Nghệ sĩ bức xúc vì bị mượn tên quảng cáo

NDO -

Nhiều nghệ sĩ lâu nay đã và đang bị lợi dụng tên tuổi cho các quảng cáo trái phép của các doanh nghiệp, đơn vị hoặc cá nhân kinh doanh nhỏ, nhưng không thể xử lý được triệt để. Các nghệ sĩ đã bày tỏ sự bức xúc và mong muốn phía cơ quan quản lý có những chế tài mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi và uy tín cho họ.

NSƯT Hồ Phong đã phải bức xúc viết trên trang cá nhân vì bị ghép ảnh thô tục trong quảng cáo.
NSƯT Hồ Phong đã phải bức xúc viết trên trang cá nhân vì bị ghép ảnh thô tục trong quảng cáo.

Cắt ghép hình ảnh để quảng cáo

Thực trạng cắt ghép hình người nổi tiếng đưa vào ảnh hoặc các video, clip quảng cáo gần đây trở nên phổ biến đến nỗi rất nhiều nghệ sĩ trở thành nạn nhân của chiêu trò này.

Bị ghép hình vào một quảng cáo của một thẩm mỹ viện tại Hà Nội, NSND Minh Hòa bức xúc: “Suốt năm ngoái, tôi và NSƯT Kim Oanh đã phải khiếu nại liên tục về việc thẩm mỹ viện này lấy hình ảnh của chúng tôi lên quảng cáo mà không hề có sự đồng ý của chúng tôi. Sau đó, truyền hình cũng phản ánh sự việc này, và hình như bên công an cũng vào cuộc cho nên năm nay các clip quảng cáo của họ không còn hình ảnh của chúng tôi nữa”.

Nghệ sĩ bức xúc vì bị mượn tên quảng cáo -0
 NSND Minh Hòa trong phim  "Tình yêu và tham vọng".

Điều làm NSND Minh Hòa bức xúc nhất là phía thẩm mỹ viện này lấy hình ảnh mà chị và nghệ sĩ Kim Oanh quảng cáo cho bệnh viện Thu Cúc ghép vào quảng cáo của mình. “Chúng tôi có ký hợp đồng quảng cáo với Thu Cúc, và cũng biết được chất lượng dịch vụ của họ ra sao mới nhận lời quảng cáo. Vậy mà thẩm mỹ viện kia lấy hình của chúng tôi ghép vào quảng cáo của họ, trong khi chúng tôi không hề biết họ là ai, chất lượng dịch vụ như thế nào. Có những chỗ tôi tìm đến tận nơi thì chỉ có mỗi chiếc điện thoại, chủ nhà nói họ cho thuê và không biết đơn vị đó như thế nào”.

Nghệ sĩ bức xúc vì bị mượn tên quảng cáo -0
 NSND Lan Hương trong phim "Sống chung với mẹ chồng".

Chung sự bức xúc về hành động “cắt, ghép” dối trá này, NSND Lan Hương (Bông) chia sẻ: “Tôi từng có lần bị người ta cắt ghép hình cầm một chai dầu gội trên tay trong phần quảng cáo của họ. Trong khi đó là hình ảnh tôi làm quảng cáo cho một đơn vị khác, có tìm hiểu và ký hợp đồng. Tôi đã phải viết trên trang FB của mình đồng thời nhắn tin, yêu cầu họ gỡ bỏ quảng cáo có hình ghép của tôi. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, tôi lại thấy xuất hiện hình ảnh quảng cáo đó, vẫn là của shop đó”.

NSND Lan Hương kể thêm, có lần đi diễn đêm, gia đình chị và một người cháu có ghé ăn cháo ếch Singapore ở Phố Huế và đã bị chủ cửa hàng lén lút quay clip. Sau này người cháu của chị có quay lại và thấy họ sử dụng hình ảnh của gia đình chị để quảng cáo. 

Bức xúc nhất là NSƯT Hồ Phong, đang tham gia bộ phim đang rất ăn khách hiện nay “Hương vị tình thân”. Hình ảnh của anh bị cắt ghép và cấy lời thoại một cách thô tục, nhảm nhí cho một sản phẩm chống hôi miệng. Đến mức anh đã phải bức xúc chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Tôi không đồng ý, nhưng cũng ko cấm được các anh (chị) sử dụng hình ảnh cá nhân và vai diễn trên phim của tôi để gây chú ý, quảng cáo cho các sản phẩm mà các anh (chị) đang kinh doanh. Vẫn biết các anh (chị) cũng cần mưu sinh, trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học... nhưng việc chế tác hình ảnh của tôi và các nghệ sĩ khác với những lời lẽ tục tĩu, vô văn hoá như thế, thử hỏi gia đình, bạn bè, nhất là những đứa trẻ con của chính anh, chị sẽ nghĩ gì về người đã sinh ra chúng?”

Tình trạng này diễn ra khá phổ biến hiện nay, các nghệ sĩ trong nam, ngoài bắc đều bị. Và hầu hết đều chưa có giải pháp nào xử lý triệt để.

Nghệ sĩ tự tìm cách giải quyết, và “bắt cóc bỏ đĩa”

Với các nghệ sĩ, gặp những trường hợp như thế này, họ chỉ biết lặng lẽ nhắn tin cho phía quảng cáo, để nghị dỡ bỏ hình ảnh của mình, hoặc thông báo trực tiếp trên trang cá nhân. Những cách làm này không đem lại hiệu quả, nếu có cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Hầu hết các bên lợi dụng hình ảnh nghệ sĩ đều là những cơ sở hoặc cá nhân kinh doanh nhỏ, khó xử lý.

NSND Minh Hòa chia sẻ: “Chúng tôi cũng đành phải kêu bằng cách thông báo trên trang FB của mình là tôi không quảng cáo cho cho những chỗ này, chỗ kia. Nhưng không phải ai cũng vào trang FB của mình để biết, và bài viết đính chính qua thời gian cũng sẽ bị trôi. Tuy nhiên đây tôi mong cũng là một bằng chứng để các cơ quan chức năng có thể biết được là chúng tôi không quảng cáo cho sản phẩm đó, mà bị ăn cắp hình ảnh”.

Nghệ sĩ bức xúc vì bị mượn tên quảng cáo -0
 NSND Trung Anh trong phim "Về nhà đi con".

Hiền lành như NSND Trung Anh, khi bị lấy cắp hình ảnh để quảng cáo cũng không còn biết cách nào hơn là nhắn tin và công bố đính chính. “Có những quảng cáo tôi biết, cũng có những quảng cáo tôi không biết, do bạn bè người quen phát hiện ra và gửi cho tôi. Tôi được biết tôi không phải là người bị lợi dụng hình ảnh nhiều nhất, các nghệ sĩ khác còn bị nhiều hơn. Khi biết, tôi thường nhắn ngược tin lại cho bên quảng cáo đó nếu được, và đề nghị hủy bỏ quảng cáo đó. Có nơi họ có hủy, có nơi họ cũng lờ đi. Tôi cũng đã tìm số điện thoại gọi trực tiếp cho họ nhưng không hiệu quả”.

NSND Lan Hương cho biết: “Khi biết bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo, tôi cũng chỉ biết gọi hoặc nhắn tin cho họ, cùng với việc đăng lên trang FB của mình đính chính hoặc nhắc nhở. Có nhưng nơi dỡ quảng cáo xuống, nhưng cũng có những nơi khác mình không biết được, vì quảng cáo đó không hiện trên trang của mình”.

Còn NSƯT Hồ Phong, sau khi bày tỏ sự bức xúc trên trang cá nhân, rất may chủ shop bán hàng nọ đã xin lỗi anh và xóa bỏ những hình ảnh quảng cáo thô tục ghép hình nghệ sĩ. 

Cần một chế tài chặt chẽ hơn

Nguyện vọng chung của các nghệ sĩ là có những chế tài chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc để bảo vệ hình ảnh, quyền lợi của mình. NSND Lan Hương cho rằng, cần phải có chế tài quản lý hoặc phạt thật nặng. “Thí dụ như Bộ Thông tin và Truyền thông nên có một bộ phận giám sát những vấn đề liên quan đến quảng cáo lợi dụng hình ảnh nghệ sĩ trên mạng xã hội. Họ quảng cáo những thứ không đúng sự thật rất ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi”.

Nghệ sĩ bức xúc vì bị mượn tên quảng cáo -0
 NSƯT Kim Oanh trong phim "Đừng bắt em phải quên".

NSƯT Kim Oanh sau vụ phản ứng gay gắt và quyết liệt với thẩm mỹ viện lợi dụng hình ảnh của mình đã phải tham khảo luật để tìm cách bảo vệ mình: “Tôi rất phẫn nộ và có tham khảo luật, sẽ kiện tới cùng nếu họ dùng hình ảnh của tôi. Tôi mong giới báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc giúp nghệ sĩ chúng tôi không bị lợi dụng hình ảnh để làm những điều giả dối, ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của nhân dân. Có những quảng cáo rất tai hại khi người dân nhìn thấy hình ảnh của nghệ sĩ, họ đã tin và đã sử dụng sản phẩm, rất nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng, khiến họ đã gặp những tai nạn không đáng có. 

NSND Trung Anh cho rằng, pháp luật là biện pháp hiệu quả nhất: “Nhiều nghệ sĩ cũng đã bị vài năm nay rồi. Chẳng có giải pháp nào triệt để ngoài pháp luật can thiệp. Nhưng nói chung, nghệ sĩ ít khi nhờ pháp luật can thiệp vì cũng coi đó là những việc nhỏ. Thường thì các nhãn hàng lớn không làm thế, mà chỉ có các nhãn hàng nhỏ. Thiệt hại không đong đếm được, nhưng hình ảnh của nghệ sĩ bị ảnh hưởng”.

Tập trung lại và cùng nhau đưa ra những thông điệp mạnh mẽ để bảo vệ chính mình cũng là mong muốn của nghệ sĩ Kim Oanh: “Tôi cũng mong các anh chị em nghệ sĩ, những người bị lợi dụng hình ảnh lập vi bằng và gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng để bảo vệ hình ảnh của chính mình, vì những doanh nghiệp không biết tôn trọng pháp luật, không biết tôn trọng quyền con người thì tôi không tin họ có những sản phẩm tốt cho khách hàng”.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Luật Hừng Đông:

Quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân của mỗi người và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Bất kỳ việc sử dụng các hình ảnh cá nhân vì mục đích gì thương mại hay phi thương mại cần sự cho phép của cá nhân đó trừ một số trường hợp nhất định.

Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Trong trường hợp phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình cá nhân có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng.

Hiện nay hầu hết các vụ việc liên quan đến xâm phạm hình ảnh cá nhân chỉ ở mức bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào căn cứ, dấu hiệu, hành vi, lỗi, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.