Đồng hành cùng người lao động

Sắp vào năm học mới, nhiều nội dung trò chuyện trong gia đình, giữa hàng xóm láng giềng tự dưng xoay vào việc học của các cháu, việc chọn trường, chọn môn học, rồi chuẩn bị sách vở, học phí, tiền xây dựng, tiền quỹ...
0:00 / 0:00
0:00

Nhân đấy lại biết tâm tư của bà chị trong họ là giáo viên ở một vùng không quá xa, không quá sâu nữa, vì trước ở chân núi một thị trấn, đường xấu, heo hút, nay đã thênh thang, phẳng phiu rồi; và dù giáo viên nông thôn, điều kiện tăng thu nhập không như ở vùng trung tâm, nơi đô thị, thì lương, phụ cấp vẫn đầy đủ. Vậy có gì mà đến mức như bà chị kể: Đang muốn xin nghỉ hưu sớm đây!

Thì ra là áp lực công việc ghê quá! Như bà chị dạy học bao năm rồi, cũng sắp đến tuổi hưu rồi, thì còn kêu gì nữa! Nhưng mà cũng thấy oải thật! Họp khá nhiều. Nhiều cuộc thi dành cho học sinh, ngoài thi học sinh giỏi môn nào đó, thì còn thi viết, thi tìm hiểu nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau. Rồi thực tế công tác thì lại còn rất nhiều văn bản hướng dẫn trong việc dạy cần tham khảo, tuân thủ. Lại còn nhiều phát sinh lắm, như đợt dịch, phải học online, các học sinh em có máy, em không, em thì phụ huynh biết hoặc nhờ cài đặt chương trình, em thì chẳng biết xong rồi cũng để đó…, cô, thầy phải đến tận nơi cài cho.

Vài thí dụ nhỏ để thấy rằng nhiều khi sự nhiệt tình, yêu nghề không phải lúc nào cũng giúp người ta vượt qua hết được. Bởi có khi sẵn sàng và hết mình, nhưng khối lượng công việc, số đầu việc, sự chi phối của nhiều việc khác bên cạnh thời gian lên lớp trong một quỹ thời gian có hạn mỗi ngày… vẫn khiến người ta mệt mỏi, “lực bất tòng tâm”. Đây là điểm rất đáng chú ý đối với các nhà quản lý đơn vị, cao hơn là các lãnh đạo bộ, sở, ngành trong việc hiểu thực tế, thực trạng công tác của người lao động, cụ thể như đang nói là các giáo viên trong ngành.

Rồi liên hệ rộng ra, dư luận chẳng đang xôn xao về việc rất nhiều công chức, viên chức xin nghỉ, chuyển việc thời gian qua đó sao! Và trước đó, rộ lên thông tin về nhiều y, bác sĩ cũng xin nghỉ việc. Hiện tượng đó cũng là thực tế đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà xây dựng chính sách của ngành, sớm có những nghiên cứu, khảo sát đối với người lao động về các vấn đề: khối lượng công việc hiện tại, năng lực đáp ứng, chế độ đãi ngộ… Từ đó có những điều chỉnh phù hợp, theo hướng sắp xếp công việc khoa học, cải tiến phương pháp hoạt động, bồi dưỡng năng lực, nâng cao kỹ năng, tăng cường nhân sự và đương nhiên cần chú trọng cả yếu tố lương, thưởng, thù lao… tương xứng hơn. Như thí dụ gần đây, vụ việc có người nhà bệnh nhân gây hấn trong phòng cấp cứu đã khiến cho cơ quan quản lý và một số đơn vị y tế phải rà soát lại quy trình, xiết chặt hơn về an ninh và quan trọng là tìm cách giảm áp lực, giãn độ căng thẳng cho các kíp trực cấp cứu, hồi sức cấp cứu.

Vấn đề tìm hiểu, chia sẻ, đồng hành với người lao động lâu nay luôn được đặt ra với người làm công, ăn lương ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhằm giúp họ an tâm, thuận lợi hơn trong làm việc và cống hiến. Vì vậy, đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, sớm tháo gỡ những bất cập, khó khăn, để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với nghề, giữ ổn định môi trường làm việc và xã hội.