Hàng không và du lịch là 2 ngành kinh tế chịu tổn thương nhanh nhất, mạnh nhất trong đại dịch Covid-19, nhưng cũng được coi là “toạ độ” ưu tiên phục hồi và bứt phá trong trạng thái bình thường mới. Chính vì lẽ đó, nhiều quyết sách chưa từng có tiền lệ đã được thảo luận ngay từ năm 2020 với kỳ vọng tạo cơ chế đặc thù đưa hàng không, du lịch trỗi dậy, lan tỏa đến sự phục hồi và phát triển chung của cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự chần chừ trong việc ban hành chính sách, dẫn đến quá trình thực thi thiếu “lửa” quyết tâm, đã khiến cả 2 ngành này không đạt được bùng nổ, bứt tốc như kỳ vọng, vuột mất cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển với Thái Lan, Singapore,…

Khách đông nhưng chưa vội mừng

Chia sẻ với chúng tôi về triển vọng phục hồi, phát triển của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ không giấu được nỗi buồn bã vì nhiều cơ hội đã vuột khỏi tầm tay.

Việt Nam tuyên bố mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, nhưng chính sách visa không nới lỏng tương ứng nên mất luôn cơ hội phục hồi thị trường khách quốc tế, chỉ có thị trường nội địa tăng trưởng mạnh nhờ dỡ bỏ hết rào cản y tế, đi lại,...

Chúng ta tuy đã bắt đúng nhịp, nhưng lại mất cơ hội bừng lên vì độ mở của thị trường quá hẹp, không có đủ không gian cho “độ nén” của thị trường được bật ra hết. Nhìn sang Mỹ và châu Âu, họ mở cửa sớm nên du lịch, hàng không phục hồi rất tốt, ngay cạnh chúng ta cũng thấy khách đi Thái Lan tấp nập rồi
Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel Holdings

Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2022, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách nội địa (kế hoạch cả năm là 60 triệu lượt), 733 nghìn lượt du khách quốc tế, tổng thu đạt 316 nghìn tỷ đồng.

Cả nước có 3.623 doanh nghiệp lữ hành thành lập mới và quay trở lại hoạt động sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, 90% cơ sở lưu trú cũng đã hoạt động trở lại, công suất phòng đạt từ 55% đến 95%.

Ngành hàng không đạt sản lượng gần 66 triệu lượt khách thông qua các sân bay, tăng cao hơn trước thời điểm dịch. Kỷ lục mới cũng được thiết lập khi ngày cao điểm có 414.222 khách bay.

Đà phục hồi nhanh và mãnh liệt vượt ngoài dự báo của thị trường khách nội địa đã giúp nhiều địa phương sớm hoàn thành kế hoạch cả năm về số lượng khách, đồng thời đem lại “sự sống” cho các công ty lữ hành, hãng hàng không nhờ nguồn thu dịch vụ.

Tuy nhiên, khách đông nhưng chưa vội mừng, chính các doanh nghiệp lữ hành, hàng không đánh giá đó chỉ là phồn vinh giả tạo, nếu “siêu âm, bắt mạch” tình hình thị trường và sức khỏe doanh nghiệp sẽ thấy đây là thời điểm “ngấm đòn” trên diện rộng.

Phân khúc đem lại doanh thu chủ đạo cho 2 ngành này là khách du lịch quốc tế chưa thể “phá băng”, thêm vào đó biến động mạnh về giá xăng dầu và tỷ giá khiến các hãng bay thu không đủ bù chi.

Khách du lịch tham quan di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đăng Duy)

Khách du lịch tham quan di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đăng Duy)

Để có dòng tiền, các hãng hàng không sa vào cuộc đua cạnh tranh bán vé dưới giá thành thiếu lành mạnh, có nguy cơ làm méo mó thị trường.

Trong lĩnh vực du lịch, nhiều địa phương, doanh nghiệp giảm giá kịch sàn để thu hút khách nội địa, khiến thị trường quá tải, chất lượng dịch vụ giảm sút. Đã xuất hiện tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, thậm chí “chặt chém” du khách.

Đây là những hiện tượng rất phản cảm mà ngành du lịch phải nỗ lực nhiều năm mới có thể đẩy lùi.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình lo ngại, sự tăng trưởng quá nóng vừa qua có thể gây nên tình trạng hỗn loạn trên thị trường, dẫn đến chất lượng đi xuống, ảnh hưởng đến vị thế của du lịch Việt Nam.

Việc tăng trưởng nóng trở lại sau đại dịch đã bộc lộ điểm yếu cốt tử của du lịch, hàng không Việt Nam về chất lượng dịch vụ và quá tải hạ tầng, đòi hỏi phải tái cơ cấu toàn diện để phù hợp một thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

Nhưng, hơn 2 năm đại dịch đã đẩy phần lớn doanh nghiệp vào tình trạng kiệt sức, khô khát tài chính.

Thực hiện tái cấu trúc có nghĩa cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề, từ chuyển đổi số, đào tạo lại lao động (60-70% lực lượng lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc chuyển nghề khác); đổi mới sản phẩm, dịch vụ…, đòi hỏi chi phí lớn, vượt quá khả năng quản trị của doanh nghiệp.

Khách du lịch tham quan Lăng Khải Đinh, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đăng Duy)

Khách du lịch tham quan Lăng Khải Đinh, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đăng Duy)

Từ chỗ được xác định là “toạ độ phục hồi”, doanh nghiệp ngành du lịch-lữ hành lại dẫn đầu trong danh sách phá sản, rời bỏ thị trường. Nhiều chủ doanh nghiệp chấp nhận buông bỏ, rao bán tài sản.

Ngay cả những doanh nhân năng động, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết như ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng cảm nhận được tinh thần kinh doanh đang sa sút.

“Các doanh nghiệp du lịch cố gắng vận hành trên nền tảng tài chính ít ỏi, như bình oxy chỉ còn đủ để cầm cự. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ ban hành sớm, nhưng thực thi quá chậm khiến doanh nghiệp sống dở, chết dở. Doanh nghiệp rất nản về triển vọng phục hồi và phát triển, không còn tinh thần tiến công vì không ai dám đầu tư hoặc có nguồn lực để đầu tư mới, đón cơ hội”, ông Nguyễn Quốc Kỳ trải lòng.

Thiếu chính sách cho ngành kinh tế mũi nhọn

Là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều chuyên ngành khác như hàng không, thương mại, quản lý thị trường, giao thông vận tải, di sản văn hóa, tài nguyên môi trường, xuất nhập cảnh, quy hoạch,… du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Nghị quyết số 8-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu và giải pháp cụ thể cho phát triển du lịch:

Đến năm 2020, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á…

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngành du lịch đã có bước phát triển đáng khích lệ, năm 2019 đóng góp 9,2% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7%/năm và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã kéo lùi sự phát triển của ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng, cần rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi.

Áp lực cho chặng đường phía trước không chỉ là thực hiện cho được những cơ chế, chính sách chúng ta đã tính toán đối với ngành du lịch trong bối cảnh trước đại dịch mà phải tạo đột phá nhằm lấy lại những gì đã mất trong hơn 2 năm qua.

Đây là thách thức lớn vì ngay trong bối cảnh trước dịch, các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quán triệt đầy đủ tinh thần du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khi thực hiện lộ trình đề ra.

Đơn cử, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch thành lập năm 2018, nhưng Bộ Tài chính phải mất hơn 5 năm mới ban hành thông tư hướng dẫn nội dung và mức chi ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch, làm cơ sở cho Quỹ triển khai hoạt động.

Việc thực hiện cấp visa điện tử, miễn visa để thu hút khách du lịch quốc tế còn chưa thống nhất, vẫn là rào cản phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú du lịch từ trước đến nay vẫn phải chịu giá điện kinh doanh, đến tháng 10/2022, Bộ Công thương xây dựng đề án cải tiến biểu giá điện bán lẻ mới, đề xuất đưa về giá bán điện theo các ngành sản xuất, nhằm giúp các cơ sở lưu trú giảm tiền điện từ 29,9 - 32,8%.

Trong đại dịch, du lịch và hàng không được xác định là ngành có thể đón sóng phục hồi, nên ngay từ cuối năm 2020, nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp thuộc 2 ngành này đã được bàn thảo và ban hành, như chính sách cấp bù lãi suất 2%, cơ cấu lại nợ, hỗ trợ người lao đông thất nghiệp,… nhưng cơ bản vẫn chưa đến doanh nghiệp.

Du lịch, hàng không Thái Lan hay Singapore đều đi trước chúng ta 20-30 năm, sau đại dịch là thời cơ để chúng ta rút ngắn khoảng cách nhưng chính sự chần chừ trong việc ban hành chính sách cùng với sự thiếu quyết tâm trong quá trình thực thi đã khiến cho cả hai ngành này không có được sự bùng nổ như kỳ vọng.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhắc lại câu chuyện tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng cho hãng hàng không Vietnam Airlines được Quốc hội thông qua cuối năm 2020, nhưng phải gần 1 năm sau mới được bơm vốn.

Hiện, vấn đề tái cơ cấu hãng này cũng rất chậm do vướng nhiều nội dung vì Luật 69/2014/QH13 quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh ban hành 8 năm trước.

Đại dịch đã làm thay đổi tất cả, các quốc gia trên thế giới đang phải thích ứng và tự làm mới mình, nếu vẫn đi theo tư duy cũ, không tận dụng được thời cơ thì Việt Nam luôn là người lỡ tàu.

Doanh nghiệp Việt Nam có sức bật rất nhanh trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng bản thân bộ máy nhà nước vẫn dùng tư duy cũ để xử lý vấn đề mới nảy sinh sau đại dịch nên việc hỗ trợ doanh nghiệp không được như kỳ vọng. Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách chưa từng có tiền lệ đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội nhưng hoạt động của các cơ quan thừa hành không theo kịp sự thay đổi khiến các doanh nhân cảm thấy không được chia sẻ.
— — —
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Ngày xuất bản: 24/11/2022
Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Nội dung: Tô Hà, Ánh Tuyết, Việt Hải
Ảnh: Đăng Duy, Tổng Cục Du lịch
Trình bày: Phương Nam