Xuất bản trọn bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam

Xuất bản trọn bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam

TÐBK là sách tra cứu về nhiều lĩnh vực tri thức của nhân loại (tính đến thời điểm công bố). Nó là loại sách có giá trị nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho mọi người, hoặc tra cứu, học tập giảng dạy. Từ điển Bách khoa về cơ bản có rất nhiều đặc điểm của bách khoa thư và bách khoa toàn thư.

Theo cách hiểu như vậy, TÐBK bao chứa trong mình một hàm lượng tri thức khổng lồ mà chắc chắn không có một ai trên thế gian này, dù thông minh và tài giỏi đến mấy, lại có thể biết, hiểu và lưu giữ trong "bộ nhớ" có hạn của mình. Có vai trò quan trọng, nhưng dòng sách công cụ này chưa thật sự phổ biến trong bạn đọc Việt Nam.

Việc biên soạn và xuất bản TÐBK của chúng ta cũng mới được khởi xướng và chú trọng chưa bao lâu (Ban TÐBK ra đời năm 1981, Viện TÐBK thành lập năm 1983, Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn TÐBKVN thành lập năm 1987). Biên soạn bất cứ một cuốn từ điển nào cũng là một vấn đề khó khăn, phức tạp (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), xuất bản lần đầu 1988 phải mất mười năm biên soạn). Một cuốn từ điển tri thức bách khoa còn khó khăn, phức tạp gấp bội phần. Phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí vật chất. Nhưng, vấn đề không chỉ là sự tốn kém.

Ðiều quan trọng cơ bản, có vai trò quyết định là khả năng tổ chức, tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học ở khắp mọi lĩnh vực để thực thi một cách bài bản, hợp lý nhiều công đoạn. Muốn thế, chúng ta phải xuất phát từ một nền tảng lý luận về từ điển học và bách khoa thư học, phải có một cơ sở vật chất, tư liệu và lực lượng nhân sự đủ lớn. Thực tế, Ban biên soạn TÐBKVN (gồm 57 người) đã phải huy động tới 1.200 nhà khoa học của 36 chuyên ngành ở khắp đất nước mới thực hiện được khối lượng công việc cần làm.

Tập cuối cùng này (từ vần T đến vần Z) có dung lượng đồ sộ nhất (trong tổng thể 4.026 trang) và cũng thừa hưởng nhiều kinh nghiệm sau khi xuất bản ba tập trước. Chỉ riêng vần T đã chiếm tới 734 trang, với khoảng hơn bảy nghìn mục từ (trong số 12 nghìn mục từ tập 4).

Tuy nhiên, điều quan tâm bậc nhất đối với độc giả là nội dung, chất lượng của bộ sách; nhất là một cuốn sách công cụ đặc biệt như TÐBK. Tri thức nhân loại là vô cùng, vô tận. Vấn đề là phải chọn lọc thế nào để đưa vào từ điển một cách đầy đủ (nhưng vừa đủ), chính xác, cân đối. Ðiều này đòi hỏi công trình phải được thể hiện theo một hệ thống có cấu trúc chặt chẽ, thống nhất, liên thông theo một chu trình.

Dù chưa thật đạt tới yêu cầu cao về BKTT, nhưng TÐBKVN bước đầu đã thiết lập được một hệ thống bảng từ có chọn lọc, phản ánh đúng bản chất của các bộ môn khoa học và ít nhiều tương thích trong cấu trúc của các tiểu hệ thống. Chẳng hạn, các mục từ thông tin, lý thuyết thông tin, công nghệ tin học, tin học hóa, máy vi tính... đều dựa trên một nền tri thức cơ bản.

Các thuật ngữ không bị thay đổi tên gọi hay giải thích khác  nhau về nội hàm. Các khái niệm mới (hoặc khá mới, cần thiết) được cập nhật: chất xám, kinh tế tri thức, ISO, ISO 9000, ISO 14000, sóng thần, lý thuyết trò chơi..., v.v.

TÐBKVN cũng đặc biệt lưu ý phân biệt các mục từ (ưu tiên/không ưu tiên) bằng việc chú trọng giới thiệu các tri thức liên quan Việt Nam (số lượng và dung lượng). Ðó là một quan điểm đúng, mang tính xã hội hóa và đại chúng hóa. Người đọc dễ dàng nhận ra điều này qua thư mục hướng dẫn ở cuối mỗi tập (và còn được tổng hợp in thành sách dẫn (index) riêng). Ở đó, một loạt các lĩnh vực như lịch sử, địa lý, địa danh, dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục... của Việt Nam được biên soạn rất công phu (có kèm hình ảnh minh họa).