Triển lãm “Niệm” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương: Những phận đời Đen – Trắng

NDO -

“Tôi vẽ thiên nhiên, con người trên quê hương đất nước tôi, bằng tất cả tâm thức và lương tri của mình”. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương xúc động chia sẻ, về 12 tác phẩm khổ lớn gây ấn tượng vừa đến với công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô trong triển lãm cá nhân “Niệm” diễn ra từ ngày 24 đến 30/11/2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Niệm 01 – 244cmx366cm, lacquer trên gỗ và sắt.
Niệm 01 – 244cmx366cm, lacquer trên gỗ và sắt.

Ám ảnh với chỉ hai sắc màu đen và trắng, 12 bức tranh khổ lớn mà họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương đã kỳ công lựa chọn từ khoảng 50 sáng tác ra đời trong suốt 2 năm qua cũng chỉ gói gọn trong hai cái tên: hoặc Niệm hoặc Di tản, kèm theo số thứ tự để phân biệt.   

Năm 2020, những mất mát, đau thương cùng những hoang tàn, nghiệt ngã mà đất và người miền trung phải oằn mình gánh chịu sau bão tố, lũ lụt đã thôi thúc ông cùng họa sĩ Yến Năng quyết định phải làm một điều gì đó cho mảnh đất “đòn gánh cong hai đầu” tảo tần gian khó này. Niệm là cái cớ, Niệm là khởi đầu và Niệm cũng trở thành tên cho cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 3 của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, khi người bạn Yến Năng vì một lý do khách quan nên không thể tiếp tục song hành đến cuối chặng đường.

Triển lãm “Niệm” của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Phương: Những phận đời Đen – Trắng -0
Di tản 03 – 244cmx244cm, lacquer trên gỗ và sắt. 

Rồi trong những ngày giam mình miệt mài sáng tác khi dịch bệnh bùng phát, hình ảnh những đoàn người lam lũ và mệt nhoài rời bỏ thành phố phía nam, chiếc xe máy cà tàng gánh gồng cả gia đình cùng vật dụng lại khiến họa sĩ day dứt, trăn trở và thực sự bất an. Bị khốn cùng dồn đuổi, bị nỗi hoảng sợ dịch bệnh đeo bám, những cuộc di tản khỏi mảnh đất “Sài Gòn bao nhớ” ấm áp hào sảng với những nhân dáng phận người khốn khó đã tiếp tục đi vào tranh ông. Những cơ thể người đan xen, chen lấn vào nhau theo ngôn ngữ lập thể - kỷ hà. Ở một số bức, hình hài cụ thể được ẩn đi chỉ để lại những nét hỗn loạn gợi liên tưởng những hình người trong bố cục mang hơi hướng trừu tượng. Như một vòng ôm siết, như một lời sẻ chia đầy yêu thương nhưng cũng rất xót xa thông qua loạt tác phẩm cùng tên Di tản.

Tranh khổ lớn dường như đã “định vị thương hiệu” Nguyễn Ngọc Phương. Đều được ghép từ 2 tới 3 tấm vóc, có vẻ như kích thước lớn cùng cách chọn lựa màu sắc đen-trắng là phương thức biểu đạt tối ưu để chuyển tải những xúc cảm giằng xé trong dòng chảy suy tư trăn trở của người nghệ sĩ, trước những phận người bất hạnh đang trôi dạt giữa dòng đời mà ông đã gặp, đã đồng cảm và yêu thương. Nói như họa sĩ Lý Trực Sơn, “để thực hiện được hội họa của mình, Phương chỉ sử dụng Đen và Trắng, như hai yếu tố Âm và Dương mà khả năng tạo ra phổ định hình và biến hóa hết sức rộng. Xem tranh của Phương, ta thấy ông tập hợp tối đa năng lực nghệ thuật, hợp nhất ý thức với nguồn mạch dồi dào được khai thác bằng trực giác trong cõi vô thức”.

Trái với nền đen được tạo nên từ kỹ thuật sơn mài truyền thống với sơn then trên vóc, phần trắng trong tranh của ông là tổng hòa của đất bùn, rễ cây, đá sỏi được lấy từ chính 2 địa phương Quảng Bình và Quảng Trị trong chuyến đi thực tế sau khi bão lũ quét qua cùng bạc, nhôm được pha trộn theo một tỷ lệ nhất định để bảo đảm độ kết dính và bền vững theo thời gian. Bởi thế, tranh sơn mài trong triển lãm Niệm mang dấu ấn độc đáo, riêng có của Nguyễn Ngọc Phương. Xù xì, thô ráp, lồi lõm và tạo chiều sâu thị giác thú vị, tranh mà gần với tác phẩm điêu khắc, sơn mài mà thoáng trông tưởng chất liệu hợp kim hoặc thép, đá. Họa sĩ chia sẻ, vì không muốn bị gò bó trong cái khuôn mà những bậc thầy sơn mài đi trước đã tạo ra, ông đã dành tới dăm năm để thử nghiệm, tìm tòi một chất liệu phù hợp nhất với thể trạng, tâm thế và cảm xúc sáng tạo của mình mà ông gọi bằng cụm từ “lacquer trên gỗ và sắt”. Thất bại khá nhiều, vứt bỏ cũng không ít, kết quả thu được với Niệm khiến ông thực sự hài lòng.

Lang thang trong không gian đen-trắng của Niệm, người xem sẽ có cảm giác như được ngắm nhìn những tác phẩm của người tiền sử, trên những vòm hang động trong buổi bình minh của loài người. Có vẻ như ông không còn nệ vào kỹ thuật, học thuật hay những nguyên tắc thị giác cơ bản để tìm về bản năng sáng tạo nguyên sơ ban đầu. Như lý giải của họa sĩ Lý Trực Sơn, trước mặt mỗi họa sĩ là rất nhiều trở ngại. Nghề càng cao trở ngại càng lớn. Với các họa sĩ có khuynh hướng trừu tượng càng thấy rõ điều này. Dường như càng giỏi, càng điêu luyện càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì họa sĩ càng dễ sa vào lối mòn, tác phẩm của họ càng lẫn vào khuôn mẫu của các họa sĩ tài năng đi trước. Chính vì thế, “Nguyễn Ngọc Phương chọn cách vượt qua vấn đề nan giải ấy bằng cách lùi. Lùi về nguyên sơ đến tận thời điểm người nguyên thủy thể hiện mình trên vách đá, trong hang động, lùi về tận lúc ý thức về nghệ thuật xuất hiện mà khuôn mẫu và định nghĩa về lĩnh vực này chưa có. Đó là cách tránh làm nghệ thuật thứ sinh, chịu sự ảnh hưởng và chi phối cận thời và hiện thời”.

Sinh năm 1975, Niệm là triển lãm cá nhân thứ ba của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, sau 2 sự kiện 49 ngày 1&2 đều diễn ra vào năm 2018. Người yêu tranh có thể nhận thấy sự nỗ lực tìm tòi không ngừng để không dẫm lại vết chân người đi trước, không lặp lại những dấu ấn nghệ thuật của chính mình, qua từng lần trưng bày. Với ông, “làm nghệ thuật là đi tìm cái chưa biết, học cái mình không biết. Tôi thấy mình hạnh phúc hơn nhiều nghệ sĩ khác, khi họ chỉ lựa chọn vẽ thứ mình đã biết, đã tồn tại rất lâu trong tâm thức của chính mình mà không dám vứt bỏ những gì đã đạt được để tìm lối đi mới”. Lối đi mới, ngôn ngữ biểu đạt mới trong loạt tác phẩm kế tiếp đã được ông hoạch định, ngay khi Niệm vừa hoàn tất. “Làm được hay không thì không dám chắc, nhưng nhất định phải mới mẻ, phải khác biệt”, ông khẳng định chắc nịch, như một lời hứa.

Xin được chúc cho những “mới mẻ, khác biệt” ấy thành công!