Sôi động thị trường tranh, tượng con giáp Nhâm Dần

Thời gian cận kề Tết Nguyên đán hằng năm thường là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ trên mọi miền đất nước giới thiệu đến công chúng những tác phẩm nghệ thuật tranh, tượng về con giáp của năm mới. Cũng không ngoài thông lệ đó, Tết Nhâm Dần năm nay dường như đã sớm sôi động từ cả tháng trước với nhiều ý tưởng sáng tạo về chủ đề hổ được khởi động.

Xưởng gốm sản xuất Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 của Tập đoàn Gia Tộc Việt. Ảnh: TỐ LINH
Xưởng gốm sản xuất Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 của Tập đoàn Gia Tộc Việt. Ảnh: TỐ LINH

Cuối năm, các lò gốm ở Bát Tràng luôn đỏ lửa và trên đường làng nhộn nhịp người mua, bán. Các nghệ nhân, nghệ sĩ và thợ gốm ở các xưởng tất bật ngày đêm để kịp hoàn thành sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng Tết, vui Xuân của mọi người. Bên cạnh các sản phẩm ấm, chén, bình hoa, tranh gốm truyền thống, không thể thiếu được những sản phẩm kỳ linh con giáp. Có thể thấy tràn ngập trong các xưởng và cửa hàng là những mẫu tượng hổ đủ loại dáng, đa dạng về chất liệu. Có những mẫu mang tính đại trà kiểu mẫu hổ gốm tiết kiệm được vẽ cách điệu, thân thiện, hiền hậu và có cả những mẫu tượng hổ to, nhỏ các loại được thiết kế cầu kỳ, công phu, mang tính độc bản giúp cho bộ sưu tập linh vật năm nay khá phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, kích thước vẫn thể hiện được những đường nét sức mạnh và vẻ quyền uy lẫm liệt của “chúa sơn lâm”.

Nâng niu trên tay mẫu Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 vừa mới ra lò, anh Nguyễn Văn Lực ở Tập đoàn gốm Gia Tộc Việt rất vui và tự hào khi sản phẩm đã đạt tới độ hoàn chỉnh như ý. Anh Lực cho biết, đã sáu năm nay, anh cùng các nghệ nhân lên ý tưởng sáng tác và thực hiện những mẫu kỳ linh con giáp. Nghe tưởng đơn giản, nhưng thực ra khá vất vả, nhất là ở khâu lựa chọn ý tưởng sao cho mỗi kỳ linh phải toát lên đầy đủ ý nghĩa và cả “tính cách” của từng con giáp, bảo đảm sao cho thuận theo ngũ hành bản mệnh là Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ.

Sôi động thị trường tranh, tượng con giáp Nhâm Dần -0
 Anh Nguyễn Văn Lực, người thể hiện ý tưởng và tham gia thiết kế mẫu Kỳ Linh Nhâm Dần 2022.

Sau bốn tháng nghiên cứu qua các tư liệu văn hóa, lịch sử của dân tộc, anh và các nghệ nhân quyết định chọn tinh thần bộ sưu tập Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 là “bất khả chiến bại” với hình tượng thể hiện từ cảm hứng của anh hùng nông dân khởi nghĩa chống thực dân Pháp Hoàng Hoa Thám được nhân dân suy tôn, tụng ca là “Hùm thiêng Yên Thế”. Với tinh thần này, Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 là sự kế thừa tinh thần thượng võ và lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc, nhằm khơi dậy lòng tự hào, ý chí kiên cường và quyết tâm vươn lên đưa Việt Nam trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á.

Từ những mẫu kỳ linh ban đầu, qua nhiều lần sửa đổi và góp ý của các họa sĩ, nghệ nhân, Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 của Gia Tộc Việt mới hoàn thiện bản vẽ thiết kế mẫu và do nghệ nhân Vương Thế Cường trực tiếp chế tác. Mẫu tượng được chọn sau đó còn trải qua các công đoạn như đổ khuôn, chọn men và nguyên liệu để luyện gốm kéo dài trong vài tháng. Kỳ Linh Nhâm Dần 2022 cao khoảng 18 cm, dài hơn 20 cm, có tên gọi “Uy dũng vô song” thể hiện hình tượng hổ gầm đứng vươn mình trên vựa mây cuộn sóng được tạo tác với hoa văn và mầu sắc đặc sắc... Từng đường nét, chi tiết nhỏ nhất trên cơ thể hổ được nghệ nhân vẽ rất tỉ mỉ, toát lên khí chất, thần thái của một linh vật biểu tượng cho năm.

Sôi động thị trường tranh, tượng con giáp Nhâm Dần -0
 Nghệ nhân Vương Thế Cường đang chế tác tượng gốm Kỳ Linh Nhâm Dần 2022.

Theo nghệ nhân Vương Thế Cường, có những mẫu tượng kỳ linh được khách đặt riêng rất kỹ lưỡng, thậm chí phải mời các nghệ nhân bên Kiêu Kỵ sang dát vàng khi hoàn tất sản phẩm. Ngoài tượng kỳ linh con giáp, Gia Tộc Việt còn có phiên bản tranh gốm “Bách chiến, bách thắng” với hình ảnh hai chú hổ uy phong nối đuôi nhau, mang ngụ ý thể hiện mối quan hệ hợp tác song phương, hòa hợp, cùng chung chí hướng, với khát vọng chinh phục đỉnh cao của sự thành công.

Một sản phẩm con giáp của Bát Tràng không kém phần nổi bật về độ sang trọng, quý phái là mẫu tượng hổ vàng của xưởng gốm Dương Yến. Nghệ nhân Nguyễn Thùy Dương, chủ xưởng gốm cho biết: “Để có được tượng gốm hổ vàng, tôi đã phải mất mấy tháng để thiết kế mẫu, từ lên ý tưởng, thiết kế 3D, in 3D, rồi ra khuôn đúc, rồi mới tùy theo đó mà đúc đồng hay làm gốm để mạ hoặc tráng men”. Điểm độc đáo của tượng con giáp hổ vàng là độ tinh xảo trong nghệ thuật chế tác, tạo ra những sản phẩm sống động với nhiều kiểu dáng khác nhau, mang dáng dấp oai phong lẫm liệt và vững chắc, tượng trưng ý nghĩa bảo vệ bình an, tài lộc cho gia chủ. Theo anh Dương, hình tượng hổ vàng phù hợp quan niệm và văn hóa của người Việt Nam; nhất là với giới doanh nhân. Chính vì vậy sau khi ra mắt, tượng hổ vàng đã thu hút sự quan tâm của các khách hàng và xưởng gốm liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng làm quà tặng và trưng bày tại cơ quan, gia đình khiến đội ngũ chế tác của xưởng sản xuất phải làm việc ngày đêm để kịp hoàn thành sản phẩm. 

Có thể thấy tượng linh vật con giáp bây giờ không còn là sản phẩm để trưng bày mang tính riêng tư. Trong vài năm trở lại đây, hình ảnh các con giáp của năm được chế tác, đặt tại nhiều địa điểm công cộng, trang trí cho phố phường, mang đến những không gian chụp ảnh đẹp, giúp nhân dân và khách du lịch đón Tết, vui Xuân. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, khác với các mẫu sản phẩm mang tính nghệ thuật thương mại, được chế tác cẩn trọng, dồn trong đó biết bao tâm huyết của các nghệ nhân, nghệ sĩ thì những mẫu tượng con giáp Nhâm Dần năm nay mang lại không ít bình phẩm, đánh giá trái chiều. Bởi nhiều tượng hổ ở một số địa điểm phần lớn được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa, được đầu tư thiết kế, tô vẽ hời hợt và giám sát thi công thiếu nghiêm túc, thể hiện những hình ảnh khá phản cảm và hài hước. Thế mới thấy, cuộc đua dựng tượng con giáp không phải cứ có tiền là được.

Bên cạnh tượng con giáp, thị trường tranh con giáp Nhâm Dần 2022 cũng không kém phần sôi động. Tranh hổ treo tường được nhiều người lựa chọn bởi ngoài tính thẩm mỹ của vẻ đẹp dữ dội, thể hiện sức mạnh uy dũng, tính quyết đoán và nhiều phẩm chất được ngưỡng mộ, nó còn chứa đựng trong đó những ý nghĩa tâm linh và phong thủy với công chúng. Có thể nói, đây là đề tài được các họa sĩ thỏa sức vẫy vùng ý tưởng, chuyển tải thông điệp qua những sáng tác vừa mang tính truyền thống, vừa hiện đại với các triển lãm tranh hổ diễn ra trong tháng cuối năm và thể hiện trên nhiều sản phẩm mang tính thiết thực phục vụ công chúng đón Tết Nguyên đán. Tiêu biểu như phòng tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương & 39 Concept tại Hà Nội mang đến hình ảnh những chú hổ được thể hiện theo nhiều phong cách với mầu sắc vui tươi, trong đó có những bức tranh khổ lớn và cả những mẫu tranh nhỏ có thể in trên các phong bao lì xì. Nhóm họa sĩ G39 còn triển lãm tranh trực tuyến “Tiễn Sửu đón Dần” giới thiệu hơn 80 bức tranh của 18 họa sĩ trong nhóm trên trang Facebook Gallery 39A Lý Quốc Sư (Hà Nội) để công chúng thưởng lãm. Trong khi đó, NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan cũng mang tới người xem những bức tranh chuyên về con giáp Nhâm Dần 2022 tại Nhà triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền của Thủ đô. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tranh hổ của họa sĩ mang phong cách bay bổng, giàu cảm xúc, phóng túng về mầu sắc và đường nét, thể hiện đủ các sắc thái biểu cảm và cá tính của loài hổ, từ hổ suy tư, hổ lãng mạn, hổ mơ mộng, hổ nhảy múa, gia đình hổ cùng những tác phẩm dựa trên các tích truyện về loài chúa sơn lâm. 

Hòa chung không khí vẽ tranh con giáp Nhâm Dần, nhóm nghiên cứu và phục dựng dòng tranh dân gian Kim Hoàng gồm nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, họa sĩ Trang Thanh Hiền, Phạm Ngọc Linh và Trần Quốc Đức cũng vừa ra mắt bộ tranh hổ trước thềm Xuân mới. Từng là những dòng tranh dân gian có sức sống mãnh liệt như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng đã có thời gian bị mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền. Dành tình yêu và mong muốn bảo tồn và quảng bá, góp phần đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng, nhóm đã độc lập nghiên cứu và phục dựng dòng tranh dân gian Kim Hoàng cũng như nỗ lực khôi phục, truyền bá các kiến thức về nghệ thuật dân gian. Không chỉ phục dựng một số mẫu cổ như bức tranh “Tả thanh long, hữu bạch hổ”, nhóm còn tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật từ những dòng tranh khác, phát triển những mẫu mới với mầu sắc phù hợp cuộc sống hiện đại. Bức tranh “Ngũ hổ” gồm: xích hổ, hoàng hổ, bạch hổ, hắc hổ, thanh hổ đã được tạo thêm các mầu sắc khác, là cách con người đưa những quan niệm về ngũ hành, qua đó gửi gắm những lời chúc phúc cho cuộc sống hòa hợp, hạnh phúc. Với hồn cốt dân gian, tinh thần hiện đại, tranh dân gian có tính phong thủy dần phát triển và đang có được chỗ đứng trong đời sống đương đại. 

Sôi động thị trường tranh, tượng con giáp Nhâm Dần -0
 Nhóm họa sĩ Trang Thanh Hiền nghiên cứu phục dựng tranh hổ của dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Đại diện nhóm nghiên cứu phục dựng, họa sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Đời sống xã hội phát triển và nhu cầu con người thay đổi khiến dòng tranh dân gian không còn phù hợp thẩm mỹ hiện tại. Chúng tôi nghiên cứu, tạo thêm nhiều mẫu mới phù hợp tâm thức dân gian và cuộc sống đương đại, phục dựng tranh theo mẫu cổ và sáng tác tranh dân gian hiện đại. Điều này đã mở lối cho sự phát triển và hướng đi cho nghệ thuật dân gian, để tranh dân gian hòa chung nhịp chảy với đời sống đương đại”. Khi truyền bá nghệ thuật dân gian tiếp cận công chúng, công chúng thêm hiểu giá trị của tranh dân gian và bắt đầu yêu thích dòng tranh này. 

Trong những năm gần đây, việc sáng tác, tìm mua tranh, tượng con giáp trong dịp đón Tết cổ truyền đã và đang trở thành một thú sáng tác, một thú chơi của đông đảo các nghệ sĩ tạo hình, đồng thời cũng là cuộc đua không kém phần thú vị, góp phần cho ra những sản phẩm vừa có chất lượng nghệ thuật, vừa thiết thực với đời sống tinh thần và trở thành nét đẹp văn hóa khi Xuân về.