Ra mắt và giao lưu với tác giả sách "Cơ Bản là Cơ Bản"

NDO -

Ngày 23/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu trực tiếp với tác giả Huy Thông của cuốn sách "Cơ Bản là Cơ Bản", cùng các khách mời là nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Trịnh Đặng Nguyên Hương (Viện Văn học), nhà báo Hoàng Minh Trí (facebooker Cu Trí).

Cuốn sách "Cơ Bản là Cơ Bản". (Ảnh: NXB Kim Đồng)
Cuốn sách "Cơ Bản là Cơ Bản". (Ảnh: NXB Kim Đồng)

Buổi giao lưu và ra mắt sách sẽ diễn ra vào 15 giờ 30 ngày 23/4 tại Phố Sách Hà Nội.

“Cơ Bản là Cơ Bản” là câu chuyện kể về cậu bé Trần Cơ Bản 12 tuổi, một học sinh thành phố phải đối mặt với những điều chưa từng xảy ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thay vì đến trường, Cơ Bản học online tại nhà, thay vì giải trí, chơi đùa, cậu làm vè bán hàng giúp mẹ khi rảnh rỗi. Cơ Bản vốn học giỏi, khi học online cậu trở nên nổi tiếng như một thần đồng vì có năng khiếu đặt vè rất nhanh và hay. Cơ Bản vốn ít bạn, ở nhà học online khiến cậu bé gần như không có mối quan hệ bạn bè nào, dù là bạn ảo. Mọi việc tưởng êm xuôi bởi Cơ Bản vẫn đứng đầu lớp, việc Cơ Bản biết làm vè khiến công việc bán hàng online của mẹ phát đạt... nhưng bố cậu phát hiện ra những thiếu hụt của cậu về kiến thức xã hội, giao tiếp xã hội và kỹ năng mềm…

Kỳ nghỉ hè, Cơ Bản được về quê nội - một vùng Mường cổ ở Thanh Hóa. Tại đây, cậu được khám phá các nét văn hóa đặc sắc như trò rối Chuộc, đêm chèo ma của người Mường. Với sự dẫn dắt của Huyền - cô em họ mê hát rap, cậu được học bơi trên sông, được cưỡi trâu, thả diều, tắm suối…. 

Từ một cậu bé “thần đồng” có phần kiêu ngạo, Cơ Bản nhận ra cậu hóa ra “mít đặc” khi xa rời các bài học của sách giáo khoa. Việc được tiếp xúc trực tiếp và trải nghiệm thực tế giúp cậu đánh thức sự háo hức tìm hiểu cái mới, khám phá những điều chưa biết. 

Câu chuyện chia thành 2 phần: chuyện của Cơ Bản ở thành phố và chuyện của Cơ Bản lúc ở quê. Những câu chuyện thể hiện gắn kết giữa các miền văn hóa - dân gian và hiện đại, miền ngược và miền xuôi. Qua những đứa trẻ làm cầu nối như Cơ Bản, như Huyền, những giá trị văn hóa của hai vùng miền có cơ hội để chia sẻ, tiếp thu và hỗ trợ. Cơ Bản đã tìm thấy những gì mình còn thiếu nơi vùng núi, cũng như những cô bé cậu bé miền núi như Huyền có được sự giúp đỡ của các bạn thành phố để có nhiều cơ hội học tập và phát triển hơn. 

Dưới lớp vỏ của một câu chuyện vui nhộn, hài hước về lứa tuổi học trò, tác giả Phạm Huy Thông nhắn gửi bạn đọc những bài học, những suy nghĩ lớn trước các vấn đề đang xảy ra với mỗi người khi chúng ta phải đối diện với một giai đoạn “kỳ lạ”, trong và sau đại dịch Covid-19. 

Cuốn sách cũng thể hiện rõ nét những hiểu biết và tình yêu đối với văn hóa dân tộc Mường, những hy vọng và tin tưởng của Huy Thông về thế hệ trẻ.