Đợt điều chỉnh mạnh

Như vậy là sau một thời gian rất dài, VN-Index đã điều chỉnh giảm xuống ngưỡng 1.400 điểm trong phiên 20/4 ngày hôm qua. Điều đáng nói hơn cả là tâm lý của nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã trở nên nặng nề trước việc nhiều phiên liên tiếp VN-Index điều chỉnh giảm hơn 20 điểm. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã lên tiếng trấn an, đồng thời cũng chỉ ra các cơ hội cho các NĐT, nhưng dường như sự căng thẳng vẫn đang ngập tràn.

Điều này thật ra không lạ với những NĐT kỳ cựu, nhưng lại đang khiến những NĐT mới tham gia thị trường trong khoảng hai năm qua (thường được gọi là NĐT F0), có phần lúng túng. Không quá khó để chỉ ra nguyên nhân rằng, trong khoảng thời gian từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới hơn hai năm trước đến nay, trừ giai đoạn đầu điều chỉnh mạnh, thị trường chứng khoán gần như diễn biến theo kiểu cứ mua là thắng, giảm ít, tăng nhiều. Với các NĐT F0, sự trẻ trung xông xáo, thậm chí liều lĩnh, lại tạo ra những khoản lợi nhuận cực lớn. Các NĐT F0 dường như... chưa quen với sự điều chỉnh của thị trường. Ngay cả những NĐT kỳ cựu, do đã “thắng lớn” trong một thời gian dài, dường như cũng quên mất cảm giác của những đợt điều chỉnh giảm mạnh trên thị trường.

Cần nhắc lại rằng, những phiên điều chỉnh với mức độ trăm điểm không có gì lạ, nó cũng đã xuất hiện trong giai đoạn 2018-2019, nghĩa là chỉ mới 3-4 năm trước đây, tất nhiên khi đó nhóm F0 chưa gia nhập thị trường. Theo quy luật chung, trong những đợt điều chỉnh giảm trăm điểm của thị trường, thường con số sẽ không chỉ dừng lại ở mức 100 điểm. Nhìn lại giai đoạn 2018-2019, mức độ điều chỉnh sẽ từ 100, rồi 200, 300 điểm nhưng sẽ đi từng bước 100 điểm/lần. Hiện tượng này rất bình thường, chỉ là NĐT luôn có chiều hướng cho rằng, các đợt điều chỉnh sẽ sớm chấm dứt. Nhưng thực tế, nếu xét về điểm số, VN Index mới chỉ mất khoảng 10% so hơn nửa tháng trước. Như vậy, nếu có tiếp tục mất điểm thêm cũng không bất ngờ.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải, phỏng đoán, nhưng dường như các NĐT quên đi một nguyên nhân quan trọng, đó là thị trường được quyết định bởi cung và cầu và do chính NĐT thực hiện. Nếu ai cũng tiến hành bán tháo, cắt lỗ, thì tất nhiên cung sẽ lấn át cầu và giá sẽ lại giảm. Điểm cũng quan trọng nữa chính là nếu nhiều NĐT đặt cược giá xuống, có thể xảy ra hiện tượng dịch chuyển từ thị trường cơ sở sang short (mở vị thế bán) các hợp đồng tương lai (phái sinh). Điều này khiến cho cổ phiếu bị bán ra và chuyển qua phái sinh. Đó là còn chưa kể, lực bán rất gắt từ khối tự doanh của công ty chứng khoán, cũng góp phần quan trọng vào trạng thái giảm điểm. Như vậy, cần minh định rằng, cung-cầu đang quyết định thị trường và tác động đến tâm lý NĐT, để có động thái phù hợp, thay vì phỏng đoán hoặc nghe theo các tin đồn thất thiệt.