Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 200

NDO -

Từ ngày 27 đến 30-7 (nhằm ngày mùng 7 đến 10-6 âm lịch), tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp diễn ra lễ giỗ lần thứ 200 của ông, bà Đỗ Công Tường.

Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 200.
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 200.

Ngày đầu diễn ra lễ giỗ, đông đảo đại biểu là lãnh đạo tỉnh, khách thập phương khắp các tỉnh, thành phố đã thành kính dâng hương tưởng nhớ tại Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường. Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường đã thực hiện trang nghiêm nghi thức diễu hành Lễ Nghinh Sắc ông, bà Đỗ Công Tường qua nhiều tuyến đường chính trên địa bàn TP Cao Lãnh.

Trong khuôn khổ lễ giỗ, UBND TP Cao Lãnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Không gian văn hóa “góc quê”, trưng bày công cụ nông nghiệp xưa; biểu diễn thư pháp; chương trình nghệ thuật hát bộ tuồng cổ, cải lương; biểu diễn dưỡng sinh; hội thi làm các món ngon từ xoài; hội thi cờ tướng, giải cờ thế; biểu diễn lân rồng; hội thi đá gà, đá chim nghệ thuật.

Theo tài liệu ghi chép, năm Đinh Sửu (1817), ông bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán ở miền trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến Tường thuộc tỉnh Định Tường; gia tư khá, tánh tình cương trực, nên ông được dân làng cử giữ chức Câu đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng. Đất hoang khẩn được ông bà tạo lập một vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm, nơi đây thuận chỗ nên dân trong làng tập trung để mua bán và ông bà cho dựng chòi bằng tre lá thành cái chợ. Qua vài năm, chợ trở nên thịnh, người gọi là chợ Vườn Quýt, có người gọi là chợ Ông Câu hoặc Câu Lãnh,… thu hút người buôn bán gần xa.

Năm Canh Thìn (1820), xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, ông bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 đến 9-6 thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10-6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng nhanh chóng chấm dứt. Nhớ ơn ông, bà, dân làng lập miếu phụng thờ, lấy ngày mùng 9 - 10-6 làm ngày giỗ của ông, bà. Tên Câu Lãnh được gọi trại thành Cao Lãnh, ngày nay là tên chợ, tên một thành phố và một huyện của tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 8-7-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định xếp hạng mộ và Đền thờ Ông, Bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.