Sân khấu tuồng chật vật tìm hướng đi

NDO -

Mỗi kỳ liên hoan hay cuộc thi toàn quốc là dịp những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu tuồng lại trăn trở với bao nỗi lo âu: Làm gì và làm như thế nào để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc lâu đời này? Cách tân thế nào để phù hợp tâm lý, thị hiếu của công chúng hôm nay mà không để mai một hoặc mất đi những đặc thù của tuồng truyền thống? Cuộc thi tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2013 cũng cho thấy thực trạng đáng buồn đó.

Vở tuồng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát tuồng Việt Nam.
Vở tuồng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát tuồng Việt Nam.

Ở cuộc thi vừa qua, nhiều đơn vị, nhiều đạo diễn vì muốn thử nghiệm các tìm tòi, sáng tạo mới đã làm vở diễn mất đi chất tuồng. Ðó là tính ước lệ, cách điệu - đặc thù bất biến của loại hình nghệ thuật này. Những nghệ sĩ tiền bối trước đây đã đúc kết không gian sân khấu tuồng và nghệ thuật biểu diễn tuồng bằng những câu thơ thật chí lý: Thốn thổ thị triều đình, châu, quần/Nhất thân kiêm phụ tử quân thần (Một tấc đất khi là triều đình, khi là châu, quận/Một người (diễn viên) khi là vua, khi là tôi hoặc cha, con).

Qua đó có thể thấy, sân khấu tuồng là sân khấu mở để nghệ sĩ, diễn viên tung hoành, sáng tạo ra không gian, thời gian, ra sông, núi, thác, đèo. Chúng ta từng say mê xem nhân vật Kim Lân trong tuồng Sơn Hậu mang hoàng tử sơ sinh nương theo ngọn đèn ma Khương Linh Tá để vượt qua đèo sâu trong đêm tối, được diễn tả bằng những câu hát nam và bằng những động tác cách điệu biểu trưng trên cái bục gỗ: Dương con vác phát đường gai góc/Thương hại vì tiếng khóc cô nhi/Vin cây, chen đá ngại gì/Ðèn soi nghĩa khí, non ghi nghĩa tình và diễn tả trời sắp sáng bằng tiếng gà gáy xa xa với câu hát nam xuân: Tiếng gà xao xác rừng xanh/Ngọn đèn phụt tắt hồn anh đâu rồi. Như vậy khán giả vẫn hiểu hết thì cần gì phải trang trí trên sân khấu những bục bệ nhiều tầng, những phông màn tả thực, mà chỉ cần những nét quy ước, chấm phá tượng trưng là đủ gợi óc tưởng tượng cho người xem khi người diễn viên làm động tác kết hợp với hát múa và âm nhạc tuồng.

Tôi nói âm nhạc tuồng có nghĩa là nhạc truyền thống chứ không phải nhạc sáng tác mới. Hiện tượng cách tân, cải tiến, làm mới sân khấu tuồng ở Cuộc thi tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2013 vừa qua còn thấy rất rõ trong những vở Phò mã Thân Cảnh Phúc của Nhà hát tuồng Việt Nam. Ở vở này sân khấu trang trí quá rườm rà, thậm chí dựng cả rừng cây và cho nhân vật chém cây tơi tả như thật. Ở lớp nhân vật Thân Cảnh Phúc uống rượu bằng một cái vò thật to thì làm động tác sao được. Trong tuồng truyền thống những lớp uống rượu là lớp đặc tả tâm trạng nhân vật như lớp Trương Phi uống rượu trong vở tuồng Quan Công hồi Cổ Thanh của Ðào Tấn. Ở đây dù có uống rượu hàng vò như Trương Phi thật thì trong tuồng, Trương Phi vẫn phải uống bằng một chiếc ve rượu nhỏ bằng gỗ. Ve rượu là cái cớ để nhân vật bộc lộ tâm trạng rối bời, bộc lộ tính cách nóng nảy của Trương Phi qua ve rượu bằng gỗ mộc. Hiệu ứng động tác uống rượu của Trương Phi rất mạnh làm cho người xem thích thú và nhớ lâu.

Còn trong vở Phò mã Thân Cảnh Phúc thì nhân vật uống rượu bằng một cái vò thật to thì làm sao diễn tả được tâm trạng của nhân vật bằng các trình thức uống rượu. Xin nhắc lại, ve rượu chỉ là đạo cụ tượng trưng để diễn tả nội tâm và tính cách của nhân vật vì vậy mà không nên sử dụng đạo cụ thật, hoặc phóng đại đạo cụ, như vậy sẽ làm mất bản sắc, mất đặc trưng của tuồng truyền thống.

Ở cuộc thi lần này không ít vở tuồng dàn dựng theo thủ pháp kịch nói, được thể hiện trong những cách tạo hình tượng nhân vật, hoặc xử lý gần như tả thực mà hiệu ứng không cao, chưa nói là bị bật ra khỏi nguyên tắc cách điệu ước lệ của tuồng.

Ở hội diễn tuồng nào, người xem cũng chờ đợi tiết mục của Nhà hát tuồng Ðào Tấn danh tiếng, nhưng tại cuộc thi lần này nhà hát ứng thi vở tuồng Ðêm phương Nam không đạt yêu cầu, yếu từ kịch bản đến dàn dựng, vì vậy cho dù diễn viên ở đất tuồng Bình Ðịnh nổi tiếng hát hay cũng không cứu vãn nổi! Khán giả chờ đợi một bản anh hùng ca - chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vang lừng từ hơn hai trăm năm trước của Tây Sơn - Nguyễn Huệ ở đất phương nam, nhưng trên sân khấu lại diễn ra câu chuyện buồn nhiều hơn vui.

Nguyễn Huệ ba lần độc thoại, ba lần khóc than, hành động này hoàn toàn trái ngược với tính cách của Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung, rồi đâu đó lại thấp thoáng những mô-típ trong Quang Trung đại phá quân Thanh (cảnh Ngọc Hân - Nguyễn Huệ, cảnh Nguyễn Huệ với tấm bản đồ...) hoặc hình bóng một nhân vật ngu trung Lưu Phước Trung do NSND Xuân Hợi biểu diễn, không những na ná nhân vật Lê Quyết trong vở Trời Nam mà còn có những hành động phi lý là ám sát Nguyễn Huệ một cách dễ dàng ấu trĩ. Lâu nay, nhân vật Bùi Thị Xuân trong những vở tuồng, chèo, cải lương, bài chòi... bao giờ cũng oai phong, dũng mãnh trước ba quân và cả trước đối phương, nhưng Bùi Thị Xuân trong vở Ðêm phương Nam thì không còn là nữ tướng oai phong với thanh gươm, lưng ngựa dũng mãnh xông vào trận mạc, mà là một phụ nữ đi làm "dân vận". Hành động ấy hoàn toàn trái ngược với tính cách vị nữ tướng lừng danh có thể sánh ngang với Bà Trưng, Bà Triệu. Nói cho công bằng, vở tuồng Ðêm phương Nam cũng có chất văn học tuồng, có điều là chủ đề bị lệch và đạo diễn cũng chưa tìm được chìa khóa để mở cánh cửa cho vở diễn phát triển theo đúng tinh thần Tây Sơn - Nguyễn Huệ.

Cũng giống như ở các cuộc Liên hoan tuồng lần trước, Nhà hát cung đình Huế đều đem tới những vở tuồng mang đậm mầu sắc Huế, ca hát nhẹ nhàng, tiết tấu chầm chậm, đôi khi làm cho người xem có phần sốt ruột nhưng lại có cảm tình với một phong cách tuồng rất Huế. Vở Máu lửa ngập Thiên Trường, nguyên bản là vở Trần Bình Trọng của tác giả Kim Hùng đã được hàng chục đoàn tuồng cả nước dựng diễn trong gần nửa thế kỷ qua đến nay được đạo diễn Trương Ðức Hải dựng lại. Dĩ nhiên đã dàn dựng thành tiết mục mới thì phải có những sáng tạo mới, mặc dù kịch bản đã được định hình không cần thiết phải thêm bớt. Và thực tế vở Máu lửa ngập Thiên Trường đã mang nhiều nét mới trong cách tổ chức những lớp quần chúng, những trận đánh và đặc biệt là xây dựng hình tượng nhân vật Anh hùng Trần Bình Trọng thật oai phong lẫm liệt đối trọng là hình tượng Thái tử Thác Hoan cũng bộc lộ được tính cách của tên chỉ huy đội quân xâm lược Nguyên Mông hung bạo.

Cuối cùng, tôi muốn nói tới Ðoàn tuồng Thanh Hóa với vở Hai người mẹ, tác giả và đạo diễn Ngọc Quyền. Ðây là vở tuồng đề tài hiện đại duy nhất tại cuộc thi lần này. Nội dung vở tuồng dựa vào câu chuyện có thật của hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ở hai tỉnh kết nghĩa là Thanh Hóa và Quảng Nam thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Câu chuyện kịch thật cảm động, diễn viên diễn xuất cũng rất có hồn nên hút được cảm xúc của người xem. Rất tiếc là kịch bản văn học tuồng chưa thật hoàn chỉnh, cấu trúc cũng còn đôi chỗ chưa hợp lý, nên vở diễn chỉ dừng lại ở mức trung  bình.

Nhìn tổng quan những vở tuồng tại cuộc thi lần này, thấy bộc lộ những điểm yếu trong sân khấu tuồng hiện nay. Trước hết là không có kịch bản hay, mà không có tích thì không dịch ra tuồng. Ai đã đọc và xem những vở tuồng cổ, tuồng lịch sử thành công trước đấy đều thấy đó là những kịch bản văn học hay, từ cốt truyện đến văn chương (thơ tuồng), đều có đất cho diễn viên làm tuồng (ca, hát, diễn xuất). Và ngày xưa, cho dù đã có kịch bản hay, nhưng khi dàn dựng trên sân khấu đều có ý kiến đóng góp của các bậc thầy tuồng. Bây giờ không có các thầy tuồng như ngày xưa thì vẫn có chuyên gia tuồng cả về lý luận lẫn thực hành. Một đạo diễn tuồng dù đã đạt danh hiệu NSND, NSƯT nhưng hiểu biết sâu về nghệ thuật tuồng vẫn còn rất hiếm. Không phải cứ dàn dựng được nhiều vở tuồng là am hiểu sâu về nghệ thuật tuồng, nhất là một đạo diễn nào đó chủ quan, tự phụ thì dễ thất bại khi dàn dựng một vở mới, mà đó lại là kịch bản văn học tuồng chưa thật hoàn chỉnh, chưa thật hay.