Nhìn lại "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”

NDO -

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị-Hội thảo “Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành báo cáo tại hội nghị.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành báo cáo tại hội nghị.

Sự kiện diễn ra trực tuyến tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của giới nghiên cứu, quản lý, làm nghề lĩnh vực điện ảnh.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định, ngành điện ảnh Việt Nam nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó đặt mục tiêu doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD vào năm 2020) và 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD vào năm 2030).

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã tác động, làm thay đổi từ phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu, cách tiếp cận, hưởng thụ tác phẩm điện ảnh của người dân. Thực tế đó đòi hỏi một luật mới về điện ảnh ra đời nhằm Luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược, qua 7 năm thực hiện, toàn ngành điện ảnh đã nghiêm túc, tích cực chủ động triển khai nhiệm vụ, liên tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách; tạo thuận lợi cho các hoạt động điện ảnh; đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn 2013-2020, điện ảnh nước nhà có sự thay đổi sâu sắc. Số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy vốn đầu tư cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm, số lượng phim Việt Nam được sản xuất và cấp phép phổ biến đạt từ 35 đến 40 phim truyện điện ảnh; từ 20 đến 45 phim tài liệu, khoa học và từ 10 đến 20 phim hoạt hình. Nhìn vào tổng thể, căn cứ mục tiêu về sản xuất phim trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 một số hạng mục phim cơ bản hoàn thành.

Năm 2018, Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”. Tính đến ngày 30/12/2020, cả nước có 228 đội chiếu phim lưu động (trung bình hằng năm, các đội chiếu phim lưu động ở các địa phương đã phục vụ được gần 25 nghìn buổi chiếu, với khoảng gần 6 triệu lượt người xem).

Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới về hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim phù hợp thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và nhu cầu phát triển công nghiệp điện ảnh.

Năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số lượt người xem tại rạp giảm xuống mức thấp, chỉ đạt 19.632.652 lượt người xem, không đạt mục tiêu đề ra của Chiến lược (95 triệu lượt người xem). Trong đó, phim Việt Nam là 8.125.969 triệu lượt người xem; phim nước ngoài là 11.506.683 lượt người xem. Mặc dù không đạt được các mục tiêu về phát hành, phổ biến phim đề ra theo Chiến lược, nhưng giai đoạn này tiếp tục đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống rạp chiếu phim do doanh nghiệp tư nhân quản lý.

Cục Điện ảnh đề xuất giải pháp xây dựng hành lang pháp lý toàn diện cho hoạt động điện ảnh trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Triển khai đồng bộ về xây dựng cơ chế chính sách để phát triển công nghiệp điện ảnh dân tộc, nhân văn, hiện đại, thị trường điện Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Có chính sách ưu đãi về thuế và cơ chế đặc thù cho các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư và mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam; nâng cao số lượng, hiệu quả, chất lượng hoạt động sản xuất phim, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Quan tâm đầu tư, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật, giải trí. Tăng cường xã hội hóa, tạo cơ chế thuận lợi nhằm tăng cường thu hút đầu tư các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, nguồn viện trợ từ hoạt động liên doanh, liên kết theo hướng Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu (nhà, rạp), đơn vị liên kết đầu tư nguồn kinh phí cho thiết bị, công nghệ... Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện điện ảnh, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cùng ngày, Cục Điện ảnh cũng tổ chức hội nghị - hội thảo “Phát hành, phổ biến phim”. Đóng góp cho chương trình, có gần 20 tham luận của các chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý, đội ngũ những người công tác trong lĩnh vực điện ảnh, tập trung vào các vấn đề chính: Công tác quản lý nhà nước và xây dựng cơ chế, chính sách; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh; sản xuất phim; phát hành, phổ biến phim; hội nhập quốc tế; tổ chức phổ biến, tuyên truyền; đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh.