Tiếng gió lành của trẻ em

Hóa thành ngọn gió lành xào xạc bên tai người có tầm ảnh hưởng xã hội; tưởng tượng mình là tảng băng tách ra từ Bắc Cực và trôi vô định trên biển; mượn lời chúa sơn lâm ngơ ngác trước cánh rừng trơ trụi..., đó là cách thiếu nhi Việt Nam thể hiện quan điểm của mình về vấn đề môi trường qua Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 (năm 2022) với chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”.

Ban tổ chức trao giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 cho em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội). (Ảnh Thùy Dương)
Ban tổ chức trao giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 cho em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội). (Ảnh Thùy Dương)

Đã bước sang lần thứ 34 Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức ở Việt Nam với sự phối hợp của các bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 được phát động trong các trường học trên cả nước từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 với gần một triệu bức thư dự thi của các em học sinh ở 62 tỉnh, thành phố dự thi. Ban Tổ chức đã chọn được 100 bức đặc sắc để trao: 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 30 giải khuyến khích, 61 giải Cây bút triển vọng; 2 giải dành cho các thí sinh là người khuyết tật.

Vấn đề môi trường là chủ đề quen thuộc qua các cuộc thi viết thư quốc tế UPU trước đây. Các em dễ dàng tiếp cận kho tư liệu tưởng như vô tận về khủng hoảng khí hậu mà gần như tất cả mọi người cùng quan tâm. Nhưng đó cũng là cái khó để trong gần một triệu bức thư, chọn một bức nổi bật lên để trao giải cao nhất của cuộc thi viết ở Việt Nam và mang đi dự thi toàn cầu. Em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1 (Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội) đã làm được điều này nhờ ý tưởng độc đáo-tự nhận mình là ngọn gió lành bé nhỏ thổi tới đất nước Canada để thầm thì thuyết phục nghệ sĩ dương cầm tài ba Đặng Thái Sơn dùng âm nhạc và ảnh hưởng của mình lên tiếng bảo vệ môi trường.

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn rất xúc động trước lời đề nghị thiết tha qua giọng văn trong trẻo và thấm đẫm tính nhân văn của cậu học sinh có dáng người thanh mảnh. Bình Nguyên cho biết, em cũng học dương cầm cho nên em hiểu được “sức mạnh mềm” của âm nhạc. Em hy vọng người nghệ sĩ tài hoa mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm họa thiên nhiên mà ngọn gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến.

Trong con mắt hồn nhiên của các học sinh Việt Nam, “người có tầm ảnh hưởng” rất đa dạng, đó là Tổng Thư ký Liên hợp quốc, hay Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh COP 26, lãnh đạo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ động vật hoang dã, lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, các bộ trưởng, nhà khoa học, tỷ phú của Việt Nam và nước ngoài…

Bùi Quang Khánh, học sinh lớp 8A8 (Trường THCS Hồng Bàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bị khiếm thị, là một trong hai thí sinh khuyết tật được trao giải Đồng hành lần này. Năm trước, em cũng được nhận giải Cây bút triển vọng. Khánh tâm sự: “Em không nhìn thấy được nhưng em tưởng tượng ra thảm họa khí hậu thật khủng khiếp, giống như em rơi xuống biển mà không biết bơi. Nội dung bức thư của em là kêu gọi chống rác thải nhựa. Em “nhìn thấy” đại dương đang ô nhiễm trầm trọng theo cách của mình”.

Em Vàng Thị Khau ở Trường THCS Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) cũng như các học sinh khác ở vùng cao có cách nhìn trực diện về thảm họa biến đổi khí hậu. Em cho biết: Nạn phá rừng, sự biến đổi khí hậu làm cho quê em bị lũ quét, sạt lở đất nhiều hơn, người dân quê em càng thêm khó khăn. Khau đã viết thư cho ca sĩ Hà Anh Tuấn, đề nghị anh quyên góp đầu tư thêm một dự án trồng rừng ở huyện Mèo Vạc.

 Cô giáo Nguyễn Thị Thanh tự hào về thành tích đoạt giải ba cá nhân của em Vàng Thị Khau cũng như giải ba tập thể của Trường THCS Giàng Chu Phìn: Nhiều học sinh của chúng tôi hăng hái tham gia cuộc thi. Nhưng do cách nghĩ của các em rất đơn giản, việc thể hiện ý tưởng cũng quá ngây thơ cho nên chỉ có bức thư của em Khau “đạt chuẩn” để gửi đi dự thi. Chúng tôi rất vui vì lá thư duy nhất của Khau được chấm giải ba, mang vinh dự về cho ngôi trường ở tít vùng sâu, vùng xa.

Tiến sĩ Lương Quang Huy (Văn phòng Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu) cho biết: Dù các em biến hóa thành tảng băng, ngọn gió, quả đất, động vật hoang dã... để chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường theo cách của mình, nhưng giải pháp mà các em đưa ra không có gì là thiếu tính khả thi, khi những người có tầm ảnh hưởng mà các em đã gửi gắm “tâm thư” nghiêm túc đón nhận, trân trọng tấm lòng của các em. Các chính khách hay các nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội... đều có cách của mình để góp phần giải quyết vấn đề chung của nhân loại-bảo vệ hành tinh xanh.