Tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc tại thư viện cổ Triều Nguyễn

NDO -

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, ngày 20/4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa tại không gian Tàng Thơ Lâu (thành phố Huế) - Di tích thư viện cổ dưới thời triều Nguyễn.

Giới thiệu lịch sử hình thành Quốc Sử Quán triều Nguyễn đến các đại biểu, bạn đọc.
Giới thiệu lịch sử hình thành Quốc Sử Quán triều Nguyễn đến các đại biểu, bạn đọc.

Đây là lần đầu tiên Thừa Thiên Huế chọn không gian ý nghĩa này sau khi được trùng tu, tôn tạo di tích này nhằm tôn vinh các giá trị của sách và những người biên soạn, xuất bản, lưu trữ sách, qua đó khẳng định vai trò, vị trí tầm quan trọng của văn hóa đọc. 

Phát biểu khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, cũng là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam. Các hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay cùng tạo nên một bức tranh lớn với nhiều hình thức thể hiện, mang lại không khí tươi mới, giàu sức sống, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần.

Tại không gian Tàng Thơ Lâu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức triển lãm chuyên đề với chủ đề “Quốc Sử Quán triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế”. Đây là hoạt động góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Quốc Sử Quán triều Nguyễn được thành lập vào năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng nhằm biên soạn, lưu trữ và in ấn sách. Suốt 125 năm (1820-1945), Quốc Sử Quán để lại một khối lượng tư liệu đồ sộ và số lượng lớn công trình lịch sử, địa lý quy mô. Đây là cơ quan biên soạn lịch sử lớn, chặt chẽ và thành công nhất trong nền sử học phong kiến Việt Nam. Ngày nay, vị trí Quốc Sử Quán chính là trụ sở Trường PTTH Nguyễn Huệ (thành phố Huế).

Triển lãm trưng bày nhiều văn bản giới thiệu về quá trình hình thành, biên soạn, xuất bản, lưu trữ về các hoạt động của Quốc Sử Quán và hàng chục đầu sách viết về triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xuất bản và được trưng bày, nhằm kết nối dòng chảy quá khứ, qua đó, tôn vinh những người biên soạn, xuất bản và lưu trữ sách. Bên cạnh hình thức trưng bày trực tiếp, triển lãm cũng được thực hiện dưới hình thức online nhằm thuận tiện cho các độc giả, du khách tham quan từ xa.

Nhằm tôn vinh vai trò của sách, người làm sách và phát động văn hóa đọc trong cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế giới thiệu chuỗi hoạt động ý nghĩa như: đọc sách trực tuyến với chủ đề “Tìm hiểu lịch sử-nâng bước tương lai”; giới thiệu tủ sách giáo dục di sản và văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số; triển lãm online về những thành tựu ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, sự kiện tôn vinh sách, văn hóa đọc tại di tích Lầu Tàng Thơ, còn có các hoạt động di sản với học đường qua Hội thi: "Chia sẻ cuốn sách hay" của học sinh trường THPT Nguyễn Huệ. Qua hội thi này, các em học sinh thêm niềm tin yêu sách, tôn vinh văn hóa đọc, bồi đắp kiến thức đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước.

Em Hứa Ngọc Minh Châu, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết, chương trình rất bổ ích giúp em có cơ hội tiếp cận dễ dàng các tư liệu, sách viết về lịch sử Việt Nam.

Minh Châu chia sẻ: “Em cũng có thói quen đọc sách thường xuyên, những loại sách mà em thích đọc là sách về văn học. Em cũng có tìm hiểu một số sách về lịch sử. Em hy vọng, thông qua chương trình sẽ quảng bá văn hóa đọc sách đến tất cả các bạn trẻ cũng như là tìm hiểu thêm về lịch sử của Việt Nam”.

Tại buổi khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; nhà văn, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân và lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tặng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế một số cuốn sách, đầu sách quý về lịch sử, văn hóa Huế dưới triều các vua Nguyễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, cho biết: Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, thư viện, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập, nhất là trong thời đại công nghệ số.

Theo ông Bình, Ngày sách và Văn hóa đọc hằng năm đã được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, hướng tới mục đích thu hẹp khoảng cách hưởng thụ về thông tin, tri thức, từ đó nâng cao văn hóa đọc của mỗi người. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách, khuyến khích việc đọc sách trong cộng đồng, xây dựng tủ sách Huế là kho tàng tri thức với những giá trị văn hóa Huế. Đây cũng là dịp tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, sưu tầm và các tổ chức có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc. Để mỗi hệ thống tủ sách của gia đình, dòng họ, lớp học, thư viện là một kho tàng tri thức trong việc đọc sách, viết sách, lưu giữ sách và quảng bá sách.

“Thông qua các hoạt động này cũng là dịp Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế giới thiệu đến với bạn đọc những sách cổ, sách quý đã được lưu giữ, bảo quản rất công phu từ văn hóa của Triều Nguyễn, văn hóa Huế. Đây là hình thức giới thiệu cho giới trẻ được tiếp cận những văn hóa truyền thống, văn hóa về vùng đất về con người của Thừa Thiên Huế”, ông Bình nói.