Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công

NDO -

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș là Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa NEUMA kiêm Giám đốc nhà xuất bản NEUMA của Romania. Hai năm qua, Tạp chí đã dành nhiều trang để giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam. Những nỗ lực của nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș đã giúp các hoạt động giao lưu văn học giữa Romania-Việt Nam ngày càng nồng ấm và thu nhiều kết quả tích cực.

Chân dung nhà văn Andrea H. Hedeș. (Ảnh: NVCC)
Chân dung nhà văn Andrea H. Hedeș. (Ảnh: NVCC)

Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế là một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”.

Để thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của chính các văn nghệ sĩ.

Giàu có hơn khi giao thoa với các nền văn học trên thế giới

Phóng viên: Chị bắt đầu thấy yêu mến đất nước, con người Việt Nam từ thời điểm nào?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Nhờ tìm hiểu qua sách báo cũng như các phương tiện truyền thông, tôi phần nào được biết đến lịch sử, văn hóa của Việt Nam, tôi cũng phần nào hiểu được về lòng dũng cảm, sự gan dạ và sức mạnh của con người Việt Nam. Khi có dịp đến Việt Nam vào năm 2019 tham dự Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III, tôi thực sự đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Đất nước các bạn có cảnh sắc tuyệt đẹp và con người lịch sự, ấm áp. Những điều đó đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Tôi đã say mê khám phá âm nhạc, thơ ca và cả ẩm thực của đất nước các bạn, nhờ đó tôi có thể tiến đến gần hơn với tâm hồn của người Việt Nam để thấy rõ hơn vẻ đẹp của đất nước, con người nơi đây.

Tôi sẽ kể cho bạn biết một điều rất đặc biệt đối với tôi, một thông tin bí mật mà tôi quyết định sẽ tiết lộ ngay sau đây: hiện nay tôi đang viết một cuốn sách được lấy cảm hứng từ chuyến đi thăm Việt Nam và ấn tượng mạnh mẽ về chuyến đi này đối với tôi. Tôi hy vọng nó sẽ được đón nhận và bản thân tôi cũng đang rất hy vọng và lạc quan về điều này. Tôi mong muốn cuốn sách lần này sẽ mang lại nhiều niềm vui cho tôi và các bạn bởi đó là cách tôi thể hiện tình yêu sâu sắc của mình đối với đất nước của các bạn.

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công -0

Andrea H. Hedeș (thứ 2 từ phải sang) tại Liên hoan thơ quốc tế tại Việt Nam năm 2019. (Ảnh: NVCC) 

Phóng viên: Lý do nào khiến chị quyết định lựa chọn tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam để đăng tải trên Tạp chí Văn hóa NEUMA mà chị làm Tổng Biên tập?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Cũng trong chuyến đi thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2019, tôi đã phát hiện ra một sự đối lập thú vị: con người Việt Nam rất dũng cảm, cứng cỏi, mạnh mẽ nhưng bên cạnh đó họ lại có một đời sống nội tâm rất tinh tế, nhẹ nhàng và sâu sắc. Đặc điểm rất riêng này đã in sâu vào các tác phẩm văn học Việt Nam, tạo nên sự khác biệt. Bản thân tôi muốn hiểu rõ hơn về tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam và tôi cũng muốn độc giả người Romania có thể biết tới điều ấy do đó tôi quyết đinh lựa chọn giới thiệu thơ Việt Nam trên Tạp chí Văn hóa NEUMA mà tôi làm Tổng Biên tập.

Phóng viên: Sự đón nhận của công chúng với các tác phẩm văn học Việt Nam mà Tạp chí đã giới thiệu?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Công chúng Romania đã dành cho các tác phẩm văn học Việt Nam một sự quan tâm đặc biệt. Và nhất là ở thời điểm bây giờ trong bối cảnh đại dịch, đọc thơ của các nhà thơ Việt Nam cho chúng tôi cảm giác như đang phiêu du trong những dòng suy tưởng ở một vùng đất quyến rũ, khám phá những con người mê hoặc.

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công -0

Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam xuất hiện trên tạp chí NEUMA trong số kỷ niệm 5 năm ngày thành lập. (Ảnh: NVCC) 

Phóng viên: Trong suốt hai năm qua, Tạp chí Văn hóa NEUMA đã giới thiệu được bao nhiêu tác giả Việt Nam?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Tạp chí Văn hóa NEUMA có tần suất phát hành hai tháng một lần. Trong hai năm qua, 11 nhà thơ Việt Nam đã được dịch và xuất bản trên tạp chí. Tôi cũng muốn tập hợp tất cả những tác phẩm thơ đã dịch đó thành một tuyển tập thơ Việt Nam, dự kiến sẽ xuất bản tại Romania ngay trong năm 2022.

Phóng viên: Các nhà thơ Việt Nam chắc chắc sẽ rất cảm động khi đón nhận tin vui mà chị vừa chia sẻ. Với tư cách là Tổng biên tập, chị đánh giá sự hiện diện các tác phẩm văn học Việt Nam trên Tạp chí Văn hóa NEUMA có ý nghĩa như thế nào?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Đối với người châu Âu và cả người Romania, Việt Nam là một đất nước xa xôi, kỳ lạ, ngày càng được biết đến nhiều hơn vào thời gian gần đây qua con đường du lịch, tất nhiên là trước lúc đại dịch Covid-19 diễn ra. Còn với tôi, tôi coi thơ như một ngôn ngữ phổ quát, ngôn ngữ của tâm hồn. Tôi muốn công chúng Romania được thấy một ngôn ngữ văn học mới đối với họ, nhưng thực chất nó đã tồn tại từ lâu đời. Ngoài ra, tôi muốn có một cuốn tạp chí văn hóa “mở”, được kết nối trên toàn thế giới. Tôi không tin vào một nền văn hóa tự coi mình là trung tâm, và bao kín mình với xung quanh. Chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn và trọn vẹn hơn khi được giao thoa, chạm tới nền văn học của các quốc gia trên thế giới.

Cùng đoàn kết vì một mục tiêu chung

Phóng viên: Là người có kinh nghiệm trong hoạt động xuất bản, chị đánh giá về cơ hội của văn học Việt Nam trong quá trình vươn ra thế giới?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Theo tôi được biết, các nhà văn Việt Nam đã được vinh danh với hầu hết các giải thưởng văn học quốc tế quan trọng và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Họ có được sự kết nối tốt với thế giới mà không hề đánh mất đi con người thật của mình. Tôi nghĩ các tác giả Việt Nam đang làm rất tốt trong việc tiếp cận với độc giả thế giới.

Phóng viên: Những năm qua Romania đã có chiến lược như thế nào để giới thiệu, quảng bá nền văn học của quốc gia đến với thế giới?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Với một trái tim nặng trĩu, tôi phải thú thật rằng chúng tôi vẫn chưa có được một chiến lược thực sự hiệu quả. Đây là lý do tại sao có những sáng kiến riêng và có các cá nhân chủ động làm việc về vấn đề này. Nghĩa là các nhà văn dựa trên thành tích cá nhân của họ, sự ảnh hưởng của họ và mối quan hệ tốt đẹp của bản thân để kết nối, liên hệ với các nhà văn từ các quốc gia khác, họ đang tích cực tự quảng bá cho bản thân, và sau đó là nền văn học của quốc gia mình.

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công -0
 Bìa Tạp chí Văn hóa Neuma. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Từ thực tế của Romania và quá trình làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp Việt Nam, chị có góp ý gì đối với chúng tôi để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa việc quảng bá nền văn học quốc gia?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Nếu tôi chỉ được nói một từ, đó sẽ là: Chúc mừng! Tôi xin được chúc mừng các bạn. Nếu tôi đưa ra một câu trả lời chi tiết hơn, tôi phải nói rằng tôi nhận thấy được tầm quan trọng của việc quảng bá văn học Việt Nam khi tôi tham gia Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III năm 2019. Những nhận xét của tôi đã được khẳng định trong việc hợp tác chặt chẽ với Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua: chúng tôi đã xuất bản một tuyển tập thơ xuất sắc, được thực hiện bởi một đội ngũ dịch giả tuyệt vời, bộ phận truyền thông rất tốt và nguồn nhân lực chất lượng.

Tôi có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa với các nhà văn từ các quốc gia, nhưng rất nhiều lần, quá trình diễn ra rất khó khăn hoặc kém hiệu quả, thậm chí một vài lần đi vào ngõ cụt. Nhưng với đối tác tại Việt Nam, tôi có thể nhìn thấy con người đằng sau tính cách mà họ thể hiện cùng những tình cảm họ dành cho chúng tôi, điều đó giúp cho mối quan hệ của hai bên phát triển rất thuận lợi. Tôi phải ghi nhận sự hợp tác tuyệt vời của tôi với Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Và đặc biệt gửi lời cảm ơn đến bạn nhà văn Kiều Bích Hậu, cô đã cống hiến trong công việc không ngừng nghỉ trong việc đưa tên tuổi của các tác giả Việt Nam ra thế giới. Tôi nghĩ chúng ta đã khám phá ra một bí mật mà ai cũng nên chú ý tới: con người chính là nguồn lực quý giá nhất. Tạo nên cầu nối văn chương để liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công.

Phóng viên: Mỗi quốc gia đều sẽ có những chiến lược riêng trong việc quảng bá văn học quốc gia. Tuy nhiên, liệu có thể một sự phối hợp giữa các quốc gia trong hoạt động này để tạo môi trường giao lưu, hiểu biết và hỗ trợ nhau để mang đến hiệu quả trên thực tế?

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Cùng với nhau đoàn kết vì một mục tiêu chung thì cơ hội thành công sẽ cao hơn rất nhiều. Xin cảm ơn các bạn và thật vinh dự khi tôi có thể chia sẻ suy nghĩ của mình với các độc giả Việt Nam về chủ đề thú vị này.

Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công -0
 Andrea H. Hedeș (đầu tiên bên trái) chụp ảnh cùng nhà thơ Hữu Thỉnh và các đồng nghiệp tại Liên hoan thơ quốc tế tại Việt Nam năm 2019. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn Andrea H. Hedeș sinh  năm 1977 tại Cluj, Romania. Các tác phẩm đã xuất bản: Những cánh bướm (2008, Giải thưởng dành cho tác giả mới của Nhà xuất bản Limes); Loạn nhịp (2015, Giải thưởng Andrei Mureșanu dành cho thơ); Sự tàn nhẫn của chúng ta (2017, Giải George Coșbuc dành cho Thơ); Bảy năm biên niên văn học (2018, sách nghiên cứu, phê bình); Chuyện kể từ bờ bên kia (2019, Giải thưởng của Tạp chí Văn học Luceafărul de Dimineață dành cho văn xuôi). Andrea H. Hedeș có nhiều tác phẩm xuất bản trong các tạp chí văn học và hợp tuyển văn thơ tại Anbani, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam... Năm 2014 Andrea H. Hedeș sáng lập Tạp chí Văn hóa NEUMA và thành lập nhà xuất bản cùng tên vào năm 2017.

“Tôi không tin vào một nền văn hóa tự coi mình là trung tâm, và bao kín mình với xung quanh. Chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn và trọn vẹn hơn khi được giao thoa, chạm tới nền văn học của các quốc gia trên thế giới” (Andrea H. Hedeș)

Andrea H. Hedeș là một phụ nữ đa tài và giàu năng lượng. Bên cạnh việc phụ trách biên tập cho một Tạp chí Văn học có uy tín của Romania, chị còn tự giao dịch với các bạn văn trên nhiều quốc gia để trao đổi chéo việc dịch và quảng bá tác phẩm. Trong hơn hai năm làm việc cùng Andrea H. Hedes, chị không chỉ trao đổi với tôi về dịch thuật, các ý tưởng phối hợp làm việc và quảng bá tác phẩm, mà còn chia sẻ những cảm xúc về những đổi thay trong xã hội, các câu chuyện đối phó với đại dịch… Đó thực sự là một người bạn ấm áp, chân tình, chu đáo và quá đỗi thân thương, như ruột thịt vậy. (Nhà văn Kiều Bích Hậu)

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai - Có nhiều cơ hội cho văn học Việt Nam

Dịch giả nhà văn Kiều Bích Hậu - Cần khởi lên những hành động