“Vương nữ Mê Linh” đến với khán giả Thủ đô

NDO -

NDĐT- Bấy lâu nay, sân khấu phía bắc thường hiu hắt, không ít vở diễn sau khi dàn dựng xong, diễn vài buổi là “đắp chiếu để đấy” vì …không có khách. Nhưng với “Vương nữ Mê linh” của Nhà hát chèo Hà Nội, bắt đầu công diễn từ 21/9/2013, có thể gọi là một hiện tượng lạ.

Cảnh trong vở "Vương nữ Mê Linh"
Cảnh trong vở "Vương nữ Mê Linh"

Nhà hát Chèo Hà Nội bên cạnh những tác phẩm chèo cổ mang tính bảo tồn di sản văn hóa truyền thống đã có nhiều chương trình chèo thiếu nhi để giới thiệu , truyền bá và giáo dục thế hệ trẻ trong chương trình “sân khấu học đường”.

Thế nhưng, để chèo đi vào công chúng giữa lòng thành phố lớn, phải có một “ngôn ngữ chèo” gần với tiếp nhận của khán giả hôm nay.

Khán giả xưa khác khán giả nay, khi “một thành phần của sân khấu” thay đổi thì vở diễn không thể như cũ.

Bấy lâu nay, sân khấu phía bắc thường hiu hắt, không ít vở diễn sau khi dàn dựng xong, diễn vài buổi là “đắp chiếu để đấy” vì …không có khách. Nhưng với “Vương nữ Mê linh” của Nhà hát chèo Hà Nội, bắt đầu công diễn từ 21/9/2013, có thể gọi là một hiện tượng lạ.

Cho đến hôm nay, Nhà hát đã diễn được 9 buổi và buổi diễn nào cũng gần như kín khán phòng của rạp Đại Nam (89 phố Huế).

Lạ tới mức, CLB nhà báo sân khấu thuộc Hội NSSK VN phải mở một cuộc tọa đàm “ Chèo và khán giả hôm nay qua vở diễn “Vương nữ Mê Linh” gồm các nhà lý luận phê bình, quản lý sân khấu và những nhà báo yêu thích chèo.

Việc một vở diễn được khán giả quan tâm là một ghi nhận đầu tiên khi mà đầu tư cho công trình có hiệu quả, tác phẩm được đón nhận và đi vào đời sống, không như một khu chợ xây xong bỏ hoang vì không ai vào bán và mua vì xa lạ với cộng đồng.

Có thể nói "Vương nữ Mê Linh" là sự kết hợp nhuần nhụy giữa truyền thống và hiện đại. Những trình thức trong chèo truyền thống vẫn là nét chủ đạo của vở diễn. Vẫn hồn cốt của chèo, song tính hiện đại và những tìm tòi mới đã được bổ sung một cách hợp lý.

Là vở diễn lịch sử được dàn dựng nhân kỷ niệm 2000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng, vở chèo "Vương nữ Mê Linh" của tác giả Nhật Linh, được NSƯT Xuân Hanh chuyển thể chèo và do NSUT – đạo diễn Thúy Mùi dàn dựng.

Khí phách anh hùng của Hai Bà Trưng trong việc đánh quân Nam Hán, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất bờ cõi đã đi vào sân khấu qua khá nhiều vở diễn gồm đủ loại hình Tuồng, Chèo, Cải lương và việc Nhà hát Chèo Hà Nội tiếp tục dựng vở về Hai bà Trưng, quả là một sự thách thức. Chuyện “nợ nước thù nhà” của Hai Bà rồi những nhân vật như Thi Sách, Tô Định, ai cũng biết qua lịch sử được học từ nhỏ, nhưng vẫn hút được khán giả, tạo được sự hấp dẫn, trước hết là bởi những tìm tòi nghệ thuật của đạo diễn Thúy Mùi.

Khác với chèo sân đình, Thúy Mùi tìm hình thức sử thi trong dàn dựng với một sân khấu hoành tráng, từ ánh sáng, trang trí đến trang phục. Đạo diễn đưa thêm cả cải lương, tuồng, kịch thơ, thậm chí cả ba lê vào chèo với liều lượng hợp lý, đúng chỗ tạo ra sự đa dạng, phong phú trong một vở diễn rất chèo!

Những lớp như “phá trận đồ”, “kết duyên” giữa Trưng Trắc và Thi Sách…là những lớp sân khấu đẹp. Lớp Trưng Trắc “giả điên” vận dụng từ “Xúy Vân giả dại” của chèo cổ, nhưng bằng múa hiện đại là một sáng tạo bất ngờ của đạo diễn. Tính hiện đại với yếu tố bất ngờ trong kịch nói cũng được vận dụng trong lớp chèo “chuốc rượu mê” hay kế hoạch vờ tan rã để vào rừng sâu nuôi chí lớn che mắt giặc đã làm giàu có thêm cho chèo trước khán giả hiện nay.

Tiết tấu trong "Vương nữ Mê Linh" nhanh, nhưng đạo diễn chọn đúng những điểm nhấn trong hành động của nhân vật, tạo được sự sâu lắng tâm trạng, vốn là đặc trưng của chèo. Lớp chèo “nghe tin chồng hy sinh” của Trưng Trắc là lớp diễn đầy xúc động với tất cả bão tố trong lòng nhân vật. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất dẫn đến chuyện giả điên tạo ra sự thật - giả rất logic và trí tuệ, qua đó, phẩm chất nhân vật được bộc lộ một cách ngọt ngào không khiên cưỡng. Đáng nói thêm là cảnh vợ Sầm Đan gặp lại người Mê Linh giữa hang ổ hùm sói đã tạo đất tốt cho diễn viên thể hiện tâm trạng buồn vui sau trước và từ đó toát lên chân lý: Những con dân nước Việt dù trong hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn cho một giang sơn toàn vẹn.

Điểm đột phá đáng ghi nhận qua "Vương nữ Mê Linh" còn là chuyện…ngoài vở diễn.

Là tác phẩm sẽ tham gia liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, nhưng Nhà hát Chèo Hà nội không nặng bệnh thành tích giành huy chương khi dám giao những vai chính cho lớp diễn viên trẻ. Hai vai nữ chính đầy “gai góc” là Trưng Trắc, Trưng Nhị được giao cho Thục Khánh và Thảo Quyên vốn quen vào vai tiểu thư liễu yếu đào tơ trước đây, quả là thách thức rất lớn đối với những vai diễn trẻ đòi hỏi nhiều công sức tìm tòi luyện tập.

Hai vai nam chính là Thi Sách, Thi Sơn cũng do hai nam diễn viên trẻ đảm nhiệm là Quốc Phòng và Quang Dương đã hút khán giả bằng giọng hát chèo tinh tế và hào sảng. Đây là thái độ phát triển chèo rất đáng trân trọng cũng như đặt niềm tin và tạo điều kiện thể hiện cho lớp trẻ của nhà hát.

Chọn diễn viên gạo cội có kinh nghiệm cho vai chính thì an toàn, nhưng như thế đến bao giờ diễn viên trẻ được cọ xát và bộc lộ, phát huy những khả năng tiềm ẩn ?” Tất nhiên, để giữ nhịp cho toàn bộ tác phẩm, đạo diễn Thúy Mùi đã chọn lớp đàn anh là NSƯT Quốc Anh vào vai Tô Định và NSƯT Đức Thuận vào vai Sầm Đan. Hình như hai lớp diễn viên trẻ-già này đã tạo ra cái duyên của vở diễn với những tìm tòi mới đầy sáng tạo.

"Vương nữ Mê Linh" chắc chắn còn được tiếp tục nâng cao, bổ sung những sáng tạo mới bởi mỗi đêm diễn phải là một sản phẩm, sản phẩm sau phải hơn sản phẩm trước, như NSUT Thúy Mùi tâm sự. Đây là vở diễn công phu, chỉn chu được đông đảo khán giả tìm đến. Tuy “hữu xạ tự nhiên hương” là đáng trọng, nhưng liệu có cần phải xem nhẹ sự quảng bá đến rộng rãi công chúng không, khi mà trong bộn bề cuộc sống hiện nay, không phải ai cũng biết có một vở diễn như thế.

Ít ra, cửa rạp Đại Nam cũng phải rực rỡ hơn với đèn sáng chiếu vào rạp, vào pano như một hình thức thông báo để công chúng đến với sân khấu như đến với ngày hội. Dù sao, đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng khi sân khấu đã bắt đầu đến được với khán giả.

“Vương nữ Mê Linh” đến với khán giả Thủ đô ảnh 1