Tinh hoa nghề thêu truyền thống: Gìn giữ và lan tỏa

NDO -

NDĐT - Khởi đầu từ những cặp gối thêu chữ lồng dành cho các đôi uyên ương, hay chiếc khăn tay gửi nhớ gửi thương với hình ảnh đôi chim bồ câu chung thủy… những sản phẩm thêu tay truyền thống của Tân Mỹ cứ thế từng bước được hoàn thiện hơn và ngày càng nhận được sự yêu mến của đông đảo khách hàng trong, ngoài nước.

Các thợ thêu trẻ của Tân Mỹ Design thao tác trên vải.
Các thợ thêu trẻ của Tân Mỹ Design thao tác trên vải.

Bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về nghề thêu tay truyền thống trên đất Hà thành nghìn năm văn hiến, chúng tôi được những người trong nghề giới thiệu đến cơ sở Tân Mỹ Design (61 Hàng Gai, Hà Nội). Bước vào ngôi nhà ba tầng với tổng diện tích rộng chừng một nghìn mét vuông ngập tràn ánh sáng, chúng tôi cảm giác như lạc vào một thế giới đầy màu sắc với vô vàn những họa tiết thêu tinh xảo, từ những chi tiết thêu tay trên chăn, ga, gối, quần áo, túi xách tới những chiếc khăn quàng cổ nhỏ xinh hay những vật phẩm được dùng làm quà lưu niệm. Tất cả đều toát lên sự khéo léo, tài tình và cẩn trọng của người thợ thêu.

Ít ai biết rằng, nơi đây vốn xuất phát điểm từ cửa hàng thêu tay nhỏ mang tên Tân Mỹ, nằm nép mình trên con phố sầm uất của Hà Nội, được cụ bà Bạch Thị Ngải thành lập từ năm 1969. Bà Đỗ Thanh Hương, thế hệ kinh doanh thứ hai của Tân Mỹ không khỏi bồi hồi khi nhớ về người mẹ quá cố: “Mẹ tôi, cụ Bạch Thị Ngải vốn là nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc. Là người khéo tay, giỏi may vá, thêu thùa, lại phải cáng đáng gia đình trong thời kỳ rất đỗi khó khăn nên cụ đã mạnh dạn mở cửa hàng thêu tay Tân Mỹ. Đây là một trong những cửa hàng thêu tay truyền thống đâu tiên của phố cổ Hà Nội. Tân nghĩa là “mới”, Mỹ nghĩa là “đẹp”. Đặt tên này, mẹ tôi mong sản phẩm thêu tay của cửa hàng lúc nào cũng phải đẹp và hoàn hảo nhất khi đến tay khách hàng”.

Bà Hương cho biết, cụ Bạch Thị Ngải dù không ngày nào được học về kinh doanh nhưng lại rất nhạy cảm với thị trường. Khởi điểm chỉ là thêu chữ cái lồng vào những chiếc gối, hay khăn tay để làm quà lưu niệm, sau đó mẫu thêu của Tân Mỹ còn xuất hiện trên những chiếc áo sơ sinh, chăn, ga giường, ví cầm tay… Cụ là người đã truyền cảm hứng về nghề thêu tay truyền thống cho con gái mình và tới khi cửa hàng phát triển, cũng chính cụ Ngải là người giục con đăng ký bản quyền nhãn hiệu, điều mà ở thời điểm đó ít ai nghĩ tới.

“Nhiều người cho rằng, thêu tay chỉ là sự chép lại một mẫu mã có sẵn, ít tính sáng tạo nhưng mẹ tôi và gia đình tôi không nghĩ vậy. Với chúng tôi, mỗi sản phẩm thêu còn chứa đựng cả tâm huyết và tình cảm của người thêu nên chúng. Mẹ là người thầy nghiêm khắc nhất với tôi. Khi còn sống, không chỉ cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ, mẹ tôi còn thường xuyên trò chuyện, trao đổi với khách để nắm bắt tâm lý, thị hiếu của khách, từ đó hoàn thiện sản phẩm của mình. Đến nay, gia đình tôi vẫn duy trì cách làm này”, bà Hương kể lại.

Và có lẽ chính nhờ sự nghiêm khắc ấy mà tình yêu với nghề thêu tay truyền thống đã được nuôi dưỡng ở Tân Mỹ qua nhiều thế hệ. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, chị Nguyễn Thùy Linh, cháu ngoại cụ Ngải - thế hệ kinh doanh thứ ba của Tân Mỹ đã thành lập Tân Mỹ Design năm 2009, nhằm quảng bá tốt hơn nghệ thuật thêu truyền thống của gia đình nói riêng, Việt Nam nói chung tới bạn bè thế giới. Không chỉ là các sản phẩm thêu, cửa hàng còn là nơi tôn vinh những sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo phong cách các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt tất cả các mẫu từ họa tiết thêu tới đồ trang sức, nội thất… đều được thiết kế riêng.

Chị Nguyễn Thùy Linh cho biết: “Duy trì thương hiệu qua ba thế hệ, đối mặt với không ít khó khăn từ sự biến động của thị trường nhưng Tân Mỹ Design vẫn cố gắng duy trì chất lượng sản phẩm tốt nhất, bảo đảm mọi sản phẩm đều phải thực hiện bằng phương pháp thủ công bởi những người thợ giàu kinh nghiệm”. Hiện nay, Tân Mỹ Design thu hút 500 thợ thêu làm việc. Sử dụng các chất liệu chính là lanh, lụa với độ trơn và mỏng nên đòi hỏi thợ thêu phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Chị Linh cho biết thêm, để thực hiện sản phẩm thêu đơn giản tại đây, trung bình mỗi người thợ phải mất hai tuần để hoàn thành. Với những sản phẩm phức tạp hơn như tranh thêu, người thợ phải mất vài tháng, thậm chí cả năm…

Nhờ sự tinh xảo, tinh tế trong từng sản phẩm, Tân Mỹ Design đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều khách trong, ngoài nước. Chị Linh cho biết, có khoảng 80% là khách quốc tế yêu thích những sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Đây cũng là nơi vinh dự được đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, các đại sứ, thành viên hoàng tộc các nước tới tham quan, mua sản phẩm. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tới thăm Tân Mỹ Design vào tháng 7-2015, Bộ trưởng Ngoại giao Australia cũng đã tới vào tháng 2-2014… Mới đây nhất, ngày 8-11, Tân Mỹ Design vinh dự tiếp đón Tổng thống Chi-lê tới tham quan, mua hàng.

Tinh hoa nghề thêu truyền thống: Gìn giữ và lan tỏa ảnh 1

Tổng thống Chi-lê Michelle Bachelet, tới thăm Tân Mỹ Design, ngày 8-11.

Đại diện kinh doanh thế hệ thứ ba bày tỏ, chị đang tính đến việc mở rộng thương hiệu, đưa sản phẩm của gia đình phát triển qua kênh thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật thêu tay truyền thống của Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Ngày 14-11, Sở Du lịch TP Hà Nội chính thức trao chứng nhận cơ sở kinh doanh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho Tân Mỹ Design, với mong muốn nơi đây sẽ trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn dành cho du khách khi đến Thủ đô Hà Nội, qua đó hiểu hơn về nghệ thuật thêu truyền thống Việt Nam.

Bà Đặng Hương Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội khẳng định: “Với vị trí thuận lợi, không gian rộng, nghệ thuật sắp đặt hài hòa, tinh tế tạo sự độc đáo, mới lạ về các giá trị truyền thống trên mỗi sản phẩm, tôi tin rằng, Tân Mỹ Design sẽ trở thành điểm đến thu hút, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách trong nước và quốc tế”.