Sức bật của những cây viết trẻ trong năm 2019

NDO -

NDĐT – Năm 2019 ghi dấu ấn về sức viết của nhiều nhà văn, tác giả trẻ. Có nhiều tác giả ra mắt đến 3-4 tác phẩm trong năm qua, và vẫn không ngừng ghi chép, tìm tòi để tiếp tục nung nấu những sản phẩm mới. Dường như viết lách là nguồn sống không bao giờ ngừng chảy bên trong họ.

Nhà văn Di Li trong buổi ra mắt bộ đôi sách ẩm thực tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà văn Di Li trong buổi ra mắt bộ đôi sách ẩm thực tại thành phố Hồ Chí Minh.

Di Li là một trong những cái tên hàng đầu của những tác giả trẻ chăm đi và chăm viết nhất hiện nay. Di Li đi liên tục, viết liên tục, và ra sách cũng liên tục. Có những lúc, chị ra liền một lúc hai cuốn sách. Sách tiếng Việt chưa đủ, chị ra mắt cả sách bằng tiếng Hà Lan, do một nhà văn Hà Lan dịch. Viết truyện ngắn, dịch truyện , dịch và viết tiểu thuyết, viết sách trinh thám, tản văn… mảng văn học dường như chưa thể là đủ với nữ nhà văn, và thế là chị dấn thân sang viết sách du ký, sách PR, giáo trình tiếng Anh thương mại, và gần đây là cả sách về ẩm thực.

Là người đi nhiều, viết nhiều, Di Li không ngừng tích lũy và không ngừng viết cho dù chị là người vô cùng bận rộn với công việc dịch sách, giảng dạy ở trường… Có những năm chị “trốn” Tết ở nhà để ra nước ngoài cả tháng tích lũy tư liệu cho một cuốn sách mà mình ấp ủ. Hằng ngày, chị dành khoảng thời gian hiếm hoi của mình để viết mọi lúc, mọi nơi, và những ghi chép đó đã trở thành những chi tiết đắt giá, được bạn đọc yêu thích trong các cuốn sách của chị.

Tháng 11 vừa qua, Di Li đã làm ngạc nhiên những người yêu thích sách của chị bằng việc ra mắt một lúc hai tác phẩm văn học ẩm thực: “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng trái đất uống một chén trà”. Đây là hai cuốn sách ghi lại những món ăn, thức uống ở những vùng đất mà chị đã đặt chân qua, từ bắc vào nam, từ rừng xuống biển, từ Việt Nam ra thế giới. Điều đặc biệt, không giống những sách ẩm thực hay du ký thông thường, ở bộ đôi sách ẩm thực này, Di Li viết bằng những cảm nhận thẳng thắn của mình, viết bằng cả những hoài niệm của tuổi thơ, của quá khứ. Tính cả bộ đôi sách ẩm thực này, Di Li đã có trong tay khoảng trên dưới 20 đầu sách ở các thể loại.

Sức bật của những cây viết trẻ trong năm 2019 ảnh 1

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai.

Giống như Di Li, Lữ Mai (hiện đang công tác tại ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân Dân) là một nữ tác giả rất chịu khó ra mắt sách. Từ đầu năm 2019 đến nay, tính cả các tác phẩm tái bản, Lữ Mai đã có tới năm đầu sách được in. Đầu năm 2019, NXB Văn học tái bản cuốn “Hà Nội không vội được đâu” của chị, liền ngay sau đó là tập truyện ngắn “Linh Hồ” tập hợp 16 truyện ngắn từng in trong các tờ báo, tạp chí Văn nghệ Quân đội, Sông Hương, Văn nghệ Công an.

Tháng 9, Lữ Mai giới thiệu tập tản văn – sách ảnh “Nơi đầu sóng” với những câu chuyện, những cảm nhận về khung cảnh, con người trong chuyến đi công tác Trường Sa cùng những tấm ảnh chụp Trường Sa rất đẹp của kỹ sư Trần Thành, tác giả của nhiều công trình khoa học kỹ thuật phục vụ cuộc sống của các chiến sĩ ngoài hải đảo, trong đó có công trình máy lọc nước biển thành nước ngọt. Cuốn sách ra mắt bạn đọc vào đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh 2019.

Lữ Mai cũng là người biết chắt chiu, nuôi dưỡng cảm xúc. Từ chuyến đi Trường Sa đó, chỉ bốn tháng sau, Lữ Mai tiếp tục cho ra mắt cuốn “Mắt trùng khơi”, là những câu chuyện nối dài đầy xúc động về những ánh mắt của thủy thủ, của chiến sĩ hải quân, của người dân trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, của những ngọn hải đăng – mắt biển khơi. “Mắt trùng khơi” cũng được tiếp nguồn cảm xúc từ những bức ảnh của kỹ sư Trần Thành. Và hai cuốn sách đầy cảm động về Trường Sa này là khởi đầu cho những dự định đầy tốt đẹp của hai tác giả, cùng NXB Văn học và CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương.

Sức bật của những cây viết trẻ trong năm 2019 ảnh 2

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng.

Nguyễn Quang Hưng cũng là một cây viết trẻ, hiện đang bận rộn với công việc ở Ban Thời Nay, báo Nhân Dân, nhưng gần như năm nào Hưng cũng ra mắt sách thơ và tản văn. Năm 2019, vào tháng 5, Quang Hưng giới thiệu tập tản văn về Hà Nội “Nối những vệt không gian”, những bài viết mang màu sắc u hoài, thương nhớ về quá khứ của một thành phố hiện đại nhưng vẫn mang nhiều giá trị cổ xưa. Quang Hưng quan sát tỉ mỉ, ghi lại những chi tiết mà nhiều khi những người sống ở Hà Nội lâu năm cũng không để ý. Tản văn của Quang Hưng – đậm chất của một nhà báo: đau đáu về những giá trị tốt đẹp cổ xưa đang bị mai một dần đi, và cũng đậm chất của một nhà thơ: như một sự nối dài của thơ, thơ được thể hiện bằng một giọng văn xuôi đầy chất trữ tình và lãng mạn.

Nếu như năm 2018, Nguyễn Quang Hưng cho ra mắt “Năm tháng mặt người”, cuốn tản văn nhỏ xinh chứa những ký ức của mình, của gia đình, những hoài niệm xưa cũ, thì năm 2019, anh đã cho ra hai cuốn tản văn và thơ. “Nối những vệt không gian” ra mắt cùng “Hà Nội không vội được đâu” của Lữ Mai và “Gió ngũ sắc”, tập thơ ra mắt đúng mùa Vu Lan mang màu sắc liêu trai một chút nhưng vẫn chất chứa những trăn trở về một vùng văn hóa, về những ký ức văn hóa, với những âm thanh, màu sắc từ một nghệ nhân chèo, một sợi chỉ thêu, một cái nhìn lưng núi, những bông hoa trên ban công một người chăm hoa đã khuất, một tiếng trẻ thơ gọi rồng trong thành cổ…

Những người viết trẻ, với sức nghĩ, sức sáng tạo mạnh mẽ, với những góc nhìn độc đáo về muôn màu cuộc sống, chính họ đã và đang nối tiếp những mạch sống mạnh mẽ cho văn học hiện nay, và đưa văn học đến gần với giới trẻ hơn qua lăng kính của mình.