Tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa

NDO -

Sáng 12/1, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị-Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Sau 20 năm thực hiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa vô cùng cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Việc tổng kết, đề xuất xem xét sửa đổi Luật Di sản văn hóa là yêu cầu tất yếu, là vấn đề lớn và hệ trọng. Việc đề xuất sửa đổi cần cập nhật những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định về Luật Di sản văn hóa đồng thời kế thừa các nghị quyết chuyên đề của Trung ương và Bộ Chính trị về di sản.

Di sản văn hóa cần phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cơ sở sáng tạo những giá trị mới để giao lưu văn hóa. Cần nâng cao nhận thức và thể chế hóa, bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như tiếp cận ở góc độ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản, để hệ giá trị di tích di sản thực hiện vai trò dẫn dắt, quảng bá, thương hiệu khẳng định hồn cốt dân tộc. Bên cạnh đó, cần tạo ra mối quan hệ tương thích, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa và các bộ luật khác để tạo động lực cho sự phát triển.

Đóng góp ý kiến tham luận, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh. Yên Bái có 126 di tích được xếp hạng trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 714 di sản trong đó 4 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại một số di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt trong khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 (vùng lõi), người dân vẫn đang sinh sống và sản xuất lao động hằng ngày, như khai thác nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà, trồng canh tác lúa trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Việc bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian theo quy định còn có những khó khăn nhất định.

Tỉnh đề nghị Bộ nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh và hướng dẫn chi tiết để địa phương hướng dẫn người dân hoạt động sản xuất trong vùng di tích vừa bảo đảm cuộc sống, vừa bảo vệ nâng cao phát huy giá trị di tích. Đây cũng là thực trạng nhiều địa phương gặp phải, gây ra một số khó khăn trong quản lý và bảo vệ giá trị di tích, di sản.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đã tham luận, đóng góp ý kiến từ góc độ thực tiễn và tiếp cận khoa học chuyên sâu, để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ để nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.