Hữu tình Ngũ Hành Sơn

Vùng Non Nước (Đà Nẵng) với năm ngọn núi được vua Minh Mạng đặt tên Ngũ Hành Sơn, từ xưa đã được biết đến như một thắng cảnh tuyệt mỹ.

Một góc Non nước Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Sở Du lịch Đà Nẵng
Một góc Non nước Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Sở Du lịch Đà Nẵng

Hơn 300 năm trước, danh tăng Trung Hoa Thích Đại Sán, khi đến vãn du chốn này đã viết nên cuốn “Hải ngoại kỷ sự” nổi tiếng, với bao lời thán phục. Thích Đại Sán đã bị vẻ đẹp của “vùng hoang biển tận, núi lạ đá xinh, nằm hoang trong gai cỏ” làm cho mê mẩn.

Những tác động của thiên nhiên đã tạo cho Ngũ Hành Sơn những hang động mang vẻ đẹp kỳ thú với sắc thái linh thiêng. Đá cẩm thạch tại Ngũ Hành Sơn độc đáo ở chỗ có mầu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn mầu hồng, ở Mộc Sơn mầu trắng, ở Hỏa Sơn mầu đỏ, ở Kim Sơn mầu thủy mặc và ở Thổ Sơn mầu nâu.

Ngày đẹp trời, dạo chơi non nước, bâng khuâng trước những dấu xưa của tiền nhân trên vách đá nghìn năm. Dấu tích của con người ở Ngũ Hành Sơn có từ rất sớm, thể hiện qua các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Đây cũng là nơi người Chăm thờ cúng thần linh của mình trong nhiều thế kỷ. Trên dãy Hỏa Sơn, vẫn còn lại những di tích đền tháp Chăm Pa. Thổ Sơn được xem là linh địa của người Chăm, với những mảng phù điêu trên đá...

Vượt qua những bậc đá cheo leo vào tham quan hòn Thủy Sơn, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy văn bia chữ Hán “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc” được dân làng nơi đây khắc vào vách đá động Vân Thông từ năm Tân Tỵ (1641). Dựa vào văn bia người ta biết rằng, nghề đá nơi đây đã phát triển khá lâu khoảng từ 400 năm trước. Ngày đó, các nghệ nhân trong đoàn lưu dân từ Thanh Hóa vào mở đất đã mang theo nghề đá. Các sản phẩm làng nghề xưa chủ yếu là một số dụng cụ lao động và các sản phẩm điêu khắc trang trí tại các nơi thờ tự, lăng tẩm, cung đình…

Trước đây, mỗi ngày danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hàng nghìn du khách đến vãn cảnh và tham quan làng nghề đá mỹ nghệ non nước. Tại đây có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, tập trung chung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn, với gần 4.000 lao động. Hiện diện khắp nơi là những bức tượng đá các loại - sản phẩm của làng nghề non nước mà tục danh xưa gọi là Quán Khái. Đến nơi đây, du khách sẽ được chìm đắm trong thế giới của vô vàn những dòng sản phẩm khác nhau của đá, với vẻ đẹp tinh tế đến từng góc cạnh.

Nhiều thế kỷ trôi qua, những tia sáng mặt trời vẫn ngày ngày chiếu rọi trên vách núi Ngũ Hành Sơn. Ở đó, hòa lẫn trong vẻ kỳ tú của đất trời và tạo hóa là những vẻ đẹp cuộc sống do chính con người làm nên và gìn giữ. Vẫn còn đó những dòng cổ tự mà người thợ đá non nước đã khắc sâu trên vách Thủy Sơn, như nhắc nhớ về lịch sử đáng tự hào của một làng nghề. Ở đó có những người nghệ sĩ đã gắn cả cuộc đời vào tình yêu với đá.