Tranh Kiều pháp lam độc bản

NDO -

20 bức tranh chủ đề “Kiều” độc bản lần đầu tiên được chế tác bằng kỹ thuật pháp lam Huế đã được giới thiệu trang trọng tại Cung An Định ngay trong ngày khai mạc Festival Huế 2022. Đây là nỗ lực của một nhóm các nhà đầu tư cùng nhiều nghệ nhân trong quá trình làm sống lại một loại hình nghệ thuật truyền thống Huế ngỡ đã mai một.

Cung An Định ngày khai mạc triển lãm tranh pháp lam Kiều.
Cung An Định ngày khai mạc triển lãm tranh pháp lam Kiều.

Từ một di sản độc đáo của triều Nguyễn

Trong ấn phẩm chuyên đề “pháp lam Huế” của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 3 (2021), nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trong bài viết “Pháp lam Huế - di sản độc đáo của triều Nguyễn” đã giới thiệu những nét đặc trưng cũng như sự hình thành của pháp lam Huế.

Ông viết: “Di sản văn hóa triều Nguyễn để lại trên Kinh đô Huế rất phong phú, trong đó pháp lam Huế là một loại di sản vật thể cung đình độc đáo, chỉ có dưới triều Nguyễn. Hiểu một cách đơn giản, pháp lam Huế là sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt sản phẩm được tráng một lớp men nền, trên lớp men nền là lớp men nhiều màu, trang trí các họa tiết, được đem nung ở nhiệt độ cao để vừa làm tăng giá trị thẩm mỹ, vừa tạo độ bền, có khả năng chống chịu trước sức va đập, hoặc tác động ăn mòn của thời tiết, khí hậu. Sản phẩm pháp lam Huế được dùng để trang trí nội ngoại thất các cung điện, đền tháp quan trọng, hoặc làm vật dụng sinh hoạt trong cung điện triều Nguyễn.

Pháp lam Huế ra đời vào mùa đông năm 1827 dưới thời vua Minh Mạng. Sách Đại Nam thực lục chép việc hằng ngày của các vua, được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, cho biết “năm Minh Mạng thứ 8 (1827), mùa đông, tháng 11... đặt Tượng cục Pháp lam. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam. Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào”. Như vậy, chính người thợ vẽ Vũ Văn Mai ở Sở Nội tạo, nơi sản xuất các vật phẩm cung đình triều Nguyễn, bằng cách nào đó, đã học được nghề sản xuất pháp lam, được vua Minh Mạng cho thành lập tổ chức Tượng cục Pháp lam, với biên chế 15 người, cho phép được tự tuyển thợ để sản xuất vật dụng bằng pháp lam cho triều đình. Vào năm 1810, vua Gia Long đã từng mời 3 người thợ làm gạch ngói giỏi ở Quảng Đông đến Huế giúp triều đình sản xuất gạch ngói lưu ly nhiều màu tại gò Long Thọ (Huế), có khả năng Vũ Văn Mai học nghề qua một trong những người thợ Quảng Đông này đã ở lại Huế, hay một người thợ gốc Quảng Đông đã đến Huế”.

Cũng theo tác giả Nguyễn Xuân Hoa, triều Nguyễn không gọi tên sản phẩm này là “pháp lang” như Trung Hoa mà gọi là “pháp lam”. Việc cải danh này được một số nhà nghiên cứu giải thích vì triều Nguyễn kiêng tên húy của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan hoặc Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan, vợ chính của vua Gia Long (người Huế phát âm từ “lan” giống từ “lang”).

Mặt khác, các nhà nghiên cứu người Pháp là D’Gaide và H. Peyssonneaux (trong bài “Les Tombeaux de Hué, Prince Kiên Thái Vương - Những lăng tẩm ở Huế. Lăng Hoàng tử Kiên Thái Vương” - tạp chí B.A.V.H. - 1925) còn cho rằng “từ “pháp lang” người Trung Hoa dùng để chỉ nước men nhập từ phương Tây là “Fa-lang” tức là “Franc” (ban đầu để chỉ phương Tây, về sau chỉ dùng để gọi nước Pháp), chứ không phải là một từ diễn đạt về ý nghĩa của sản phẩm”.

Pháp lam Huế, theo ông Nguyễn Xuân Hoa, “được sản xuất bởi tổ chức Tượng cục của triều Nguyễn nên sản phẩm mang tính cung đình, chủ yếu dành để phục vụ theo nhu cầu của triều đình. Vì vậy, khác với người Trung Hoa, hay người Nhật và người phương Tây, chỉ xem pháp lang như một loại sản phẩm phục vụ sinh hoạt, hoặc vật dụng thờ tự, hay hàng hóa trang sức, lưu niệm; triều Nguyễn đã sử dụng pháp lam Huế như một loại vật liệu kiến trúc sang trọng để trang trí ngoại thất, nội thất các công trình; đồng thời lại chế tác thành các loại sản phẩm dùng trong sinh hoạt và thờ tự ở hoàng cung”. Từ đó, pháp lam Huế được chia thành 4 loại.

Thứ nhất, pháp lam dùng trong trang trí ngoại thất các cung điện, lăng tẩm, chùa tháp: đây là những sản phẩm cỡ lớn, tạo hình rồng, phượng, hồ lô, bình rượu, hoa lá, phong cảnh, thơ văn, họa tiết trang trí truyền thống... gắn trên các bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm tại các cung điện, lăng tẩm, chùa tháp quốc tự…

Thứ hai, pháp lam trang trí nội thất: phần lớn là những bức hoành phi, câu đối, bình hoa, chóe, liên ba, phần dưới cột nhà…

Thứ ba, pháp lam gia dụng: như khay trà, chén trà, bình trà, bình rượu, đầu hồ, tô, chén, tiềm đựng thức ăn, quả hộp đựng mứt, hộp phấn, ống điếu thuốc lào...

Thứ tư, pháp lam thờ tự: lư hương, quả bồng, chân đế quả bồng, cơi trầu, bình rượu cúng, giá đũa… Các loại pháp lam đồ gia dụng hoặc thờ tự thường được thực hiện một cách tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.

Vẫn trong bài viết trên, tác giả cho biết: “Pháp lam Huế ra đời dưới thời Minh Mạng, phát triển cao dưới thời Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883). Sau thời kỳ kinh đô thất thủ (1885), pháp lam Huế vẫn còn tồn tại với các sản phẩm trang trí trên Điện Ngưng Hy (lăng vua Đồng Khánh), lăng Kiên Thái Vương được xây dựng dưới thời Thành Thái (1889-1907) và nâng cấp dưới thời Khải Định (1916-1925). Và “phải sau thời kỳ vua Khải Định đại trùng tu Điện Ngưng Hy nhiều năm, việc sản xuất pháp lam Huế mới thực sự bị đình trệ và mai một dần. Sau năm 2000, khi nhu cầu tu bổ phục hồi các di tích Cung đình Huế, trong đó có các chi tiết bằng pháp lam, đòi hỏi cần phải nghiên cứu để phục hồi các sản phẩm pháp lam Huế. Một số nhóm chuyên gia đã dày công nghiên cứu chất liệu pháp lam cổ, xây dựng kỹ thuật chế tác, nhằm khôi phục pháp lam Huế trong điều kiện các bí quyết sản xuất đã thất truyền. Kết quả nhóm của Đỗ Hữu Triết đã thực hiện thành công, tạo điều kiện để anh bảo vệ luận án thạc sĩ với đề tài “Phục dựng pháp lam Huế” năm 2005; là cơ sở hình thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Hưng, nơi giữ lửa nghề truyền thống pháp lam Huế. Đây là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất pháp lam Huế; vừa cung cấp sản phẩm pháp lam phục vụ tu bổ các công trình kiến trúc Cung đình Huế, vừa phục vụ nhu cầu của du khách khi đến Huế…”.

Đến tranh Kiều pháp lam

Chính nhóm của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết là tác giả của bộ tranh Kiều độc bản bằng pháp lam với 20 bức, khổ 60x90cm, đã được trưng bày tại Cung An Định cho công chúng Huế và du khách bốn phương thưởng lãm.

Bộ tranh này được thực hiện theo nguyên gốc là tranh minh họa sách Truyện Thúy Kiều do nhà in Ngô Tử Hạ (Hà Nội) ấn hành năm 1925. Tác giả các tranh minh họa này là họa sĩ Mạnh Hưng. Từ các tranh minh họa chỉ với đường nét đen trắng đó, các họa sĩ thuộc Công ty TNHH pháp lam Huế đã đưa màu sắc vào, từ y phục, kiến trúc tới cảnh quan của từng tranh, mỗi bức lại có thơ trích từ Truyện Kiều, dẫn giải hoàn cảnh ra đời của tranh, thí dụ: “Thoắt trông nàng đã chào thưa/Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây” là cảnh Thúy Kiều ngồi trên trướng (khi về làm vợ Từ Hải) còn quỳ dưới trướng là Hoạn Thư - vợ của Thúc Sinh - người đàn bà từng hành hạ Thúy Kiều vì ghen tuông; hay câu: “Cửa trời rộng mở đường mây/ Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần” là cảnh Vương Quan (em Thúy Kiều) và Kim Trọng đi thi, cùng đỗ tiến sĩ một ngày…

Tranh Kiều Pháp lam độc bản -0 3 bức trong bộ tranh pháp lam Kiều 20 bức.

Đưa màu sắc vào và chế tác tranh theo kỹ thuật pháp lam truyền thống chính là sự sáng tạo của nhóm tác giả mà đứng đầu là thạc sĩ Đỗ Hữu Triết. Tất nhiên đây là thử nghiệm đầu tiên nên chắc chắn chưa thể đạt được sự hoàn chỉnh cả về mặt nghệ thuật cũng như kỹ thuật, nhưng là một bước đi rất đáng khích lệ của nhóm tác giả.

Và để có được bộ tranh pháp lam Kiều độc bản, không thể không nói đến tâm huyết của nhóm ông Nguyễn Chí Cư và những người bạn. Họ đã tìm hiểu cặn kẽ về nghệ thuật pháp lam Huế để quyết định đầu tư vốn liếng, thời gian theo đuổi dự án nghệ thuật này, trước hết là một sự đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển một di sản độc đáo của triều Nguyễn nói riêng, Việt Nam nói chung.

Tranh Kiều Pháp lam độc bản -0 Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết với tranh pháp lam Kiều.

Được biết, sau khi được triển lãm tại Cung An Định trong tuần lễ Festival Huế (25-30/6), bộ tranh pháp lam Kiều sẽ được đưa vào Cung Diên Thọ trong Hoàng thành Huế để tiếp tục trưng bày phục vụ công chúng. Sau đó, bộ tranh sẽ được triển lãm tại Khu lưu niệm thi hào Nguyễn Du ở Hà Tĩnh và có thể đến với công chúng ở nhiều địa phương khác trong nước.