Đột phá mạnh mẽ để thích ứng

Chính thức định danh và bước đầu tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế quản lý hiện hành nhằm kiến tạo một khung chính sách có khả năng thúc đẩy sự phát triển và hội nhập thế giới của các ngành công nghiệp văn hóa, sau 5 năm ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thực tế cho thấy, nhiều thách thức và cơ hội đang đòi hỏi những cách tiếp cận mới đối với lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu đến năm 2030 của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là đạt doanh thu khoảng 125 triệu USD. Trong ảnh: Trưng bày sáng tác của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền tại Hà Nội, năm 2020. Ảnh: An Trung
Mục tiêu đến năm 2030 của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là đạt doanh thu khoảng 125 triệu USD. Trong ảnh: Trưng bày sáng tác của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền tại Hà Nội, năm 2020. Ảnh: An Trung

Sự thay đổi về nhận thức và cơ cấu thành phần kinh tế

Báo cáo định kỳ 2016-2019 Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa ghi nhận: Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì sau ba năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP.

Theo nhận định của đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành và vùng kinh tế. Cơ cấu thành phần kinh tế cũng sẽ có sự chuyển dịch thích hợp với quá trình chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp văn hóa. Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. "Sự thành công của thành phố Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với lĩnh vực Thiết kế đã tạo động lực cho một số thành phố của Việt Nam, như Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu, mở rộng và hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO"- PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chiến lược đã góp phần khuyến khích, thúc đẩy nhận thức chung của xã hội về phát triển với tinh thần cộng đồng, tiếp cận những khái niệm mới về nền kinh tế nhân văn, cùng đích đến bền vững cho môi trường sinh thái, môi trường văn hóa. Mô hình doanh nghiệp xã hội chọn sự sáng tạo là cốt lõi phát triển đã góp phần phát triển con người, đặc biệt là các nhóm yếm thế trong xã hội, phụ nữ, người khuyết tật, đồng bào thiểu số... Bên cạnh đó là việc khuyến khích những cách thức mới trong tiếp cận di sản văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là của người trẻ với tư duy thức thời, phù hợp đời sống hiện đại, đem tới nhiều hiệu quả trong thiết kế sản phẩm văn hóa, nâng cao thu nhập của nhân công trong lĩnh vực này.

Thực tiễn đòi hỏi cách tiếp cận mới

Tốc độ phát triển của số hóa trong kỷ nguyên số và đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về thứ tự ưu tiên trong đời sống của con người. Nhu cầu và cách thức tiêu dùng cũng đã thay đổi nhiều, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với nhân công làm việc trong các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Theo báo cáo gần đây của Kepios, một tổ chức độc lập về thống kê người sử dụng các dịch vụ trực tuyến toàn cầu, hiện có 4,95 tỷ người dùng internet, chiếm 62,5% dân số thế giới, người dùng internet toàn cầu "điển hình" hiện dành gần 7 giờ mỗi ngày để sử dụng internet trên tất cả các thiết bị. Cũng theo một báo cáo của tổ chức này, ở Việt Nam, tính đến tháng 1/2022, có 72,1 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 73,2% dân số, trong đó đáng lưu ý là người Việt Nam sử dụng 2 giờ 47 phút dành cho truyền hình, 1 giờ 12 phút cho dịch vụ âm nhạc trực tuyến, 1 giờ 12 phút dành cho các trò chơi trực tuyến; đây là ba lĩnh vực đều thuộc vào công nghiệp văn hóa theo tiêu chí phân loại của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Lâm Tuấn Anh, cán bộ nghiên cứu của VICAS, quá trình chuyển đổi số tạo ra những thay đổi chưa có tiền lệ trong các quan hệ kinh tế-xã hội. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam lại chưa có quy định đầy đủ về các mô hình kinh doanh mới. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp liên quan đến sáng tạo, văn hóa nghệ thuật cũng vấp phải những rào cản tương tự. Chẳng hạn, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật dưới hình thức NFT (một loại tài sản số hiện diện trên công nghệ cơ sở dữ liệu sáng tạo blockchain), hiện chưa được công nhận; các giao dịch đang ngày càng sôi động song lại thiếu đi sự công nhận và kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường. Thực tế này dẫn đến việc nhà nước, doanh nghiệp, thậm chí cả hệ thống pháp luật hiện hành đều cần thay đổi để thích ứng bối cảnh mới.

Cùng với đó, mỗi cá nhân tham gia tiến trình của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đều cần tự nâng cao ý thức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của mình trong bối cảnh mới, góp phần vào việc củng cố và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo một báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng nhân sự thuộc ngành văn hóa đã có sự phát triển mạnh về số lượng, đặc biệt là nhân sự thuộc nhóm sự nghiệp và kinh doanh-nguồn nhân lực chủ yếu phục vụ cho ngành công nghiệp văn hóa nhưng trình độ chuyên môn chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo hạn chế. "Trên thực tế, rất nhiều nhà hát, bảo tàng, nhà trưng bày, triển lãm đều trong tình trạng vắng khách hoặc không phục vụ. Điều này cũng thể hiện phần nào năng lực quản lý và sự nhạy bén thị trường còn kém của nhân sự tại các cơ quan này"-nhận xét của bà Hoàng Thị Thu Thủy, cán bộ nghiên cứu của VICAS.