Phan Việt: Những bước chân trên hành trình nội tâm

NDO -

NDĐT – Mới trở về từ Mỹ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhà văn trẻ Phan Việt đã có buổi giao lưu cùng bạn đọc Hà Nội chung quanh cuốn sách “Một mình ở châu Âu”.

Phan Việt đọc một đoạn trong cuốn sách của mình.
Phan Việt đọc một đoạn trong cuốn sách của mình.

Đây cũng là lần đầu tiên, nữ tác giả gặp gỡ công chúng Việt Nam. Hai khách mời góp phần làm “nóng” buổi giao lưu là GS Ngô Bảo Châu và dịch giả Lâm Vũ Thao, từ Pháp và Australia về.

Hội trường lớn của Trung tâm văn hóa Pháp không còn một chỗ trống, rất nhiều người phải đứng hoặc ngồi ken các lối đi, thậm chí bục cả tam cấp gần sân khấu. Và mặc dù Phan Việt nói đùa rằng, 50% số bạn đọc đến đây là vì Ngô Bảo Châu, 49% còn lại là vì dịch giả Lâm Vũ Thao, chỉ có 1% là đến vì chị, nhưng những câu hỏi của bạn đọc cho thấy, có những người đã rất thích và đọc tác phẩm của chị vô cùng kỹ. Phan Việt chia sẻ, khi cuốn sách mới xuất bản, chị cũng từng có những buổi gặp gỡ bạn đọc ở Mỹ, nhưng chưa đủ để có được hình dung cụ thể về bạn đọc của mình.

Trò chuyện với độc giả, Phan Việt không chỉ nói về cuốn sách, mà còn chia sẻ những suy nghĩ chân thành của mình về cuộc sống và cái nhìn của chị về cuộc sống, cái nhìn mà chị có được từ những chuyến đi…

Có một Paris khác

Chia sẻ với độc giả, Phan Việt nói, chị lang thang ở Paris với cuốn sách “Những người khốn khổ” trong tay, khư khư giữ cho mình những hình ảnh, hình dung về một Paris của Victor Hugo. Trả lời câu hỏi của một bạn đọc “Tại sao lại đi tìm một Paris trong quá khứ, như vậy làm sao có thể thấy được một Paris đương đại?”, Phan Việt bình thản: “Tại sao lại không? Tất cả những chuyến đi đều là những lý do cá nhân, chính bạn là người quyết định thực tế là thật hay giả. Ngay cả khi tôi làm như thế, tôi đã chấp nhận thất bại, bởi vì thực tế, Paris vẫn là Paris hiện thực thôi. Cảm xúc thường ích kỷ, chỉ cần thỏa mãn là được, còn hiện tượng bên ngoài thì khó nói như thế nào là đúng”. Nữ tác giả chia sẻ thêm: “Tôi không đến Paris để tìm Paris đương đại”.

Paris trong mắt Phan Việt là một Paris trong tâm tưởng, mà chị giữ nguyên vẹn từ ấn tượng trong bộ sách của Victor Hugo. Đó là một Paris nhỏ với những ngõ ngách mà Marius đưa Cosette chạy trốn, với Nhà thờ Đức Bà không có khách du lịch, trầm tĩnh, u minh và uy nghiêm nhưng lại giống như một người quen lâu năm gặp lại; là cô gái trẻ mảnh mai với mái tóc hạt dẻ rối bời, hai tay che mặt khóc nức nở hồn nhiên ngoài phố, là anh chàng Marius bằng xương bằng thịt với chiếc Yamaha, quần bò đen bó sát, giày da đen cao cổ kiểu nhà binh còn buộc dây lòng thòng… Phan Việt thổ lộ - “Trước khi rời Paris, trên đường ra sân bay, tôi đã nghe vở nhạc kịch “Nhà thờ Đức Bà” trong ipod của mình, cả khi máy bay cất cánh”.

Chính vì cách nhìn từ nội tâm như thế, cho nên cuốn sách, mặc dù được viết dưới dạng du ký, kể về hành trình một tháng của nhà văn ở Đức, Ý, Pháp, Đan Mạch, nhưng lại không được tác giả xếp vào dạng sách du ký. Mà thực sự, như lời chị chia sẻ, cuốn sách viết về hành trình nội tâm của mình, khi vừa chấm dứt một hành trình nội tâm khác.

“Bất hạnh là một tài sản”

Đối với Phan Việt, chuyến đi châu Âu một mình này là một cuộc ra đi nội tâm. “Không quan trọng là ở đâu, không quan trọng là với ai, bởi đó là một chuyến đi trong tâm tưởng. Tôi ra đi để trả lời câu hỏi của chính mình”.

Với nhan đề “Một mình ở châu Âu”, cuốn sách là phần đầu tiên của ba tập sách “Bất hạnh là một tài sản”, tập 2 và 3 dự kiến ra đời vào khoảng tháng 9 năm nay và vào năm 2014. Phan Việt cho biết, câu nói này từng được nói ra bằng nhiều hình thức, chị chỉ là người đưa nó vào làm tiêu đề cho cuốn sách. “Bất hạnh là một tình cảm đau đáu trong lòng, nhưng nó làm cho tôi biết mình cần gì trong cuộc sống, cái gì mà mình không thể thỏa hiệp được. Vì thế, ngay từ tựa đầu của cuốn sách, tôi viết rằng “Bất hạnh là một tài sản”, đó là những gì tôi phải trải qua để tìm được hạnh phúc thật sự cho mình” – Phan Việt nói.

Chia sẻ thêm ý nghĩa của câu nói này, GS Ngô Bảo Châu kể một câu chuyện: “Trước đây, tôi đã từng hỏi thầy Thích Chân Tính ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) về ý nghĩa của việc thoát khỏi khổ đau trong Phật giáo. Tôi thắc mắc với thầy, giống như một quả hồng bì, có cả chua, ngọt, cả vị chát, nếu như cuộc sống chỉ có ngọt thì đâu biết đó là ngọt, giống như quả hồng bì không chua, không chát thì không còn là quả hồng bì…”. Anh nói: “Tôi thích lời giải đáp của Phan Việt”.

Một độc giả chia sẻ với Phan Việt: “Tôi đã đọc cuốn sách một lèo trong hai đêm, và đã tặng cho một bạn mồ côi cha mẹ. Bạn ấy, sau khi đọc xong, đã thấy được nỗi bất hạnh của mình thực sự là một tài sản, bởi chính những thiếu hụt, mất mát đã khiến cho bạn ấy thấy cuộc sống của mình đầy đủ hơn, điều mà những người bình thường không thấy được”.

“Cuộc sống có rất nhiều chuyện mệt mỏi, sợ hãi. Nếu đối mặt được với điều đó, thì bất hạnh sẽ trở thành một tài sản”, Phan Việt chia sẻ.

Phan Việt: Những bước chân trên hành trình nội tâm ảnh 1

Độc giả đứng chật kín cả lối đi của Hội trường.

Phan Việt: Những bước chân trên hành trình nội tâm ảnh 2

Dịch giả Lâm Vũ Thao, tác giả Phan Việt, GS Ngô Bảo Châu và MC của Nhã Nam.