Đến Côn Đảo cùng bảo tồn rùa biển

Vùng biển Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) là sinh cảnh đẻ trứng của loài rùa xanh (còn gọi là vích) và đồi mồi. Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển và đây cũng là một trải nghiệm du lịch hiếm có.

Đến Côn Đảo cùng bảo tồn rùa biển

Với tỷ lệ sống rất thấp, chỉ khoảng 1/1.000, rùa biển là động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới để bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng rùa đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm hơn 85% tổng số rùa đẻ ở khắp các vùng biển Việt Nam. Mùa rùa sinh sản kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, trong đó cao điểm là tháng 7 đến tháng 9, cũng là khi nhiều khách du lịch, tình nguyện viên trong và ngoài nước đến tham gia hỗ trợ quy trình bảo tồn rùa biển.

Quần đảo Côn Đảo có nhiều bãi rùa đẻ trên hòn Bảy Cạnh, Tre Lớn, Tài, Cau ("hòn" nghĩa là đảo)… trong đó hòn Bảy Cạnh thường được du khách lựa chọn đến tham quan, trải nghiệm công việc "đỡ đẻ" cho rùa. Từ đảo chính Côn Sơn, đi ca-nô chừng 30 - 40 phút là tới. Nơi đây không có tiện nghi, du khách sẽ ăn, nghỉ tại Hạt kiểm lâm Bảy Cạnh và được các kiểm lâm viên tiếp đón, hướng dẫn. Chuyến tham quan còn bao gồm khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn bao quanh đảo, lặn ngắm san hô, tìm hiểu kiến thức sinh học về vòng đời rùa biển và giải pháp bảo vệ các sinh vật quý giá của đại dương… Khu bảo tồn có quy định nghiêm ngặt như: phải xin giấy phép (chỉ có hiệu lực trong vòng một ngày - đêm), giới hạn số khách (ban ngày tối đa 48 người, ban đêm tối đa 24 người), chú ý hạn chế ánh sáng và tiếng động mạnh để không làm rùa mẹ sợ hãi bỏ đi…Trong lúc chờ đợi rùa lên bãi đẻ, thường là sau 20 giờ trở đi, du khách có cơ hội đi dạo biển đêm yên tĩnh, hít thở không khí trong lành, quan sát một số loài độc đáo khác như cua xe tăng hay tảo biển, phù du phát quang dưới nước.

Sau khi quan sát rùa đẻ trứng rồi chậm rãi quay về mặt nước, các kiểm lâm viên sẽ hướng dẫn du khách nhẹ nhàng lấy trứng từ hố cát, mang về hồ ấp. Việc di dời này là hết sức cần thiết để góp phần nâng cao tỷ lệ sống sót. Rùa con sẽ nở sau 45 - 55 ngày và được đưa ra bờ cát để thả về biển (vào buổi đêm hoặc tờ mờ sáng, để tránh ánh sáng chói chang làm chúng hỏng thị lực, mất phương hướng). Theo các nhà nghiên cứu khoa học, rùa con có khả năng ghi nhớ hình ảnh và đặc điểm nơi chúng sinh ra, để khi trưởng thành (khoảng 25 - 30 năm sau), rùa biển sẽ quay lại chính nơi chào đời để tiếp tục vòng sinh sản.

Cảm giác được nâng niu những quả trứng mong manh chứa đựng sự sống diệu kỳ bên trong, hoặc khi chứng kiến đàn rùa bé nhỏ hăm hở lao về phía đại dương, chắc hẳn sẽ khiến nhiều người xúc động. Hành trình đặc biệt này đóng góp một nguồn thu không nhỏ cho công tác bảo tồn rùa biển, nhưng quan trọng hơn còn là nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.