Bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế

Liên kết đào tạo quốc tế vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa tăng vị thế của các trường đại học trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo quốc tế của các trường đại học hiện nay cần đổi mới cho phù hợp thực tế.

Theo Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Phạm Quang Hưng, cả nước hiện có khoảng 192 nghìn sinh viên đang học tập ở nước ngoài, trong đó khoảng 50 nghìn ở Mỹ và bắc châu Mỹ, 40 nghìn ở châu Âu... Mặt khác, số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam là hơn 21 nghìn (chưa tính số sinh viên học theo hình thức trao đổi tín chỉ). Tính trung bình trong 5 năm vừa qua, số sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập tăng khoảng 10%/năm. Tại Việt Nam, hiện có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín nhất tại châu Á và trên thế giới (ba trường thuộc tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS và THE; tám trường thuộc tốp 500 đại học tốt nhất châu Á theo xếp hạng của QS).

Ðáng chú ý, hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều cơ sở giáo dục đại học ở các nước phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Nhờ đó, các trường đại học của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường. Ðây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo đại học trong tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để liên kết đào tạo quốc tế hiệu quả, cần có nhiều giải pháp đổi mới, nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ và bảo đảm minh bạch thông tin trong đào tạo. Theo PGS, TS Ðỗ Văn Dũng (Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh), việc liên kết đào tạo quốc tế giúp các trường học hỏi được rất nhiều về phương pháp quản lý, kiểm định, đánh giá… Tuy nhiên, ở nước ta việc liên kết đào tạo quốc tế cần chú trọng vấn đề ngoại ngữ. Phần lớn các chương trình liên kết quốc tế mất cả năm để đào tạo ngoại ngữ. Nếu không bảo đảm tốt vấn đề ngoại ngữ sẽ không khác nào đi học mà mù chữ. Ðại diện Trường đại học Rmit cho rằng, Bộ GD và ÐT với vai trò quản lý nhà nước cần có những diễn đàn công khai thông tin về liên kết đào tạo quốc tế của các trường. Bảo đảm các trường minh bạch thông tin liên kết quốc tế, không nhập nhèm gây hiểu lầm cho phụ huynh, sinh viên. Ngoài ra, ngành giáo dục cần có tiếng nói để góp phần giải quyết vấn đề các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu; cũng như sinh viên, học viên gặp vướng mắc trong quá trình ra nước ngoài học tập hoặc về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Ðại diện Trường đại học Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, hiện nay có nhiều trường quốc tế đang nhắm tới liên kết đào tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong liên kết đào tạo quốc tế cần chọn đúng đối tác uy tín, thương hiệu, bảo đảm minh bạch về chương trình, cung cấp thông tin rõ ràng.

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, những năm qua, Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài. Chính phủ đã tập trung kiện toàn chính sách cho hoạt động này nên những năm gần đây xu hướng hợp tác và liên kết quốc tế trong giáo dục ngày càng mạnh, xuất hiện nhiều phương thức linh hoạt với mục đích tạo thuận lợi nhất cho người học. Thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình tốt, không phải không có những chương trình chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Thời gian qua, Bộ GD và ÐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng gần 200 chương trình liên kết. Ðáng chú ý, trong số hơn 400 chương trình liên kết quốc tế hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực kinh tế, quản lý. Dư địa để mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… còn rất lớn. Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam. Vì vậy, cần khuyến khích học sinh, sinh viên du học nhưng vẫn cần tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất. Ðiều quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế thật sự chất lượng tại Việt Nam...