôi khi tỉnh dậy đều nghĩ rằng mưa cả đêm nên chắc chắn sẽ không thể leo lên đỉnh được vì đường trơn trượt và khả năng có mưa. Sau hơn 30 phút leo, đoàn tới các triền núi nơi loài hoa tím dại mọc dày đặc. Thời tiết thời điểm này nhiệt độ xuống khá thấp nên hoa không sặc sỡ như mọi người mong đợi.

Sau khi hoàn thành chinh phục chặng đường leo núi vất vả, khi lên đến đỉnh Tà Chì Nhù mọi người được chiêm ngưỡng cả một biển mây trời từ từ xuất hiện trong ánh nắng nhẹ của buổi sớm mai. Khung cảnh bình minh trên đỉnh núi cao vô cùng đặc biệt; vừa trong trẻo vừa ấn tượng đến lạ kỳ. Ðây là điều mà chỉ ở nơi "nóc nhà" Tà Chì Nhù mới có thể cảm nhận được.

Theo người bản địa thì thời gian "xê dịch" lý tưởng nhất là từ tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa, còn từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau ngắm mây trắng phủ kín, nhất là ngay những ngày đầu tháng 1 này, thời tiết ở Tà Chì Nhù xuống rất thấp nên đã xuất hiện tuyết phủ trắng rừng. Và đây là lý do để dân phượt lên "nóc nhà" Tà Chì Nhù để chiêm ngưỡng, chụp giữ lại khoảnh khắc tuyết rơi mùa đông...