Động lực tạo đột phá về kinh tế-xã hội

Hoạt động khoa học-công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để khoa học-công nghệ là động lực tạo ra tính đột phá trong phát triển kinh tế, cần tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại.
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về phát triển khoa học-công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã gặt hái được những kết quả quan trọng. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao trong giai đoạn 2011-2021, đạt trung bình 35,62%; trong đó, đóng góp của khoa học-công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Cũng trong giai đoạn này, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước. Về tiềm lực khoa học-công nghệ, hiện trên địa bàn thành phố có 236 tổ chức khoa học-công nghệ; 109 trường đại học, cao đẳng; 279 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, sinh học, xây dựng, y tế, cơ, dược, điện-điện tử; 21.210 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học-công nghệ. Thông qua các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đã hình thành hơn 135 nhóm nghiên cứu mạnh. Ðáng chú ý, trình độ công nghệ của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã từng bước được nâng cao và cải thiện qua từng giai đoạn. Cụ thể, nếu trình độ công nghệ của doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2012 đạt mức trung bình chiếm 36%, trung bình tiên tiến chiếm 8% thì đến giai đoạn 2012-2016, trình độ công nghệ của doanh nghiệp đạt mức trung bình chiếm 80%, trung bình tiên tiến chiếm 11%. Giai đoạn 2016-2020, trình độ công nghệ của doanh nghiệp đạt mức trung bình chiếm 75%, trung bình tiên tiến chiếm 13%. Tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị chung của thành phố cũng có sự cải thiện đáng kể, giai đoạn trước năm 2016 là 15%/năm thì giai đoạn 2016-2020 tăng lên 18,85 %/năm...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khoa học-công nghệ của thành phố còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ, đó là, chế độ chính sách để thúc đẩy khoa học-công nghệ phát triển còn bất cập, hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu sự liên kết phối hợp trong đào tạo, xây dựng môi trường sinh thái cho giảng dạy, nghiên cứu, đưa ý tưởng vào sản xuất, kinh doanh. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong thúc đẩy hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ và chặt chẽ. Mối liên kết trong hoạt động khoa học giữa trường, viện và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ và bền vững, nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn... Tiến sĩ Thái Trí Dũng, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn đóng vai trò quan trọng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập để phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách toàn diện. Phát triển nguồn nhân lực phải có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Ðồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, coi đó là yếu tố cơ bản trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội... Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có lực lượng khoa học-kỹ thuật chiếm gần 30% của cả nước. Từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, thành phố đã thành lập Hội đồng Khoa học-kỹ thuật, xây dựng hàng chục chương trình quản lý nghiên cứu khoa học trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng kết quả mang lại còn hạn chế, nhất là nghiên cứu ứng dụng. Lực lượng khoa học-kỹ thuật tuy đông đảo, nhưng việc thu hút đội ngũ chuyên gia có trình độ cao vào hoạt động nghiên cứu khoa học cũng gặp khó khăn. Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất: Thành phố cần thực hiện tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học-công nghệ. Xây dựng các chương trình nghiên cứu mục tiêu trung hạn tùy theo lĩnh vực mà thực tiễn đang đặt ra. Các chương trình nghiên cứu mục tiêu phải mang tính chất nghiên cứu ứng dụng và kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào cuộc sống. Thành phố cần tổ chức hai viện nghiên cứu ứng dụng về kinh tế phát triển và công nghệ. Cụ thể, tổ chức lại Viện nghiên cứu phát triển hiện nay, đầu tư nhân lực tương xứng để thật sự là cơ quan xây dựng chính sách và giải pháp về phát triển thành phố. Xây dựng Viện công nghệ với chức năng hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để cung cấp giải pháp công nghệ trong việc sản xuất công nghiệp hỗ trợ, giúp phát triển các vườn ươm công nghệ. Mạnh dạn tài trợ cho các trường đại học trên địa bàn tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao tiềm lực khoa học của các trường đại học...

Ðến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu chi đầu tư cho khoa học-công nghệ đạt bình quân hơn 1% GRDP trở lên (trong đó chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm từ 65% trở lên); có năm tổ chức khoa học-công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp; kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP của thành phố; tỷ trọng đóng góp vào TFP đạt từ 50% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm trở lên...