Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở

NDO -

Là nhà thơ, nhà văn, kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhưng một trong những niềm hạnh phúc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại là hội họa. Ngày 7-1, ông đã ra mắt công chúng triển lãm đầu tiên của mình, với 54 bức tranh mà ông đã miệt mài sáng tác trong suốt hơn bảy năm qua. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở

Đến dự triển lãm tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là rất đông bạn bè văn nghệ sĩ, không chỉ các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, mà còn có nhiều họa sĩ tên tuổi, như Thành Chương, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương…

Triển lãm còn nhận được những lẵng hoa tươi từ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bên cạnh rất nhiều hoa của bạn bè, đồng nghiệp, người trong giới đem đến, minh chứng cho sức hút của lĩnh vực nghệ thuật mới mà nhà thơ dấn thân.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở -0
 Triển lãm thu hút đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, giới họa sĩ và những người yêu mến các tác phẩm của nhà thơ.

Cái tên “Người thổi sáo” của triển lãm bắt nguồn từ một câu chuyện hết sức tình cờ. Đó là hình ảnh một người thổi sáo mù tình cờ đi qua đời nhà thơ, thổi lên một khúc nhạc mà nhà thơ yêu thích, và khúc nhạc đó đã theo đuổi ông suốt trên một con đường mới trong nghệ thuật của nhà thơ. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm đủ mọi thứ việc, từ việc nhà cho đến sáng tác, làm thơ, viết truyện, vẽ tranh. Với ông, được sống, sáng tạo trong tự do tự tại của mình là một hạnh phúc. Nhà sưu tầm Trịnh Văn Sỹ, một trong những người bạn thân thiết của nhà thơ chia sẻ rằng, ông luôn cháy hết mình trong tất cả những  việc làm của mình, luôn ước ngày có thể kéo dài 48 tiếng để làm được hết những gì mình mong muốn. Và vì ngày không thể dài 48 tiếng, cho nên ông chỉ biết làm việc, làm việc, và làm việc. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở -0
 

Họa sĩ Thành Chương là một trong những người sát cánh bên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ những ngày đầu dấn thân vào con đường hội họa. Họa sĩ cho biết, ông bất ngờ khi thấy triển lãm “Người thổi sáo” có được số lượng tranh lớn như thế này. “Tôi không nghĩ là Nguyễn Quang Thiều lại bước chân vào hội họa một cách trang trọng, đàng hoàng và hoành tráng như thế này” – họa sĩ nói.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở -0
 

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, cũng đã có nhiều nghệ sĩ tài danh, tên tuổi lẫy lừng trong sự nghiệp của mình đã sáng tác hội họa và họ đều thành công, bởi vì chính tên tuổi của họ. Thành công ấy sinh ra một sự ngộ nhận không phải thành công do chất lượng mà chỉ là do tên tuổi. Nhưng cũng có những người không phải là họa sĩ, đã bước sang lĩnh vực hội họa và thành công. Những người đó không nhiều, như nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nay là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. “Nguyễn Quang Thiều là con người chữ nghĩa. Việc đưa chữ vào trong tranh trước đây đã có rất nhiều người từng làm rồi. Nhưng ở tranh của Nguyễn Quang Thiều, đó là những mảng miếng tạo hình không thể thiếu, khiến cho bức tranh đó thêm đa dạng, phong phú. Không ai nghĩ Nguyễn Quang Thiều lại vẽ vững vàng, cơ bản như thế. Điều này thể hiện ông là một người vô cùng đam mê và khổ công tu luyện, và tự học rất nhiều”. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở -0
 

Họa sĩ Lê Thiết Cương là người cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chọn tranh để triển lãm. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Anh Thiều tự nhận mình chỉ là người đi ngang qua cánh đồng hội họa và bị hình màu thôi miên. Nhưng để viết một cuốn tiểu thuyết, làm một bài thơ, hay cho ra một truyện ngắn, việc khó nhất là tìm cho ra được giọng của mình. Anh Thiều đã chọn được chính xác giọng của mình trong hội họa là giọng mộng du, bởi vì có qua mộng du mới bật ra được vẻ đẹp vô lý của có lý. Không cần phải quá quan trọng bởi bút pháp, màu, hình, bố cục, đậm nhạt, toàn bộ mộng du ấy sẽ chỉ huy người vẽ. Đó là cái đẹp của tranh Nguyễn Quang Thiều”. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở -0
 

Họa sĩ Hoàng A Sáng, cũng là một trong những người bạn vong niên thân thiết lâu năm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, và đồng hành cùng nhà thơ trên con đường hội họa từ năm 2013, khi ông bắt đầu cầm cọ và bị màu sắc mê hoặc.

Họa sĩ Hoàng A Sáng cho rằng, ngôn ngữ hội họa rất khác với văn chương, lĩnh vực mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nổi tiếng. Ngôn ngữ hội họa có biểu cảm riêng, khác về đường nét, mảng miếng. Những người làm ở các lĩnh vực nghệ thuật khác khi sang hội họa thường sẽ bê nguyên tư duy của lĩnh vực đó vào tranh. Đó là điều tự nhiên. Nhưng riêng Nguyễn Quang Thiều có một sự khác biệt: ông có ngôn ngữ hội họa riêng, không lẫn vào với thơ ca, ông chỉ đưa nguyên tinh thần của thơ ca vào. Tranh của ông có sự lãng mạn, siêu thực, có ngôn ngữ của hội họa, không bị nội dung của thơ ca lấn át. Trong tranh ông có đường nét, mảng miếng, màu sắc, không gian… Chính vì thế tranh của ông đẹp ở tính tạo hình chứ không phải nội dung. Tranh của ông cũng lãng mạn như thơ. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẽ tranh như hơi thở -0
 

Họa sĩ Hoàng A Sáng cũng chia sẻ, một lợi thế nữa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là sự nổi tiếng, cho nên tranh của ông cũng thu hút đối với công chúng. Triển lãm có 54 bức nhưng đã bán được 41 bức, một kỷ lục hiếm triển lãm nào bán tranh được như thế. “Đó là thành công về nghệ thuật” – họa sĩ nhận xét. 

Là bạn vong niên với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã ngót nghét 20 năm nay, họa sĩ Hoàng A Sáng cho biết, ở nhà thơ có một đặc điểm về sáng tác mà anh rất mê, đó là sự kiên nhẫn và mê đắm. Đã vào phòng vẽ là ông đóng cửa, tắt đèn và cứ thế làm việc thâu đêm suốt sáng. Ông rất nhiều việc do kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, cho nên thời gian sáng tác chủ yếu là vào ban đêm hoặc tranh thủ ngày nghỉ. “Tôi cảm giác khi vẽ, Nguyễn Quang Thiều lẫn vào những bức tranh của mình. Tranh với ông không tách biệt trong không gian đó. Ông thắp nến, hút thuốc, tạo nên một không gian huyền ảo y như tranh của ông. Là họa sĩ thế hệ sau, tôi học được ở ông rất nhiều. Tôi cũng từng nói với nhiều họa sĩ lứa sau mình, là phải mê đắm đã. Hãy cứ đi, rồi sẽ đến, như bông hoa đến mùa sẽ nở”.

Họa sĩ Hoàng A Sáng nhận xét: “Bây giờ, vẽ đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã như hơi thở, một điều tất yếu, một phản xạ, như chính đời sống của mình”. Và chính bản thân nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng từng nói: “Hạnh phúc nhất là được vẽ”.