Vở cải lương “Mai Hắc Đế”: Đầu tư lớn cả về nhân lực và kinh phí

NDO -

NDĐT- Dự kiến mở màn vào lúc 20 giờ tối 27-1 và công diễn suốt ba đêm liên tục đến 29-1 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, vở cải lương “Mai Hắc Đế” hứa hẹn là một tác phẩm sân khấu mới ở thủ pháp dàn dựng và chứa đựng nội dung sâu sắc.

Lễ hội đền Vua Mai tôn vinh người anh hùng dân tộc Mai Hắc Đế tại Nam Đàn (Nghệ An).
Lễ hội đền Vua Mai tôn vinh người anh hùng dân tộc Mai Hắc Đế tại Nam Đàn (Nghệ An).

“Mai Hắc Đế” do PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ sáng tác kịch bản văn học, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên và tập thể nghệ sĩ đoàn biểu diễn I Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng. Phần chuyển thể kịch bản cải lương do tác giả Hoàng Song Việt đảm nhiệm, âm nhạc: NSƯT Trọng Đài, thiết kế mỹ thuật: họa sĩ Doãn Bằng.

Vở cải lương “Mai Hắc Đế”: Đầu tư lớn cả về nhân lực và kinh phí ảnh 1

Chia sẻ về ý tưởng và hành trình sáng tạo kịch bản văn học “Mai Hắc Đế”, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết đây là đề tài mà ông ấp ủ từ lâu, với nhiều cảm xúc và sự thôi thúc từ tình cảm với vùng quê hương Nam Đàn của nhân vật lịch sử. Sự thành công của “Chuyện tình Khau Vai”- tác phẩm đầu tiên của ông được xây dựng thành công trên sân khấu cải lương trước đó cũng là động lực thúc đẩy ông thực hiện kịch bản này. “Sẽ là một vở diễn mà lời thoại, lời ca dễ nghe bởi có nhiều chất thơ. Chúng tôi mong muốn đem đến cho công chúng không chỉ là một thông điệp từ quá khứ, một vở diễn lịch sử mang quan điểm chính thống, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật hướng tới thỏa mãn thị hiếu muôn màu của lớp người xem hôm nay” – nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ bộc bạch.

Vở diễn được đầu tư dàn dựng với kinh phí khá lớn: gần 3 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có khoảng 600 triệu là tiền từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm. Số còn lại do xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cá nhân. “Một phần lớn là do bạn bè góp vào giúp đỡ để vở diễn được dàn dựng ra mắt”- TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết. Trong danh sách các nhà tài trợ, phải kể đến Ngân hàng BIDV, Công ty Hưng Thịnh và nhiều tổ chức, cá nhân khác. Có lẽ, đây cũng là tác phẩm sân khấu với đề tài lịch sử có được nguồn kinh phí xã hội hóa lớn nhất từ trước tới nay.

Vở cải lương “Mai Hắc Đế”: Đầu tư lớn cả về nhân lực và kinh phí ảnh 2

Quy tụ đến hàng trăm người tham gia sáng tạo và dàn dựng từ diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công, vũ công, võ sinh, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, trong đó có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Quang Khải, Minh Lý, Vương Hà… - có thể nói đây cũng là vở diễn “hoành tráng” cả về nhân lực và vật lực. Và do vậy, cũng để tạo ra những nét mới so với những vở sân khấu mang đề tài lịch sử trước đó, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã thực hiện nhiều thủ pháp nghệ thuật mới mang màu sắc đương đại và tạo hiệu quả ấn tượng. Đạo diễn tiết lộ, sân khấu có thể có những đạo cụ khổng lồ, màn hình led… Tuy nhiên, đó không phải là sự “cố tình phung phí” mà sẽ được ứng dụng một cách phù hợp nhất để tái hiện một giai đoạn lịch sử kéo dài và bao trùm nhiều câu chuyện, nhiều số phận nhân vật, đặc biệt là hình tượng ông vua Mai Hắc Đế trong lịch sử dân tộc.

Vở cải lương “Mai Hắc Đế”: Đầu tư lớn cả về nhân lực và kinh phí ảnh 3

Tuy có khá nhiều kinh nghiệm và từng dàn dựng thành công nhiều vở sân khấu đề tài lịch sử, nhưng đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết, “Mai Hắc Đế” vẫn là một thử thách lớn với anh.

Mai Thúc Loan- Mai Hắc Đế là một nhân vật lịch sử sống cách chúng ta hơn 1300 năm. Lịch sử viết về ông không nhiều và rất không đầy đủ. Tuy vậy, người đời sau coi ông là lãnh tụ khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc biết liên kết với các nước lân bang để đánh thắng kẻ thù hung hãn.